Nhà báo Minh Điền công tác tại Ban Ảnh, TTXVN. Khi chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 nổ ra, anh cùng nhiều phóng viên của TTXVN cũng như phóng viên nhiều cơ quan báo chí khác được phân công làm phóng viên chiến trường tác nghiệp tại các mặt trận. Anh đã gửi về tổng xã nhiều bức ảnh nóng hổi phản ánh tinh thần anh dũng chiến đấu của quân và dân trên chiến trường. Nhưng ít ai biết lúc đó nhà báo Minh Điền mới có cậu con trai 5 tháng tuổi cùng cô con gái cũng chỉ hơn 2 tuổi.
Chị Đỗ Thu Thủy chia sẻ: “Tháng 2/1979, ba mẹ con ở nhà thấp thỏm lo âu, hoang mang, có phần sợ hãi... bởi bố các con từ biên giới Tây Nam lên phía Bắc và đang ở Vị Xuyên. Hơn nữa, xung quanh xóm giềng có nhiều bà con từ Cao Bằng và các tỉnh biên giới phía Bắc về lánh nạn. Con trai mới 5 tháng tuổi, con gái chưa tròn 3 tuổi”.
Trong ba lô quần áo các con đi nhà trẻ luôn có tờ giấy ghi rõ họ tên và địa chỉ của bố mẹ và con cái, đề phòng địch tràn xuống thì sẽ sơ tán các cháu đi đến nơi an toàn. Chị Thủy cho biết: “Bà con từ trên biên giới đổ về kể lại những điều mắt thấy trực tiếp thật hãi hùng”.
Nghề phóng viên ảnh vô cùng gian khổ, vì phóng viên ảnh luôn đến trực tiếp nơi chiến sự nổ ra mới có thể chụp ảnh lấy tư liệu. Khi đó, địch đánh vòng vào cả tuyến sau của ta, rất nhiều nơi có địch. Phóng viên Minh Điền đã ghi lại nhiều hình ảnh các trận địa ta đang nổ súng đánh địch. Đến những nơi địch vừa tràn qua bao gây chết chóc đau thương. Những bức ảnh của Minh Điền và của các nhà báo khác giờ đây trở thành những hình ảnh vô cùng quý báu, minh chứng cho những ngày đau thương và hào hùng của dân tộc bảo vệ biên giới phía Bắc.
Song có lẽ ít ai biết được tâm sự và những câu chuyện phía sau các bức ảnh đó. Vợ nhà báo Minh Điền, chị Đỗ Thu Thủy kể lại: “Ngày ấy, bố các cháu từ biên giới phía Bắc trở về kể những điều mắt thấy tai nghe với đôi mắt đỏ quạch đau thương và khuôn mặt sạm đen màu khói... để lại tiếp tục quay vào biên giới Tây Nam.... để tiếp tục làm chứng nhân cho sự tàn độc man rợ của bọn sát nhân diệt chủng còn lẩn khuất đâu đó quanh ta...”.
Một nách hai con nhỏ, sống giữa không khí chiến tranh khốc liệt lan rộng. Chị Thu Thủy vẫn nhớ như in những tình cảm xóm giềng, bạn bè của mình, đã đến động viên vợ nhà báo: “Ngày này, tháng này năm 1979, một số bạn mình ở quân binh chủng phòng không không quân, hành quân cùng giàn tên lửa từ Cam Ranh ra qua Hà Nội. Đơn vị nghi ăn tối ở Ngã Tư Sở, bạn xin 30 phút chạy bộ về Cửa Đông, không kịp vào nhà, đứng ở cửa trao vội gói quà gồm gói mỳ chính, tấm vải hoa và chiếc mũ cho em bé, rồi chạy vội đi vì sợ chậm giờ hành quân.
Trao đổi với phóng viên, nhà báo Đỗ Thu Thủy cho biết thêm: “Sau biên giới phía Bắc, năm 1980 Minh Điền đi Campuchia tới 1985”. Như vậy là những đứa con nhỏ bé của họ gần như sáu tuổi mới biết mặt cha mình.
Tôi từng có thời gian làm việc cùng nhà báo Minh Điền và nhà báo Đỗ Thu Thủy. Họ không chỉ là đôi vợ chồng rất hiểu ý nhau mà còn là một cặp đồng nghiệp, người viết bài người chụp ảnh. Câu chuyện về năm tháng chiến tranh, sau thời gian, tưởng chừng bị phai mờ. Những bức ảnh về cuộc chiến năm 1979 cũng ít được phổ biến trên báo chí.
Nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, ôn lại những năm tháng gian khổ, nhà báo Đỗ Thu Thủy nhắc nhở: “Hàng vạn chiến sĩ đã hy sinh anh dũng giữ từng tấc đất đường biên bị xâm lăng. Hàng vạn dân lành đã bỏ mạng. Chúng ta không thể quên mối đau thương đó và đừng quên nhắc nhở con cháu mình khắc cốt ghi tâm”.
Cũng vào dịp kỷ niệm 40 chiến thắng biên giới phía Bắc, chị Đỗ Thu Thủy mới có dịp nhìn lại những tấm ảnh mà chồng mình đã chụp trên chiến trường, chị vô cùng cảm động và tự hào. Là người vợ trẻ một mình nuôi con cho chồng ra mặt trận, chị đã góp phần giúp chồng hoàn thành nhiệm vụ để lại cho đời những bức ảnh chiến tranh chân thực và cảm động về cuộc chiến đấu thần thánh của dân tộc.