Điển hình “được vạ má sưng” tại Quảng Trị? (kỳ II):

Người bị tố cáo thanh tra người tố cáo

TP - “Sau khi vụ rút ruột xăng dầu của lái xe giám đốc công an Quảng Trị bị bại lộ do tôi tố giác, thay vì biểu dương tôi, họ lại tìm mọi cách hạ bệ tôi. Họ “bới lông tìm vết”, bằng các cuộc thanh tra chồng chéo hướng vào tôi, do chính những người mà tôi tố cáo tham nhũng trực tiếp thụ lí” - chị Mai uất nghẹn nói.
Người bị tố cáo thanh tra người tố cáo ảnh 1 Đại tá Phan Thị Thu Hiền- người ký xác nhận hơn 100 chuyến công tác trên những chiếc xe nằm bãi là người được chỉ định 2 lần làm trưởng đoàn thanh tra thiếu tá Mai

Xử lí qua loa vụ rút ruột xăng dầu

Theo Thiếu tá Nguyễn Thị Mai, sau khi chị báo cáo bằng văn bản vụ rút ruột xăng dầu lên Ban Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị, ngày 17/6/2016, Đại tá Nguyễn Đức Cảm, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị ký công văn số 1540/TB-CAT- PX13 thông báo về việc xử lý các sai phạm, sử dụng phương tiện vật tư đối với phòng hậu cần PH 41 công an tỉnh. “Nhân vật chính”, ông Trần Viết Hùng lái xe cho Giám đốc Công an Quảng Trị bị nêu: “Đội trưởng đội xe làm việc một cách tùy tiện thiếu ý thức tổ chức kỷ luật, đã tự ý và trực tiếp đề xuất đi công tác để quyết toán nhiên liệu vào các xe nói trên, sử dụng các xe đang sửa chữa đưa ra vận hành và quyết toán nhiên liệu vào xe khác, sử dụng đề xuất đã đi của những xe cấp định mức nhiên liệu thấp đưa vào các xe có định mức cao để quyết toán lấy tiền chênh lệch”.

Thông báo này còn nêu tên các cá nhân Nguyễn Tiến Thành, Nguyễn Đại Hào, Phạm Lộc Anh, Trần Thanh Sơn, Mai Văn Đức, Nguyễn Văn Dương, Nguyễn Quốc Dũng và thiếu tá Nguyễn Thị Tuyết Mai có trách nhiệm liên quan.

Sai phạm của ông Trần Việt Hùng là quá rõ ràng, có dấu hiệu hình sự, tuy nhiên việc xử lí của lãnh đạo Công an Quảng Trị rất qua loa. Thông báo của đại tá Cảm liên quan đến vụ việc này chỉ phê bình và yêu cầu ông Hùng, cùng những người liên quan rút kinh nghiệm. Nghiêm trọng hơn, thông báo này không hề nhắc đến việc thu hồi lại số tiền mà ông Hùng đã kê khống hóa đơn, chứng từ xăng dầu để rút ruột gần 1 tỷ đồng tiền ngân sách Nhà nước.

Theo thiếu tá Mai, việc rút ruột xăng dầu của ông Hùng có liên quan đến một số lãnh đạo Công an Quảng Trị. Đầu tiên phải kể đến ông Trần Đức Việt, Giám đốc Công an Quảng Trị, người thường xuyên có tên trong các tờ hóa đơn kê khai khống của ông Hùng với nội dung “Ban Giám đốc, đồng chí Việt duyệt”; thứ đến là Đại tá Phan Thị Thu Hiền, Chánh thanh tra công an tỉnh Quảng Trị ký xác nhận 127 chữ ký với tư cách người sử dụng phương tiện; Thượng tá Nguyễn Văn Dương, phó trưởng phòng, phụ trách đội xe, ký duyệt với tư cách chỉ huy phụ trách.

Chị Mai chua xót: “Họ tiếp tay cho cấp dưới rút ruột xăng dầu chiếm đoạt tiền ngân sách Nhà nước nhưng không hề hấn gì. Còn riêng tôi, người phát hiện và đấu tranh thì bị gây áp lực. Chính bà Hiền và ông Dương hai người bị tôi tố cáo lại làm trưởng đoàn thanh tra tôi”.

“Bới lông tìm vết”

Theo thiếu tá Mai, sau khi giải quyết êm thấm vụ rút ruột xăng dầu, những người trong ê kíp rút ruột xăng dầu lên kế hoạch nhằm vào người tố cáo. Đầu tiên, khoảng cuối năm 2016, Giám đốc Công an Quảng Trị cho thanh tra việc sử dụng, duy tu, sửa chữa một con tàu tuần tra kiểm soát và phát hiện “thất thoát” 38 triệu đồng liên quan đến chi phí sơn và cạo hà con tàu này.

“Về nguyên tắc, trong vòng 6 tháng phải cạo hà và sơn thủy 1 lần, nhưng họ để đến 3 năm mới làm việc này, nên giá thành bị đội lên. Ban đầu họ gán cho tôi đã bỏ túi riêng số tiền này, nhưng sau đó đành phải rút lại với cái gọi là “thất thoát” do không tìm ra chứng cứ. Vì việc này, năm 2017 tôi bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ” - chị Mai nói.

Sang năm 2018, đại tá Trần Đức Việt liên tục ra 2 quyết định thanh tra nhắm vào lĩnh vực mà cá nhân thiếu tá Mai phụ trách. Quyết định thanh tra số 1496/QĐ-CAT-PV24, ngày 27/4/2018 nhắm vào việc sử dụng, bảo dưỡng vũ khí, khí tài từ năm 2016 đến năm 2017. Thực hiện quyết định này, đoàn thanh tra do Đại tá Phan Thị Thu Hiền làm trưởng đoàn đã “phát hiện” thiếu tá Mai kê khống 44 triệu đồng và không thực hiện việc bão dưỡng vũ khí, khí tài gây gỉ sét, hư hỏng.

Theo thiếu tá Mai, 44 triệu đồng là số tiền mà chị đã mua vật tư, vật liệu để bão dưỡng vũ khí, có đầy đủ hóa đơn, chứng từ. Còn việc nói vũ khí không được bảo dưỡng gây gỉ sét, hư hỏng là bịa đặt, vì trong báo cáo hàng năm của Công an Quảng Trị gửi Bộ Công an đều nói việc bảo dưỡng vũ khí, khí tài làm rất tốt và hiệu quả cao. Bản thân đối tượng bị thanh tra là chị Mai trong các năm này luôn là chiến sỹ thi đua cấp cơ sở.

Đại tá Trần Đức Việt tiếp tục ra quyết định thanh tra thứ hai, số 3838/QĐ-CAT-PX05, ngày 27/8/2018, “V/v thanh tra việc tạm ứng sử dụng và thanh toán kinh phí của đ/c Nguyễn Thị Tuyết Mai, Đội trưởng Đội Quản lí vật tư Phòng Hậu cần từ năm 2013 đến năm 2016”. Đợt thanh tra lần thứ hai này cũng do bà Hiền làm trưởng đoàn và ông Nguyễn Văn Dương làm phó đoàn. Đoàn thanh tra đã phát hiện thiếu tá Mai “tham nhũng” 899 triệu đồng.

Nói về kết luận thanh tra này, chị Mai nghẹn đắng: “Người rút ruột ngân sách cả tyr đồng thì họ cho qua, còn với tôi thì họ soi đến từng chiếc quần lót mà tôi đã mua để trang cấp cho phạm nhân”.

Chị Mai kể: “Bà Hiền đã yêu cầu tôi giải trình, năm 2014 thủ kho khẳng định không nhận 10 quần áo lót nữ để trang cấp cho phạm nhân. Tôi giải thích rằng, nội dung này không đưa vào giải trình vì sổ sách tài vụ đã có đầy đủ, hơn nữa chỉ một cá nhân nói không nhận 10 quần áo lót nữ mà quy tội cho tôi là không đúng. Sau đó, đoàn thanh tra đã lục lại hồ sơ tài vụ và có xác nhận rõ ràng là đã nhận đầy đủ số quần áo lót này, nhưng kết luận thanh tra lại không đưa vào để minh oan cho tôi. Từ đó mà dư luận hàm oan cho tôi đã tham nhũng 10 cái quần lót nữ của phạm nhân”.

Theo thiếu tá Mai: “Trong 1 năm có đến hai cuộc thanh tra nhắm vào đơn vị do tôi phụ trách và cá nhân tôi là ý đồ cá nhân muốn trù dập người tố cáo chứ không phải vì mục đích thanh tra để phòng chống tham nhũng làm trong sạch nội bộ. Ngoài ra, quyết định thanh tra cử hai người bị tôi tố cáo liên quan đến rút ruột xăng dầu làm trưởng và phó đoàn thanh tra càng thể hiện rõ ý đồ cá nhân, làm sao họ có thể làm việc công tâm để cho ra một kết luận thanh tra khách quan, đúng bản chất sự việc được?”.

(Còn nữa)

Chị Mai chua xót: “Những người rút ruột xăng dầu chiếm đoạt tiền ngân sách Nhà nước nhưng không hề hấn gì. Còn riêng tôi, người phát hiện và đấu tranh thì bị gây áp lực. Chính bà Hiền và ông Dương hai người bị tôi tố cáo lại làm trưởng đoàn thanh tra tôi”.

Kết luận thanh tra số 563 do Đại tá Trần Đức Việt, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị ký ngày 23/7/2018 liên quan đến công tác bảo quản, bảo dưỡng vũ khí (VK), công cụ hỗ trợ (CCHT) có đoạn viết: Năm 2016, 2017, Đội quản lí vật tư không tiến hành bão dưỡng VK, CCHT định kỳ theo quy định; … Theo báo cáo của cán bộ thủ kho, phát hiện có tình trạng một số loại súng bị hoen rỉ đã báo cáo, đề xuất nhưng Chỉ huy Đội Quản lí vật tư không chỉ đạo bảo dưỡng.
Trong lúc đó, trong một báo cáo số 125, ngày 17/1/2017 của Công an tỉnh Quảng Trị gửi Cục H44, Tổng cục IV - Bộ Công an, cũng chính Đại tá Việt ký lại cho rằng: “Công an tỉnh từng bước hoàn thiện nâng cấp kho VK - VLN - CCHT; cán bộ phụ trách kho thường xuyên bảo dưỡng VK - đạn; sắp xếp kho theo đúng quy trình; phân công một cán bộ thủ kho; thực hiện việc cấp phát theo đúng quy định của ngành và nội quy, quy chế của đơn vị”.

MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.
Ba tân Phó giáo sư 9X gồm: Nguyễn Hoàng Chung, Vũ Thu Trang và Trần Ngọc Mai (từ trái qua phải)
Chân dung các tân phó giáo sư 9X
TPO - Ngoài tân phó giáo sư (PGS) trẻ nhất năm 2024 Trần Ngọc Mai (sinh năm 1991, Hà Nam), còn 3 ứng viên khác trở thành PGS trẻ thuộc thế hệ 9X gồm: PGS Nguyễn Hoàng Chung (1990, Bình Định), công tác tại Trường ĐH Thủ Dầu Một; PGS Nguyễn Thị Hoa Hồng (1990, Hà Nam), công tác tại Trường ĐH Ngoại thương; PGS Vũ Thu Trang (1990, Hải Phòng), công tác Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.