Ngày 11/10, UBND TPHCM đã tổ chức hội nghị tổng kết Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 trên địa bàn TPHCM. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Vũ Thanh Liêm và Phó Chủ tịch thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm chủ trì hội nghị
Theo ông Huỳnh Văn Hùng, Cục trưởng Cục thống kê TPHCM, tính đến 0 giờ ngày 1/4, TPHCM có 2.558.914 hộ dân, chiếm 9,52% cả nước. Sau 10 năm, TPHCM tăng thêm 734.092 hộ, chiếm gần 1/2 số hộ tăng của cả vùng Đông Nam Bộ và chiếm gần 1/6 số hộ tăng của cả nước.
Số người bình quân hộ năm 2019 ở là 3,51 người. Cơ cấu hộ từ 1-3 người qua các kỳ Tổng điều tra có xu hướng tăng và năm 2019 chiếm tỷ trọng cao nhất với 53,90%, ngược lại quy mô hộ từ 7 người trở lên năm 2019 chỉ chiếm tỷ trọng 5,38%.
Số nhân khẩu trung bình một hộ ở khu vực thành thị TPHCM là 3,52 người, ở nông thôn là 3,51 người. Tỷ trọng hộ từ 1-3 người ở thành thị cao hơn nông thôn và ngược lại tỷ trọng hộ từ 4 người trở lên thì thấp hơn.
Dân số TPHCM tính đến ngày 1/4 đạt 8.993.082 người, trong đó nam là 4.381.242 người (chiếm 48,7%); nữ là 4.611.840 người (chiếm 51,3%), tập trung ở thành thị với 7.125.497 người, chiếm 79,23%. TPHCM là thành phố đông dân nhất cả nước chiếm tỷ trọng 9,35% dân số cả nước và 50,44% dân số vùng Đông Nam Bộ.
Sau 10 năm, quy mô dân số của TPHCM tăng thêm 1,8 triệu người; tốc độ tăng dân số bình quân của thành phố là 2,28%/năm. Bình quân mỗi năm, thành phố tăng khoảng 183 ngàn người, gần bằng dân số của một quận quy mô nhỏ của thành phố. Quận Bình Tân dẫn đầu về số dân với 784.173 người, tiếp theo là huyện Bình Chánh với 705.508 người, thứ ba là quận Gò Vấp với 676.899 người và thấp nhất là huyện Cần Giờ với 71.526 người.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cho biết năm 2010, ông có đề nghị Cục thống kê giúp điều tra thu nhập người dân nội thành, ngoại thành đã thực hiện chương trình Nông thôn mới. Kết quả điều tra cho thấy khoảng cách về thu nhập của người dân khu vực ngoại thành và nội thành ngày càng giảm.
Tuy nhiên, TPHCM đang đau đầu về tình trạng tăng dân số cơ học quá nhanh và vừa qua UBND TPHCM đã tổ chức hội thảo "Tìm giải pháp nhà ở cho 1 triệu người thêm sau mỗi 5 năm ở TPHCM".
"Hiện nay, huyện Bình Chánh đã có trên 700.000 dân; quận Bình Tân hơn 800.000 dân. 15 năm trước, khi chưa tách quận thì cả hai địa phương chỉ có dân số khoảng 600.000 người. Có nhiều xã, phường dân số lên tới 400.000, -500.000 người", ông Liêm chia sẻ.
Đáng chú ý, theo kết quả tổng điều tra, trong khi tốc độ tăng dân số cao đều thuộc về các huyện, dẫn đầu là huyện Nhà Bè với 7,16%/năm thì dân số ở các quận nội thành lại có xu hướng giảm. Nguyên nhân giảm là do việc di dời dân nhằm thực hiện các chính sách nâng cấp đô thị, do nhu cầu thuê nhà làm văn phòng, cửa hàng ở các quận trung tâm; do giá nhà ở các quận này tăng cao nên người dân có xu hướng chuyển ra các quận vùng ven, các huyện nơi có giá nhà đất rẻ hơn để sinh sống.
Mật độ dân số TPHCM là 4.292 người/km2, tăng 25,55% là thành phố có mật độ dân số cao nhất cả nước (mật độ dân số của Hà Nội là 2.398 người/km2). Mật độ dân số của quận 4 cao nhất thành phố với 41.945 người/km2
Kết quả sơ bộ Tổng điều tra năm 2019 cho thấy, tỷ số giới tính là 95,0 nam/100 nữ. Trong đó, tỷ số giới tính khu vực thành thị là 93,8 nam/100 nữ, khu vực nông thôn là 99,7 nam/100 nữ. Qua các thời kỳ, tỷ số giới tính của thành phố luôn thấp nhất cả nước.
Về nhà ở, theo kết quả Tổng điều tra năm 2019, tỷ lệ hộ có nhà ở của TPHCM là 99,8%, trong đó, khu vực thành thị xấp xỉ 100% hộ có nhà ở; khu vực nông thôn đạt 99,3% số hộ có nhà ở.
Trong 10 năm qua, điều kiện về nhà ở của các hộ dân cư đã được cải thiện, đặc biệt ở khu vực thành thị. Đa số các hộ dân cư tại thành phố hiện đang sống trong các nhà kiên cố và bán kiên cố (99,3%), trong đó khu vực thành thị là 99,4%, khu vực nông thôn là 98,9%. Tỷ lệ hộ có nhà ở thiếu kiên cố và đơn sơ của thành phố thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ bình quân chung của cả nước (6,9%).
Về diện tích nhà ở, bình quân đầu người năm 2019 của thành phố đạt 19,4 m2/người, trong đó, diện tích nhà ở bình quân đầu người khu vực thành thị và khu vực nông thôn chênh lệch không quá lớn, tương ứng là 19,1 m2/người và 20,4 m2/người.
Mặc dù điều kiện nhà ở của người dân đã cải thiện trong những năm qua, thể hiện qua diện tích ở bình quân đầu người có xu hướng tăng và gần sát mục tiêu đề ra của thành phố, tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận hộ dân cư đang sống trong các ngôi nhà có diện tích chật hẹp dưới 6m2/người, khoảng 188.815 hộ dân cư (tương ứng với khoảng 663 ngàn người).
Trong tổng số 2,5 triệu hộ dân cư, vẫn còn 39 hộ tại TPHCM không có nhà ở. Trung bình cứ 100.000 hộ dân cư thì có khoảng 2 hộ không có nhà ở.
Trình độ dân trí tại TPHCM ngày càng được cải thiện với 92,9% dân số trong độ tuổi đi học phổ thông hiện đang đi học và tỷ lệ biết đọc biết viết của người từ 15 tuổi trở lên là 99%.