Sáng 25/9, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Mỹ Đình, Hà Nội) diễn ra phiên trọng thể Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII nhiệm kỳ 2018 – 2023. Tham dự và phát biểu chỉ đạo đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trải qua gần 90 năm hình thành và phát triển, Công đoàn (CĐ) Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành, có những đóng góp xứng đáng và thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam.
Trong nhiệm kỳ Đại hội 11 vừa qua, CĐ Việt Nam đã có nhiều đổi mới nội dung và phương thức hoạt động. Công tác CĐ và phong trào công nhân đã đạt nhiều kết quả toàn diện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động. CĐ Việt Nam cũng có nhiều sáng tạo, đề xuất và tổ chức thực hiện những chương trình hoạt động mới như chăm lo phúc lợi cho đoàn viên công đoàn. Thành tích của CĐ và sự lớn mạnh của phong trào công nhân Việt Nam là rất to lớn và đáng tự hào.
Bên cạnh những thành tích đó, Tổng Bí thư cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập của công tác công đoàn và phong trào công nhân nhiệm kỳ qua. Hiện nay xã hội vẫn băn khoăn trước tình trạng một bộ phận công nhân, người lao động có biểu hiện phai nhạt về chính trị, chỉ lo nhiều đến vấn đề lợi ích kinh tế, đời sống cụ thể trước mắt, ít quan tâm vấn đề cơ bản lâu dài có tính chiến lược.
Bên cạnh đó, tổ chức CĐ vẫn còn lúng túng trong nghiên cứu, dự báo, đề xuất giải pháp để khắc phục, nhất là bức xúc về cường độ lao động, việc làm, đời sống vật chất, văn hoá tinh thần của công nhân lao động.
Theo Tổng Bí thư, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với hàng loạt những đột phá khoa học và tiến bộ công nghệ, tác động sâu sắc đến sản xuất đời sống, việc làm của người lao động. Ở trong nước, thế và lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước tăng lên, uy tín quốc tế của Việt Nam ngày được nâng cao, tạo những tiền đề quan trọng để thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tôt quốc.
Song chúng ta vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, tác động lớn tới việc làm, đời sống của người lao động, quan hệ lao động và tổ chức hoạt động của CĐ.
Tổng Bí thư nhấn mạnh đến việc chú trọng nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị cho công nhân viên chức, người lao động. Tập trung tuyên truyền, giáo dục giúp công nhân, viên chức, người lao động nhận thức sâu sắc hơn nữa về giai cấp, về Đảng, về tổ chức CĐ, về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân.
Ngày nay, thước đo lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc của công nhân, người lao động chính là không ngừng nâng cao trình độ mọi mặt, ý thức, tác phong công việc, kỷ luật lao động, kỹ năng nghề nghiệp... để thích ứng với điều kiện lao động trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, quyết tâm chiến thắng đói nghèo, lạc hậu.
Theo Tổng Bí thư, cần phát triển phương thức tuyên truyền có tác động nhanh, sức lan toả rộng như internet, mạng xã hội và đưa các hoạt động văn hoá tinh thần tới công đoàn, công nhân, người lao động; chú trọng giáo dục, giữ vững bản lĩnh, có ý thức nhạy bén chính trị, tăng sức đề kháng trước những biểu hiện tiêu cực, mặt trái của xã hội và sự chống phá xuyên tạc của các thế lực thù địch.
“Tuyệt đối không để các thế lực thù địch lợi dụng lòng yêu nước chân chính của công nhân, người lao động để kích động, lôi kéo biểu tình, tụ tập gây rối, làm mất an ninh trật tự, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Đồng thời, Tổng Bí thư cũng lưu ý việc các cấp CĐ cần tích cực đấu tranh bảo vệ cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng, thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội. Tham gia góp ý, xây dựng Đảng, chính quyền, phòng chống tham nhũng nhiêu cực.
Liên quan đến việc bầu BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam khoá mới, Tổng Bí thư đề nghị các đại biểu Đại hội đề cao tinh thần trách nhiệm, sáng suốt lựa chọn những đồng chí tiêu biểu có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có năng lực công tác tốt.
Phát biểu đáp từ, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường cho biết, Đại hội nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư để thảo luận, bổ sung và cụ thể hóa vào Nghị quyết nhằm xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam ngày càng vững mạnh, tiếp tục đổi mới về tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động công đoàn, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.