Cụ thể, theo ông Thịnh, việc nâng cao đê đã được cụ thể hóa bằng quyết định 1821 của Thủ tướng đối với hệ thống sông Đáy, trong đó có đê Bùi.
"Sau khi kiểm tra hiện trường ngày 30/7 và sau khi họp với Ban Thường vụ Thành uỷ, Chủ tịch UBND thành phố đã thống nhất cho triển khai tôn cao và kiên cố hệ thống đê tả Bùi qua Chương Mỹ", ông Thịnh cho biết.
Dù thế, theo ông Thịnh, để triển khai thực hiện cần có thời gian. Đặc biệt là chuẩn bị về nguồn lực vì kinh phí rất lớn. “Câu chuyện muốn thì như vậy nhưng làm thì chưa thể có ngay một cách đồng bộ được”, ông Thịnh nói.
Cụ thể, nếu thực hiện việc này, phải chuẩn bị từ khâu khảo sát thiết kế vì khu vực đó hết sức phức tạp, từ địa bàn, địa hình cho đến đường vận chuyển, ý tưởng việc nâng cấp kiên cố đê.
Ông Thịnh cho rằng, để nâng cấp đê Bùi thì kinh phí dự kiến rẻ nhất cũng phải từ 50-70 tỷ đồng/km, thậm chí chỗ khó là 100 tỷ đồng/km. Đê trên địa bàn huyện Chương Mỹ có 14km thì kinh phí có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Trước đó, tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ NN&PTNT cùng UBND huyện Chương Mỹ ngày 30/7, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề xuất phương án kè các đoạn đê xung yếu của sông Bùi theo hướng bền vững.
Vật liệu được sử dụng để kè đê sông Bùi theo ông Chung cho biết là bê tông dự ứng lực (bê tông được nén trước để cải thiện khả năng chịu lực) có các bản rộng từ 40-60 cm.
“Sau đợt mưa lũ này, nếu Bộ cho phép thì thành phố sẽ làm luôn các đoạn đê xung yếu bằng bê tông cốt thép. Tôi nghĩ làm như vậy phải đến vài chục năm sau chúng ta không phải suy nghĩ gì cả”, ông Chung nói.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, việc kè bền vững các đoạn xung yếu của đê sông Bùi nếu chia tổng mức đầu tư bình quân cho các năm cũng không tốn kém.