TPO - Thủ tướng đồng ý xếp Hà Nội thuộc nhóm "có nguy cơ", nhưng một số địa phương của Hà Nội "nguy cơ cao" như huyện như Mê Linh, Thường Tín - nơi có ca nhiễm chưa qua 14 ngày. Theo phương án này, Hà Nội sẽ được nới lỏng hơn các quy định giãn cách xã hội, trừ hai huyện đang có dịch.
Chiều nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ để nghe báo cáo và “chốt” việc áp dụng cách ly xã hội sau ngày 22/4 đối với địa phương thuộc nhóm nguy cơ cao như Hà Nội.
Tại cuộc họp, thay mặt lãnh đạo thành phố, trên cơ sở kết quả báo cáo tình hình kiểm soát dịch bệnh, dự báo nguy cơ trong thời gian tới, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung kiến nghị Thủ tướng, Chính phủ, Ban Chỉ đạo nghiên cứu, đánh giá và xếp Hà Nội vào địa phương thuộc nhóm nguy cơ.
Căn cứ tình hình thực tế, ngày 21/4 Ban Chỉ đạo thành phố đã xin ý kiến của đồng chí Bí thư Thành uỷ và các đồng chí trong Thường trực Thành ủy, sáng 22/4, Ban Chỉ đạo phòng chống COVID - 19 thành phố Hà Nội có công văn gửi báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương đề xuất Hà Nội vào xếp vào nhóm "có nguy cơ".
Tuy nhiên, để thực hiện nghiêm việc phòng, chống bệnh tật trên địa bàn thành phố, nếu được Thủ tướng quyết định trong trường hợp này, Hà Nội vẫn sẽ tạm dừng hoạt động đối với tất cả các dịch vụ thể thao và các dịch vụ văn hoá, lễ hội, karaoke, massage, các trò chơi điện tử. Hiện nay thành phố đã cơ bản xác minh được những người liên quan đến ổ dịch Bạch Mai với gần 32.000 người, ổ dịch thôn Hạ Lôi, Mê Linh với khoảng 15.000 người, ngoài ra, các trường hợp khác cũng đã xác minh làm rõ.
"Nếu Ban Chỉ đạo Quốc gia xếp vào nhóm các tỉnh 'nguy cơ cao', cách ly xã hội thêm 1 tuần nữa sẽ rất khó khăn, các hoạt động ngoài tỉnh, lao động phổ thông không thể vào Hà Nội; hoặc nếu có nối lại đường bay Hà Nội - TP Hồ Chí Minh nhưng một đầu (TP Hồ Chí Minh) nhóm 'nguy cơ'trong khi Hà Nội nhóm 'nguy cơ cao'... sẽ khó cho công tác quản lý", Chủ tịch UBND TP Hà Nội phân tích.
Theo Chủ tịch Hà Nội, ngay cả khi Hà Nội được xếp vào nhóm "có nguy cơ", nhưng công tác phòng dịch của Hà Nội cũng bảo đảm, phản ứng, xét nghiệm nhanh, khoanh vùng dập dịch tốt không để lây lan ra cộng đồng... Ngoài ra, Chủ tịch cũng cho biết, trong giai đoạn này học sinh chưa đi học, thành phố đưa ra kế hoạch dự kiến, thứ nhất sau ngày 3/5, các trường từ bậc THPT đến bậc đại học đi học từ ngày 4/5, các trường THCS, tiểu học và mẫu giáo đi học sau đó 1 tuần từ ngày 11/5.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng cam kết sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm. Quan điểm đề xuất này cũng nhận được ý kiến đồng thuận từ phía lãnh đạo nhiều bộ, ngành Trung ương tại buổi làm việc.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Hà Nội là địa phương có nguy cơ, nhưng một số quận, huyện ở Hà Nội là có nguy cơ cao. Như huyện Thường Tín, Mê Linh và một số nơi nếu có ca nhiễm mà chưa đủ 14 ngày. Có một số huyện của Hà Nội là nguy cơ cao, cần áp dụng nghiêm khắc Chỉ thị 16. Còn các nơi khác của Hà Nội là có nguy cơ. Chưa áp dụng nguy cơ cao với toàn thành phố Hà Nội mà chỉ một số địa phương của Hà Nội mà thôi.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội có quyết định để thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 đối với các địa phương trên. Đối với các địa phương khác như Thành phố Hồ Chí Minh, các vùng khác của Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh, một vài huyện của Hà Giang. Huyện có bệnh nhân của Hà Giang là huyện nguy cơ cao. Nơi có một bệnh nhân ở cơ sở sản xuất là nguy cơ cao, khu vực huyện đó. Còn các nơi khác là nơi có nguy cơ.
"Như vậy tất cả các địa phương khác chúng ta đặt vấn đề là có nguy cơ, phần lớn các tỉnh, thành phố của Việt Nam để chúng ta kiểm soát chặt chẽ, theo dõi nghiêm ngặt nhưng tạo điều kiện để sản xuất kinh doanh bình thường của người dân", Thủ tướng nói đồng thời yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục ngăn chặn dịch quyết liệt, không để dịch xâm nhập vào Việt Nam trở lại.
“Phòng, chống dịch tốt ở Việt Nam, thực hiện nghiêm cách ly xã hội nhưng phải đảm bảo lưu thông hàng hóa, giải quyết việc làm và phát triển kinh tế xã hội”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm cần “xác định trạng thái bình thường mới” như đeo khẩu trang bắt buộc trong các hoạt động cộng đồng, đi học, đi chợ, tham gia giao thông...; thường xuyên rửa tay sát khuẩn; huy động khoảng cách tối thiểu giữa người với người trong các hoạt động thường xuyên; tiếp tục khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài, hạn chế tập trung đông người. Nếp sống mới, văn minh, tác phong làm việc mới, một thời kỳ mới với các ứng dụng khoa học và công nghệ, công nghệ thông tin được áp dụng rộng rãi trong mọi mặt đời sống xã hội; khẳng định khả năng tự lực tự cường của đất nước.
Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý, những người có dấu hiệu ốm, sốt nên ở nhà, không đến cơ quan, đơn vị, trường học và cần làm theo hướng dẫn của bác sỹ, không được để lây lan trong cộng đồng. Thủ tướng cơ bản đồng ý với các biện pháp nới lỏng thận trọng mà Ban Chỉ đạo đề xuất.
Trước đó, trong cuộc họp buổi sáng, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 thống nhất đề xuất danh sách các địa phương thuộc 3 nhóm nguy cơ. Theo đó, thành phố Hà Nội thuộc nhóm nguy cơ cao; Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Hà Giang thuộc nhóm nguy cơ; nhóm nguy cơ thấp gồm các địa phương còn lại.
Theo nhận định của Ban Chỉ đạo, dù tình hình tốt lên nhưng điều quan trọng là nhất định không được chủ quan. Các biện pháp có tính nới lỏng phải trên cơ sở khoa học về phòng, chống dịch, khoa học xã hội và có tham khảo quốc tế.
Ban Chỉ đạo kiến nghị đối với địa phương thuộc nhóm nguy cơ cao (Hà Nội) cần tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg thêm 1 tuần nữa (đến hết 30/4). Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo đề xuất Thủ tướng cho phép chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố quyết định theo thẩm quyền việc mở các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu các loại hình kinh doanh đường phố và theo tình hình thực tiễn tại địa phương nhưng phải bảo đảm phòng, chống dịch.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo tại cuộc họp
Đối với nhóm có nguy cơ: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định theo thẩm quyền việc mở các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu các loại hình kinh doanh đường phố và theo tình hình thực tiễn tại địa phương nhưng phải bảo đảm phòng, chống dịch.
Đối với nhóm nguy cơ thấp: Các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu được phép hoạt động, phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho người mua hàng; yêu cầu khách hàng phải thực hiện dãn cách đúng quy định. Chủ cửa hàng phải chịu trách nhiệm về các biện pháp phòng chống dịch của cơ sở do mình quản lý.
TPO - Tại kỳ họp, 100% đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII dự họp đã bầu ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy giữ chức Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026.
TPO - Chủ đầu tư dự án thành phần cao tốc Vân Phong - Nha Trang cho biết đã phê duyệt hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án đầu tư kinh doanh công trình trạm dừng nghỉ trên cao tốc với tổng mức đầu tư hơn 230 tỷ đồng.