Giao thông đầu tàu kinh tế TPHCM: Giải pháp nhiều, hiệu quả ít

Kẹt xe trên cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây
Kẹt xe trên cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây
TP - TPHCM là đầu tàu kinh tế, nên hạ tầng kỹ thuật giao thông của thành phố cần đi trước một bước để phục vụ phát triển kinh tế, đóng góp nhiều hơn cho cả nước. Tuy nhiên, trên thực tế, giao thông tại TPHCM luôn chạy theo và đang đối mặt nguy cơ tắc nghẽn trên diện rộng bởi thiếu đường, số phương tiện tăng quá nhanh…   

Cửa ngõ, nội ô đều kẹt

Tình trạng kẹt xe trên đường Vành đai 2, đường dẫn vào cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây xảy ra như cơm bữa, đặc biệt là vào khung giờ cao điểm và cuối năm. Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong sáng 13/7, ô tô nối đuôi hơn 3 km trên đường Vành đai 2, kéo dài đến vòng xoay An Phú (quận 2).

Đường Vành đai 2 dài hơn 64 km, quy mô 6-10 làn xe, kết nối vành đai ngoại thành từ đại lộ Nguyễn Văn Linh qua nút giao Mỹ Thủy (quận 2) qua cầu Phú Hữu (quận 9), kết nối với xa lộ Hà Nội, tuyến Phạm Văn Đồng và quốc lộ 1A (đoạn qua quận Thủ Đức). Dự án rất quan trọng cho giao thông khu vực ngoại vi bao quanh thành phố. Tuy nhiên, đến nay, ngoài tuyến đại lộ Nguyễn Văn Linh được đưa vào sử dụng và quốc lộ 1A đang khai thác, 11 km đường (chia làm 4 đoạn) vẫn đang dở dang, chưa được khép kín.

Cụ thể, đoạn 1 (từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội), đoạn 2 (từ xa lộ Hà Nội đến Phạm Văn Đồng) và đoạn 4 (từ đường Nguyễn Văn Linh đến quốc lộ 1A) đang bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương đầu tư công dự án. Riêng đoạn 3, từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông cầu vượt Gò Dưa (quận Thủ Đức), được triển khai thi công từ năm 2017 với tổng vốn đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng (gồm cả chi phí giải phóng mặt bằng) nhưng đến nay cũng đang tạm ngưng.

Theo báo cáo tổng kết Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2016 - 2020, đến cuối năm 2019, TPHCM còn 28 điểm đen về ùn tắc giao thông (UTGT). Sở Giao thông vận tải TPHCM đã công bố xóa đối với 6/28 điểm chuyển biến tốt. Tuy nhiên, trong 6 điểm đen đã xóa, thực tế nhiều nơi vẫn thường xuyên diễn ra tình trạng ùn ứ vào giờ cao điểm như giao lộ Lê Văn Việt - Đình Phong Phú (quận 9), đường Hoàng Minh Giám (quận Phú Nhuận và quận Gò Vấp) thường xuyên UTGT trong giờ cao điểm. Nhiều trục đường trước kia thông thoáng, phương tiện chỉ đông hơn vào giờ tan tầm chiều tối thì hiện nay liên tục bị tắc nghẽn như tuyến đường Nguyễn Đình Chiểu, Trần Quốc Thảo (quận 3), Nguyễn Thái Học (quận 1), Bến Vân Đồn (quận 4).

Theo Sở GTVT, nguyên nhân gây UTGT là quỹ đất dành cho giao thông ở TPHCM quá thấp. Tổng chiều dài các tuyến đường của TPHCM khoảng 4.205 km, đạt mật độ 2 km/km2 (theo quy hoạch là 10-13,3 km/km2). Đất dành cho giao thông khoảng 7.987 ha (quy hoạch là 22.305 ha). Tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt 8,73% (quy hoạch là 22,3%). Trong khi đó, quy hoạch giao thông TPHCM tuy đề cập đầy đủ mạng lưới đường xuyên tâm, đường cao tốc, đường trên cao, đường sắt đô thị (metro) nhưng suốt nhiều năm qua hầu hết vẫn còn trên giấy.

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT, cho biết, để thu hút người dân đi xe buýt nhằm giảm kẹt xe thì phải đáp ứng về thời gian. Tuy nhiên, do mật độ lưu thông ngày càng cao nên xe buýt từ ngoại ô vào nội thành hiện nay trung bình mất hơn 1 giờ và ngày càng chậm hơn. “Theo kết quả nghiên cứu của Sở GTVT, chỉ cần 60% tổng số phương tiện rời khỏi nhà vào giờ cao điểm, việc chiếm dụng mặt đường của phương tiện trong các năm 2005 và 2011 lần lượt là 0,76 lần và 1,04 lần. Đến năm 2017, con số này là 1,2 lần, vượt năng lực thiết kế của hệ thống đường bộ. TPHCM không còn đủ đường cho xe lưu thông”, ông Lâm nói.

Chờ giải cứu

Là công trình giao thông trọng điểm có vai trò đặc biệt quan trọng trong kéo giảm tai nạn và UTGT thông qua việc hạn chế xe có tải trọng lớn lưu thông xuyên tâm TPHCM, dù được triển khai từ năm 2007 với tổng vốn đầu tư 12.540 tỷ đồng nhưng đến nay, đường Vành đai 2 vẫn chưa khép kín và chưa biết bao giờ về đích.

Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, đoạn 3 của đường Vành đai 2 đang tạm ngưng nhiều hạng mục. Công trường thi công thuộc phường Tam Phú (quận Thủ Đức) dù được rào chắn nhưng bị bỏ hoang. Các cây cầu trơ khung, sắt thép rỉ sét, cây cối mọc um tùm. Trên khu vực công trường, một số nhà dân vẫn chưa được giải tỏa.

Đại diện Công ty Cổ phần Văn Phú, Bắc Ái (nhà đầu tư đoạn 3 từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao cầu vượt Gò Dưa) cho biết, công trình đã thi công được gần 50% khối lượng và còn vướng mặt bằng ở khu vực quận Thủ Đức. Nếu có mặt bằng sạch và được tháo gỡ khó khăn thì nhà thầu sẽ triển khai thi công lại và chỉ mất 1,5 năm là xong. Nhà đầu tư đã bỏ ra hơn 900 tỷ đồng giải phóng mặt bằng, hơn 400 tỷ đồng cho thi công và chịu thêm khoản lãi phát sinh hơn 200 tỷ đồng, nhưng đến nay TPHCM chưa giải ngân để thanh toán cho nhà đầu tư.

Ngoài đường Vành đai 2, hàng loạt dự án giao thông trọng điểm nhằm giải quyết UTGT ở TPHCM đang chờ giải cứu. Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án xây dựng các công trình giao thông TPHCM Lương Minh Phúc, dự án mở rộng, nâng cấp đường Lương Định Của (quận 2) ngưng thi công do vướng 3 dự án, 75 hộ dân. Vừa qua, UBND quận 2 ban hành 37 quyết định cưỡng chế nhưng không thực hiện được. Ông Phúc cho biết công trình cầu Nam Lý (đường Đỗ Xuân Hợp, quận 9) dừng thi công hơn 1 năm, rào chắn trên đường gây trở ngại giao thông do còn vướng 6 hộ dân chưa di dời. Cầu Long Kiển (huyện Nhà Bè) khởi công từ năm 2001 đã xong bồi thường giải tỏa nhưng chưa thể thi công tiếp do vướng tái định cư. Dự án được bố trí 56 nền tái định cư nhưng được điều chuyển từ 2 dự án khác nên thủ tục kéo dài. “Nếu có mặt bằng “sạch”, các nhà thầu chỉ mất 9 tháng để thi công và hoàn thành đường Lương Định Của; mất khoảng 12 tháng để hoàn thiện cầu Nam Lý, cầu Long Kiển”, ông Phúc nói.

Tại kỳ họp thứ 20 HĐND TPHCM vừa diễn ra, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ nói rằng, trong nhiều dự án giao thông trọng điểm bị vướng, không có vai trò chỉ huy của UBND TPHCM trong giải quyết khó khăn, vướng mắc, khiến dự án càng kéo dài, ảnh hưởng đời sống người dân. Bà Lệ kể: “Giám sát dự án cầu Long Kiển, chúng tôi xuống gặp dân, thấy bà con ăn ở, sinh hoạt dưới gầm cầu. Có một bà cụ đã 80 tuổi, lúc dự án triển khai, cụ mới 60 tuổi. Cụ nói chỉ mong thấy cây cầu hoàn thành trước khi nhắm mắt xuôi tay. Nghe có xót xa không! Vậy mà mình cứ dây dưa”.

“Kẹt xe thì kinh tế không phát triển. Chúng tôi dự kiến nhiệm kỳ này làm mới 172 km đường nhưng sau 3 năm mới đạt 30%, trong khi dân số mỗi năm tăng thêm 200 nghìn người. Hiện nay bức xúc nhất là đường vành đai 2, vành đai 3” 
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong


MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.