Đoạn trường của người tù oan hơn 4 thập kỷ

Bà Cú và hai người con trai lặng người trước bàn thờ ông Mưu Qúy Sường.
Bà Cú và hai người con trai lặng người trước bàn thờ ông Mưu Qúy Sường.
TP - Ông Mưu Quý Sường mãi mãi không được nghe lời xin lỗi từ phía cơ quan chức năng đã gây ra hơn 7 năm tù oan và gián tiếp gây ra thêm hơn 4 năm tù giam nữa cho ông. Lời minh oan của cơ quan tố tụng chiều ngày 29/1 sau 5 năm ông mất có thể xoa dịu những người còn sống và an ủi hương hồn ông nơi suối vàng nhưng những đoạn trường trong cuộc đời của ông cũng là câu chuyện đớn đau về một kiếp người trầm luân!

Bất hạnh cuộc đời

Bà Vi Thị Cú vẫn giữ lại được những trang nhật ký cuộc đời ông Mưu Qúy Sường ghi lại khi còn sống. Đó cũng là những kỷ niệm còn sót lại thể hiện tình cảm và những éo le trong cuộc đời của người cựu chiến binh này. Những dòng chữ của ông nguệch ngoạc, rất khó đọc cùng những câu chữ như thể ông đã dồn nén bao nhiêu năm uất ức, tủi nhục như tự nhiên tuôn ra, không đầu, không cuối nhưng những điểm nhấn trong chuỗi ngày ông “ở tạm” trên cõi trần khiến mỗi người đọc day dứt rưng rưng…

Đoạn trường của người tù oan hơn 4 thập kỷ ảnh 1 Gia đình ông Sường và luật sư (ngoài cùng bên phải) trong ngày ông Sường được xin lỗi công khai.

Ông Sường sinh năm 1944 ở Quảng Ninh. Khi vừa tròn 5 tuổi, cậu bé Sường phải sớm đón nhận nỗi đau đầu đời khi bố ông mất đi. Người chú ruột mang ông về nuôi, cho ông ăn học và năm 1962 bà Hoàng Thị Múi nên duyên vợ chồng với ông. Năm 1966, ông nhập ngũ và tham gia ở nhiều đơn vị, nhiều lĩnh vực khác nhau. Ông được kết nạp Đảng cộng sản Việt Nam từ năm 1973. Ông rất nhớ kỷ niệm khi còn là quân nhu, ông đã bắn được một con voi nặng hơn 1,5 tấn, cứu đói và làm lương khô cho cả một đại đội. Giải phóng đất nước xong, ông trở về quê  gặp lại người vợ cũ đã bao năm tần tảo ngóng chờ, đồng thời ông được bầu làm Phó chủ nhiệm phụ trách kế hoạch của Hợp tác xã.  Hai năm sau, vợ ông mang bầu và sinh hạ được một bé trai kháu khỉnh. Sáu tháng sau khi sinh, bà Múi đi tưới dâu không để ý cầu trôi, đập đổ đã ngã xuống nước chết đuối. Đó cũng là thời điểm bắt đầu chuỗi những ngày tù tội của ông trên trại tạm giam Kế. Trong suốt thời gian bị giam, ông Sường một mực không công nhận là mình giết vợ. Vụ việc cứ thế kéo dài hơn 7 năm 6 tháng mà không hề có một bản kết luận điều tra, không có một phiên tòa nào xét xử ông. Bất ngờ, ông dính vào một vụ ẩu đả trong buồng giam và bị đưa ra tòa, tuyên phạt 4 năm tù giam. Khi đó, cơ quan tố tụng cũng không hề đả động gì đến những tháng ngày bị giam của ông trước đây. Hết 4 năm tiếp theo, ông mới được trở thành người tự do.

Tuyệt vọng và hi vọng

Trở về nhà, ông bơ vơ giữa dòng đời khi không nhà cửa, không gia đình. Đứa con trai của ông vừa mới 6 tháng tuổi cũng bị gia đình đưa về quê xa ở dường như để tránh phải mang tiếng là con kẻ giết người. “Ngày cắt thuốc lá cho thím, đêm ra bờ ao hát nghêu ngao cho đỡ buồn. Lên quán nước nhà cô Cú (bà Vi Thị Cú), nhìn thấy cái cảnh một nách bốn đứa con tôi cũng thấy thương nên mới hỏi: Thế anh đến ở với em, em có đồng ý không? Thế là cô Cú nhận lời tôi… Bữa cơm đầu tiên ăn ở nhà vợ với 4 đứa con bị ông Cắm (bố bà Cú) chửi: Biết nó thế nào mà lấy? Cú trả lời: Ông không thể nuôi được 4 đứa cháu thì con phải đi bước đi nữa. Ông Cắm không nói gì”!

Nhắc lại những chuyện ngày đầu hai người gặp nhau, bà Cú tâm sự: “Khi đó, tôi đang góa bụa vì chồng mất sớm, để lại 4 đứa con thơ dại. Ông Sường hay đến quán nước của tôi ngồi chơi. Ông tâm sự, khóc vì tủi nhục, cô đơn, tay trắng, mất tất cả, gia đình tan nát. Tôi thương cảm hoàn cảnh của ông, ông cũng cảm thương tôi còn trẻ mà góa bụa nuôi 4 con dại, nên cả hai mảnh đời khốn khó quyết nương tựa vào nhau để sống”, bà Cú kể. Quyết định của bà Cú vấp phải sự phản đối dữ dội của gia đình bà và nhà nội của 4 đứa trẻ, ai cũng lo ông Sường bởi có tiếng mưu hại vợ. Nhưng từ ngày đó, bà Cú luôn tin tưởng ông Sường là người bị hàm oan, nên vẫn quyết tâm đến với nhau. Họ có với nhau thêm 2 mặt con nữa, cuộc sống vô cùng khó khăn. May mắn sau đó, một người nhà bên chồng cũ bà Cú đã nhận đỡ đầu 4 đứa con riêng sang Anh sinh sống. Cuộc sống của ông bà Cú đỡ vất vả hơn, ông Sường bắt đầu nghĩ đến việc kêu oan cho những ngày tủi nhục của mình trong tù.

Đoạn trường của người tù oan hơn 4 thập kỷ ảnh 2 Bà Vi Thị Cú, anh Mưu Văn Thắng (con trai bà Múi) và Luật sư Nguyễn Văn Hòa vui mừng trong ngày ông Sường được minh oan.

Trút hơi thở trong oan ức

Bà Cú cũng không thể nhớ hết ông Sường đã gửi đơn đến bao nhiêu cơ quan nhưng bà khẳng định, ông Sường luôn tin một ngày mình sẽ được minh oan. Ông làm đủ mọi nghề để có tiền, vừa để nuôi gia đình khó khăn, vừa để đi lại khắp nơi đưa đơn kiện. Những lá đơn bay đi khá lâu mà không hề có một hồi âm nào khiến cho người ông gầy rộc đi, ăn không ngon, ngủ không yên. Day dứt với việc đấu tranh được minh oan càng khiến ông quyết tâm hơn. Bản lĩnh người bộ đội Cụ Hồ không cho phép ông chùn bước. Ông lại tiếp tục lên đường đến các cơ quan để  gửi đơn. Năm 2008, niềm vui nho nhỏ đến với ông khi nhận được trả lời của Công an và VKSND tỉnh Bắc Giang với cùng một nội dung: Việc ông cho rằng năm 1977, ông bị Công an tỉnh Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang) bắt giam oan sai 7 năm 6 tháng vì tình nghi ông giết vợ là bà Hoàng Thị Múi là có cơ sở. Vì kết thúc điều tra, cơ quan điều tra không có đủ căn cứ để kết luận ông đã phạm tội giết người.

“Có ý kiến” là vậy nhưng VKSND và Công an tỉnh Bắc Giang khi đó cũng không hề có một biện pháp giải quyết nào triệt để cho nỗi oan uổng của ông. Đặc biệt hơn, cả hai văn bản này đều khẳng định, ông Sường không được bồi thường thiệt hại do oan sai theo Nghị quyết 388. Lý do được các cơ quan này đưa ra là đơn yêu cầu của ông được tiếp nhận muộn so với thời điểm Nghị quyết này có hiệu lực hơn 5 năm.   

Mỏi mòn trong sự chờ đợi, tháng 12/2013, ông Sường trút hơi thở khi tâm nguyện chưa hoàn thành. Bà Vi Thị Cú kể, trước khi chết, ông Sường vẫn dặn vợ, con tiếp tục kêu oan cho ông: “Ông ấy vẫn thường khóc và bảo nếu không giải được hàm oan này thì chết cũng không nhắm mắt được, rồi các con lớn lên lại phải mang tiếng với người đời là con của một kẻ giết người. Đau đớn lắm”.

Hạnh phúc và băn khoăn

Chiều ngày 29/1, Đại tá Dương Ngọc Sau, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang đọc lời xin lỗi sau hơn 40 năm khắc khoải chờ đợi của cả gia đình ông Mưu Quý Sường. Trước đó, vào ngày 30/12/2017, cơ quan điều tra Công an tỉnh Bắc Giang cũng đã ban hành Quyết định đình chỉ điều tra bị can Mưu Quý Sường do “ông Sường thấy vợ mình chết chưa rõ nguyên nhân ở đầu hồi nhà ở đã mang xác bà Múi xuống suối gần nhà dựng hiện trường giả. Hành vi của bị can Mưu Quý Sường không cấu thành tội phạm giết người”, ông Sáu khẳng định.    

Hàng trăm người dân có mặt tại Hội trường xã Trù Hựu, huyện Lục Ngạn để chứng kiến giây phút hạnh phúc, vui mừng của gia đình ông Sường. Ông Trần Văn Thêm (Bắc Ninh) năm nay 83 tuổi, người cũng được cơ quan tố tụng trả lại sự trong sáng trong cuộc đời cũng nhờ hai người cháu dìu đến để chứng kiến hạnh phúc của gia đình ông Sường khi được giải oan. Tấm di ảnh của ông Sường luôn được người con trai cả mang theo bên ngực mình. Anh không nói được tiếng Việt nhưng đôi mắt luôn đỏ hoe. Nhà bà Cú mổ lợn, mua thịt trâu, thịt bò khoản đãi láng giềng, họ hàng vì từ bây giờ trở đi, họ không còn mang tiếng là gia đình, là con cái của một kẻ giết người nữa. “Tôi rất xúc động, vui mừng nhưng giá như ông ấy còn sống thì vợ chồng còn được nương tựa vào nhau, cùng hưởng niềm vui khi được làm sáng tỏ nỗi oan khuất. Giờ này ở dưới suối vàng, tôi tin ông Sường đã thanh thản vì rửa được nỗi oan giết vợ, chúng tôi cũng thanh thản vì thực hiện được lời hứa cho ông trước lúc nhắm mắt. Chỉ mong sao, các cơ quan chức năng sớm đền bù những tổn thất về vật chất, tinh thần cho gia đình tôi”, bà Cú nói.

 Nhưng câu chuyện này, hẳn không hề đơn giản!

“Tôi rất xúc động, vui mừng nhưng giá như ông ấy còn sống thì vợ chồng còn được nương tựa vào nhau, cùng hưởng niềm vui khi được làm sáng tỏ nỗi oan khuất. Giờ này ở dưới suối vàng, tôi tin ông Sường đã thanh thản vì rửa được nỗi oan giết vợ, chúng tôi cũng thanh thản vì thực hiện được lời hứa cho ông trước lúc nhắm mắt”.          Bà Vi Thị Cú

MỚI - NÓNG
Nhận định Singapore vs Thái Lan, 19h30 ngày 17/12: Vé sớm cho Bầy voi chiến
Nhận định Singapore vs Thái Lan, 19h30 ngày 17/12: Vé sớm cho Bầy voi chiến
TPO - Nhận định bóng đá Singapore vs Thái Lan, bảng A ASEAN Cup 2024 lúc 19h30 ngày 17/12 - thông tin lực lượng, đội hình dự kiến, phong độ, lịch sử đối đầu. Tuy không phải phiên bản mạnh nhất nhưng Thái Lan vẫn đang đi đúng hướng tại ASEAN Cup 2024. Thêm một chiến thắng nữa trước Singapore, họ sẽ ghi tên ở bán kết và theo đuổi chức vô địch thứ 3 liên tiếp, cũng là lần thứ 8 trong lịch sử.