Sống trong sợ hãi
Nhiều người dân thôn Đồng cho biết nguồn nước ngầm người dân sử dụng hiện đã bị ô nhiễm, có mùi và cảm giác ngứa khi sử dụng. Con mương dẫn nước thải từ Cụm công nghiệp Nguyên Khê chảy qua thôn Đồng và Sơn Du luôn bốc mùi, nước màu đen khiến người dân trong xã luôn thấy khó chịu mỗi khi đi qua.
Cao điểm về sự ô nhiễm môi trường diễn ra năm 2017 và đầu 2018 khi nước thải chảy qua hệ thống mương trên ra sông Cà Lồ đã tràn vào các ao, hồ trong xã Nguyên Khê làm cá chết hàng loạt, nổi trắng mặt hồ chỉ sau vài giờ.
Cũng theo người dân, trong vài năm trở lại đây, người dân trong làng thôn Đồng mắc bệnh u tuyến giáp tăng so với trước đây. Thậm chí, có gia đình vài người bị mắc bệnh này. “Đơn đã gửi đến các cấp suốt mấy năm qua mà vấn đề ô nhiễm môi trường từ nước thải công nghiệp vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa”, bà Trương Thị L- người thôn Đồng cho biết.
Nằm ngay cạnh Cụm công nghiệp Nguyên Khê, hơn 100 gia đình của Khu tập thể Nông trường Đông Anh 2 cũng đang sống trong cảnh khổ sở trước nỗi lo ô nhiễm môi trường. Khói bụi, tiếng ồn, nước bẩn bủa vây người dân ở đây mỗi ngày. Những hôm trời mưa thì người dân càng khốn khổ, bởi nước thải ô nhiễm đen ngòm, bốc mùi tràn vào nhà. “Nhà tôi xung quanh vây kín các thùng ao đầy nước thải ô nhiễm từ Cụm công nghiệp Nguyên Khê. Mọi người ở đây phải ăn uống từ nguồn nước ngầm đã ô nhiễm”, anh Nguyễn Văn Th than thở.
Ông Nguyễn Phương Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyên Khê xác nhận tình trạng ô nhiễm môi trường từ nước thải ở Cụm công nghiệp Nguyên Khê đã ảnh hưởng đến cuộc sống người dân từ nhiều năm nay. “Ô nhiễm nguồn nước trong xã đang trong tình trạng báo động. Việc sản xuất nông nghiệp, tưới cây, cải tạo đất rất tốn kém, ô nhiễm nước làm xáo trộn cuộc sống và sản xuất của người dân” - ông Lợi nói.
Có nhà máy xử lý, nước thải vẫn ô nhiễm
Qua tìm hiểu được biết, Cụm công nghiệp Nguyên Khê có diện tích khoảng 96 ha, bắt đầu xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2005. Hiện nay, có 37 cơ sở sản xuất đang hoạt động.
Trước năm 2017, khi chưa có Trạm xử lý nước thải tập trung, toàn bộ nước thải của Cụm công nghiệp Nguyên Khê được xả thải vào hồ Gạch Bun nằm tiếp giáp khu công nghiệp, rồi chảy qua mương thoát nước chung ra sông Cà Lồ. Tại văn bản số 1423 (ngày 2/10/2018), UBND huyện Đông Anh đã xác nhận, sau nhiều năm hoạt động không có Trạm xử lý nước thải tập trung ở Cụm công nghiệp Nguyên Khê đã làm nước mặt hồ Gạch Bun bị ô nhiễm nặng. Nguồn nước này tràn sang các hồ khác trong xã và gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt 2 lần vào năm 2017 và năm 2018.
Cuối năm 2017, UBND huyện Đông Anh đã yêu cầu chủ đầu tư của Cụm công nghiệp Nguyên Khê là Liên danh Cty cổ phần Phát triển đầu tư xây dựng Việt Nam và Cty cổ phần Đông Thành Hà Nội xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung (với công suất 1.000 m3/ngày đêm). Theo đó, tất cả nước thải của các cơ sở sản xuất tại Cụm Công nghiệp Nguyên Khê phải đấu nối vào trạm xử lý nước thải tập trung để xử lý trước khi thải ra môi trường. Tuy nhiên đến nay còn 5 cơ sở sản xuất chưa đấu nối.
Ngày 31/8/2018, UBND huyện Đông Anh có văn bản (số 1220/UBND-TNMT về việc xử lý các tồn tại về ô nhiễm môi trường nước tại Cụm công nghiệp Nguyên Khê) khẳng định: Thời gian gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường nước tiếp tục tái diễn. Hiện tượng ô nhiễm nước xảy ra tại điểm xả thải cuối cùng của Cụm công nghiệp, nước thải có màu đen, mùi khó chịu, nhiều thông số vượt quy chuẩn. Nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường nước tại vị trí trên là do nước thải công nghiệp của Trạm xử lý nước thải tập trung và một số công ty trong Cụm công nghiệp chưa được xử lý triệt để đã xả thải vào hệ thống thoát nước chung.