Chuyên gia nói gì vụ hổ ăn đứt lìa tay ở Bình Dương?

TPO - Cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương cho hay, tại khu sinh thái Thanh Cảnh (Bình Dương) nơi xảy ra vụ hổ cắn đứt 2 cánh tay người đàn ông xây dựng chuồng trại quá sơ sài. Trong khi đó, chuyên gia về động vật hoang dã nói khu sinh thái nuôi nhốt hổ không chuyên nghiệp.

Những ngày qua, dư luận tại tỉnh Bình Dương xôn xao việc một nhân viên tại khu sinh thái Thanh Cảnh thuộc phường Vĩnh Phú, TX. Thuận An, Bình Dương bị hổ cắn đứt hai cánh tay. Trong khi cơ quan chức năng cho biết khu sinh thái nuôi nhốt hổ trong chuồng quá sơ sài còn giới chuyên gia nhận định cơ sở này làm việc thiếu chuyên nghiệp dẫn đến hậu quả.

Liên quan đến vụ việc, PV báo Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với bà Ngô Thị Mai Hương - Giám đốc Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam. Bà Hương cho biết, thông qua báo chí bà đã nắm sơ bộ về việc người đàn ông bị hổ ăn mất hai cánh tay ở một khu sinh thái tại Bình Dương.

Chuyên gia nói gì vụ hổ ăn đứt lìa tay ở Bình Dương? ảnh 1 Khu sinh thái Thanh Cảnh

Theo bà Hương, hổ cho dù được nuôi từ nhỏ đến lớn cũng là động vật hoang dã hung dữ. Do đó, người tiếp xúc với hổ dù rất thường xuyên cũng phải có kỹ năng, tuân thủ nghiêm các quy định và tránh tiếp xúc trực tiếp với hổ. Bởi vì, động vật hoang dã không biết lúc nào tính dã thú của nó trỗi dậy.

“Về nguyên tắc nuôi nhốt hổ, chuồng phải được thiết kế 2 lớp cửa, khóa phải đảm bảo chắc chắn. Ngoài ra, khu vực nuôi hổ phải được thiết kế lối thoát hiểm nhanh, tiện nhất cho người nuôi đề phòng trường hợp nguy hiểm xảy ra. Mặt khác, nhân viên chăm sóc hổ phải được đào tạo kỹ năng và tuân thủ trong mọi trường hợp. Ngoài ra, nhân viên phải được trang bị bộ đàm để khi xảy ra sự cố khẩn trương gọi báo để được hỗ trợ”, bà Hương nói về nguyên tắc nuôi động vật hoang dã.

Chuyên gia nói gì vụ hổ ăn đứt lìa tay ở Bình Dương? ảnh 2 Chuồng nhốt hổ sơ sài tại khu sinh thái Thanh Cảnh

Giám đốc Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã cũng cho biết thêm, hiện nay ở Việt Nam chưa có quy định cụ thể nào về tiêu chuẩn chuồng trại nuôi hổ. Do đó, rất khó để lấy làm quy chuẩn xử lý các cơ sở trong trường hợp xảy ra sự cố hoặc kiểm tra định kỳ.

Trả lời PV về việc người nuôi hổ có được tự quyết định số phận của con vật đang nuôi?, bà Ngô Thị Mai Hương khẳng định không ai được quyền tự quyết động vật quý hiếm đang nuôi. Như vậy, hổ được xếp vào loài động vật quý hiếm nên khi cơ sở nào nuôi nhốt phải được cơ quan chức năng cấp phép. Trong trường hợp hổ bệnh chết chủ cơ sở cũng không được bán, thịt… mà phải báo cơ quan chức năng mà cụ thể là Chi cục Kiểm lâm. Khi hổ chết thì sẽ được tiêu hủy công khai.

Về trách nhiệm xử lý thiệt hại cho nạn nhân trong vụ hổ cắn đứt hai cánh tay, luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, vụ việc xảy ra tại khu sinh thái Thanh Cảnh nên trách nhiệm thuộc về chủ cơ sở. Theo đó, chủ cơ sở sẽ phải có nghĩa vụ khắc phục hậu quả cho nạn nhân vì để xảy ra vụ việc trên.

Như báo Tiền Phong đã đưa tin, vào chiều ngày 4/6, ông Võ Thành Quới (49 tuổi, quê An Giang là nhân viên của khu sinh thái Thanh Cảnh) bị hổ nuôi nhốt trong chuồng cắn mất hai cánh tay. Ông Quới nhập viện trong tình trạng rất nặng, sốc chấn thương, vết thương đứt lìa tay bên trái, vai bên phải. Ngoài ra, ông Quới bị chấn thương ngực khá nặng. Nguyên nhân được cho là nạn nhân đứng gần chuồng nuôi nhốt hổ.

Khi xảy ra vụ việc, cơ quan chức năng đến hiện trường kiểm tra và ghi nhận có 3 cá thể hổ đang được nuôi nhốt. Dãy chuồng hổ có 6 ô chuồng: 3 cá thể hổ được nuôi nhốt ở 3 ô chuồng đầu tiên từ ngoài vào, 3 chuồng khác bỏ trống, đang được sửa chữa.

Chuồng nuôi được xây bằng gạch, cửa chuồng làm bằng sắt, chiều cao chuồng khoảng 2m. Tại đây có vết máu bên trong chuồng và ngoài cửa chuồng. Nhận thấy chuồng nuôi nhốt hổ quá sơ sài, lực lượng chức năng đề nghị chủ khu sinh thái khẩn trương xây mới chuồng hổ để đảm bảo an toàn, tranh xảy ra trường hợp tương tự.

Được biết, hiện anh Võ Thành Qưới nạn nhân vụ hổ cắn đứt 2 cánh tay đã qua cơn nguy kịch và đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM).

MỚI - NÓNG