Ondra Slowik (Cộng Hoà Séc): “Sài Gòn sẽ là một Singapore mới”
Tôi đã từng sống ở Hà Nội 1 năm trước khi vào Sài Gòn. Ban đầu tôi chỉ coi đến mảnh đất Sài Gòn là một cuộc dạo chơi như tôi đã đi rất nhiều thành phố trên thế giới. Tuy nhiên sau một thời gian sống, Sài Gòn đã làm cho tôi ngạc nhiên bởi cách sống tích cực, cách thân thiện hài hoà của con người, sự năng động của mọi người. Tôi đã cảm giác mến và tìm cách quen với cuộc sống nơi đây.
Tôi thích món ăn và cả cái nóng ẩm của Sài Gòn. Trái cây ngon và rẻ, tôi là người thích ăn chay nên các món ở đây làm tôi rất thích vì sự đa dạng và ngon miệng. Sài Gòn chưa có được bề dày về văn hoá, lịch sử và kiến trúc như Hà Nội nhưng với tôi, Sài Gòn lại hay ở chỗ cuộc sống hiện đại, người Sài Gòn dễ thích nghi với cái mới. Đây là cách sống mà người Sài Gòn đã chọn, nó phù hợp với xu thế của thành phố năng động trên thế giới như New York, Thượng Hải hay Singapore...
Dĩ nhiên để phát triển được như những thành phố mà tôi vừa nhắc tới thì Sài Gòn còn phải đối mặt với nhiều vấn đề như ô nhiễm không khí, kẹt xe… Nhưng tôi vẫn chọn sống ở đây vì Sài Gòn là một thành phố đa văn hoá, Tây Tàu, Hàn, Nhật, Ấn Độ… đều sống bên cạnh nhau. Người ta có thể học rất nhiều thứ của nhau. Tiếng Việt không phải là ngôn ngữ duy nhất để sử dụng tại Sài Gòn. Vì thế tôi chọn nơi này, cuộc sống của tôi giờ đã gắn bó hơn cùng với gia đình bé nhỏ của mình.
Trong một môi trường năng động như Sài Gòn, con tôi có cơ hội để hoà nhập với thế giới, trở thành công dân toàn cầu. Dĩ nhiên, điều đó còn phụ thuộc vào sự giáo dục của chúng tôi nhưng với môi trường này, tôi tin con tôi sẽ hoà nhập tốt. So sánh với những thành phố “công dân toàn cầu” như Singapore hay Bangkok thì Sài Gòn đang dần theo kịp và không thiếu nhiều. Tuy nhiên thành phố nên phát triển thêm những công viên và sân chơi công cộng, vì hiện nay chỉ có một số công viên ở quận 2 và quận 7 là có thể so sánh được với những khu vực công cộng của Singapore.
Sevinch Orujova (Nga): “Người Sài Gòn rất cởi mở”Ondra Slowik sinh năm 1985 tại Praha (CH Séc). Do sống trong khu vực có nhiều người Việt sinh sống nên Ondra đã yêu mến Việt Nam và năm 2006, anh đã theo học ngành Việt Nam học tại Praha. Từ đây anh tiếp xúc nhiều với cộng đồng người Việt và có cơ hội đến Việt Nam. Một lần đến Sài Gòn, Ondra đã yêu và cưới một cô gái Sài thành, chọn mảnh đất này để sinh sống.
Sevinch có cha người Nga và mẹ người Việt nên bảo tôi là người Việt Nam cũng không sai. Bề ngoài tôi giống cha nhiều hơn nên nhiều người cứ lầm tưởng là người Nga chính gốc. Tuổi thơ của Sevinch đan xen giữa ký ức Nga, Việt Nam và Ai-giéc-bai-gian trong đó Sài Gòn đã in đậm trong Sevinch bởi sự ồn ào và năng động.
Điều Sevinch bất ngờ là khi trở lại Sài Gòn năm 2007, mọi thứ thay đổi rất nhiều. Những quán ăn, bar, khách sạn đã theo xu thế phương Tây, còn con người cởi mở đón nhận những người nước ngoài. Đặc biệt là các bạn trẻ nhìn không còn giống người Việt thời trước mấy, có thể do xu hướng thời trang và đất nước hội nhập nên khi quay lại, Sevinch chỉ biết ngơ ngác tự hỏi là vì sao ở Sài Gòn lại có nhiều người Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan nói tiếng Việt tốt thế? Nhưng hóa ra Sevinch đã nhầm, họ đều là người Việt nhưng ăn mặc, trang điểm, làm tóc giống như người nước ngoài nên Sevinch đã nhầm.
Sevinch chọn sống tại Sài Gòn bởi nơi này có sự cởi mở, người như Sevinch có thể đi thoải mái ngoài đường, có thể vào bất cứ quán ăn nào mà không bị coi là xa lạ. So với các thành phố lớn khác trên thế giới thì Sài Gòn rất đẹp và có điểm nhấn rất riêng mà ít có thành phố nào có được. Nhưng Sài Gòn giống các thành phố đó ở nhịp sống luôn tấp nập. Sự khác biệt của Sài Gòn đó là truyền thống văn hoá của người Việt từ ngàn đời, trong đó sự gắn kết với gia đình luôn chặt chẽ. Con cái dù thoát ra, vươn lên trong cuộc sống nhưng vẫn có sự gắn bó với gia đình.
Solomon Bamidele (Nigeria): “Tôi chọn Sài Gòn vì nơi đây có nhiều cơ hội”Sevinch Orujova sinh ra tại Nga nhưng mang quốc tịch Việt Nam vì có mẹ là người Việt. Có năng khiếu nghệ thuật nhưng không được gia đình ủng hộ nên mãi tới 23 tuổi, Sevinch mới được đeo đuổi đam mê. Năm 2016, Sevinch may mắn nhận học bổng nghệ thuật do tổ chức phi lợi nhuận Quốc tế YES Academi cùng Lãnh sự quán Mỹ cấp, hiện đang theo học tại TPHCM.
Tôi đến Sài Gòn năm 2009 thông qua con đường du lịch, khi đó nhiều người Nigeria thường cho tôi biết Sài Gòn là nơi không phù hợp chúng tôi bởi đã có nhiều chuyện xảy ra như người Nigeria lừa đảo, làm tiền giả, buôn bán bất hợp pháp… Khi đến Sài Gòn, tiếp xúc với nhiều người Việt thì tôi mới hiểu được không phải ai cũng ghét người Nigeria. Vẫn có những người có cái nhìn trung thực, khách quan.
Yêu nơi này, tôi đã chọn con đường ở lại và cố gắng để làm cho người Sài Gòn có cách nhìn khác về chúng tôi. Tôi tham gia Tổ chức Cộng đồng người Nigeria tại Việt Nam, vận động những đồng hương cùng tham gia, phối hợp với chính quyền để hỗ trợ, giải quyết vướng mắc cho những người đồng hương.
Hiện có khoảng trên 600 người Nigeria sống tại Sài Gòn. Họ đã có công việc ổn định, có sự hoà nhập với người địa phương. Nhiều người đã có gia đình và sống rất hạnh phúc. Bản thân tôi đã có vợ là người Việt Nam, đã có cậu con trai mang 2 dòng máu. Có người nghĩ hai chúng tôi sẽ khó mà hoà nhập khi đến từ 2 nền văn hoá khác nhau. Nhưng không hề, chúng tôi sống rất yên bình và hạnh phúc. Văn hoá, ngôn ngữ, sắc tộc hay bản địa nào cũng không phải là rào cản cho sự hạnh phúc.
Thật may chúng tôi được sống ở mảnh đất này, nơi những con người dễ dàng hoà đồng, dễ dàng chấp nhận sự khác biệt như chúng tôi. Vì thế tôi đã chọn Sài Gòn là quê hương thứ hai của mình. Và tôi cho rằng mình đã lựa chọn đúng, vì tại nơi đây tôi đã tìm thấy cơ hội không chỉ của riêng mình mà còn cho những những người đồng hương của tôi.
Solomon Bamidele tốt nghiệp đại học ngành Kinh tế tại Nigeria năm 2002. Năm 2009 khi qua Việt Nam, Solomon quyết định ở lại, tham gia Hiệp hội cộng đồng người Nigeria tại Việt Nam. Solomon đã góp phần vào sự phát triển phúc lợi của cộng đồng và giữ vai trò quan trọng trong việc kết nối chính quyền với người dân châu Phi tại Việt Nam.