Ngày 2/1, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau báo cáo và kiến nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, điều động phương tiện, lực lượng đến khu vực đảo Hòn Chuối và Hòn Khoai (Cà Mau) hỗ trợ công tác cứu nạn khi có tình huống xảy ra.
Cụ thể, báo cáo nêu rõ: “Trước mắt, đề xuất điều động tàu cứu hộ SART 413 đang neo đậu tại Hòn Chông (Kiên Giang) đến Hòn Chuối (Cà Mau)”. UBND tỉnh Cà Mau cho biết, còn 1.086 tàu đang hoạt động trên biển. Trong đó, có 279 tàu hoạt động khu vực Đông Nam Hòn Khoai đến Bãi cạn Cà Mau (nằm trong khu vực hướng đi của cơn bão số 1) và 2.496 tàu neo đậu tránh bão.
Số tàu neo đậu tại đảo Hòn Chuối là 80 tàu nhỏ, đang gặp khó khăn khi di chuyển vào đất liền vì sóng to, gió lớn. Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo Sở NN&PTNT rà soát, xác định vị trí của các tàu trong Đội tàu cứu hộ để sẵn sang thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Tàu neo đậu cửa biển Sông Đốc (Trần Văn Thời, Cà Mau) tránh bão
Trưa 2/1, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung chủ trì họp khẩn với lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố, nhằm triển khai phương án, giải pháp ứng phó với cơn bão PaBuk (bão số 1).
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung, đã yêu cầu Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu tiếp tục kêu gọi tàu thuyền khẩn trương vào bờ, thoát ra vùng ảnh hưởng của bão hoặc tìm nơi trú bão an toàn. Đặc biệt, đối với huyện Đông Hải yêu cầu cán bộ cần đến từng nhà kiểm tra số tàu, hướng dẫn, tuyên truyền cho chủ tàu tìm nơi tránh trú bão.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu yêu cầu Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp cùng huyện Đông Hải làm đầu mối phối hợp các cấp khẩn trương tổ chức cứu nạn tàu BL 93222TS đang chết máy trên biển.
Đối với vùng sản xuất lúa- tôm, lúa Đông Xuân, Sở NN- PTNT Bạc Liêu nhanh chống mở các cống để giảm việc ngập úng cứu lúa. Riêng vùng nuôi tôm công nghiệp cần tính toán nếu thấy ảnh hưởng thì vận động bà còn thu hoạch tôm sớm tránh thiệt hại. Ông Dương Thành Trung yêu cầu 2 địa phương là huyện Đông Hải và thị xã Giá Rai cần đánh giá tác động của bão, tuyên truyền, vận động bà con chằng néo nhà cửa, bảo vệ diện tích sản xuất, tài sản....
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã yêu cầu lực lượng quân đội, công an, Bộ đội Biên phòng tăng cường trực sẵn sàng ứng phó với những tình huống cần thiết; tiếp tục tổ chức trực ban 24/24, triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất, đề phòng ngập úng do mưa bão. Cùng với đó, các cơ quan, báo đài cần tăng cường thông tin, cập nhặt về tình hình bão trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nắm và có hướng phòng tránh…
Báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu, tính đến trưa ngày 2/1, trên vùng biển Bạc Liêu còn 310 tàu với 2.210 thuyền viên còn hoạt động trên biển, trong đó xa bờ có 207 tàu với 1.794 tuyền viên, gần bờ có 106 tàu với 416 thuyền viên. Hiện đã liên lạc được 100% tàu và thông báo về đường đi của bão số 1 để các tàu chủ động phòng tránh hoặc vào bờ.
Theo thông tin mới nhất từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, hồi 19h ngày 02/01, vị trí tâm bão ở khoảng 6,3 độ Vĩ Bắc; 107,0 độ Kinh Đông, cách mũi Cà Mau khoảng 320km về phía Đông Nam, cách Côn Đảo khoảng 260km về phía Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Đến 19h ngày 03/01, vị trí tâm bão ở khoảng 7,3 độ Vĩ Bắc; 103,7 độ Kinh Đông, cách mũi Cà Mau khoảng 170km về phía Nam Tây Nam, cách đảo Thổ Chu (Kiên Giang) khoảng 200km về phía Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100km tính từ tâm bão.
Vùng nguy hiểm do ảnh hưởng của bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 5,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 108.5 độ Kinh Đông.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh thêm. Đến 19 giờ ngày 04/01, vị trí tâm bão ở khoảng 9,4 độ Vĩ Bắc; 100,1 độ Kinh Đông, cách đảo Thổ Chu (Kiên Giang) khoảng 370km về phía Tây. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km.
Trong đêm nay (02/01), vùng biển phía Tây khu vực Nam Biển Đông có gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao từ 2-4m, biển động mạnh.
Từ đêm nay, vùng biển phía Nam Cà Mau có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao từ 2-4m, biển động mạnh. Vùng biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau (bao gồm huyện đảo Côn Đảo) và vùng biển các tỉnh từ Cà Mau đến Kiên Giang (bao gồm cả huyện đảo Phú Quốc và đảo Thổ Chu) có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, sóng biển cao từ 2-3m, biển động mạnh.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh, ở khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vùng biển từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận tiếp tục có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8; biển động mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.