BOT: 'Có lời thì bỏ túi, thua lỗ lại trả Nhà nước là vô lý'

TPO - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) làm việc với chủ đầu tư BOT, không để tình trạng chủ đầu tư bỏ dự án để xã hội nói “có lời thì bỏ túi, thua lỗ thì trả Nhà nước”

Đề cập đến việc thu phí BOT tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ ngày 3/7, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ GTVT báo cáo xin ý kiến Chính phủ cụ thể phương án điều chỉnh giá dịch vụ BOT. Đặc biệt, Bộ GTVT phối hợp với Bộ Công an tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ, đấu tranh phát hiện và xử lý nghiêm những tiêu cực, gian lận trong quản lý và hạch toán doanh thu của các dự án BOT.

BOT: 'Có lời thì bỏ túi, thua lỗ lại trả Nhà nước là vô lý' ảnh 1 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá

“Không để lặp lại trường hợp để ngoài sổ sách rất nhiều tiền như dự án cao tốc TPHCM - Trung Lương. Nhà nước, nhà đầu tư cũng phải minh bạch. Kịp thời làm việc với chủ đầu tư, không để tình trạng chủ đầu tư bỏ dự án, xã hội nói "anh có lời thì bỏ túi, thua lỗ thì trả Nhà nước là vô lý". Vấn đề này liên quan đến trật tự, an ninh, an toàn, cố tình phá hoại phải xử lý nghiêm”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Như Tiền Phong đã phản ánh, mới đây công ty cổ phần đầu tư Quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang đã có công văn số 78 gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc đề nghị được hỗ trợ công tác thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn dự án BOT Quốc lộ 91.

BOT: 'Có lời thì bỏ túi, thua lỗ lại trả Nhà nước là vô lý' ảnh 2 Trạm thu phí T2, quốc lộ 91

Đơn vị này cho biết, trong quá trình khai thác, dự án đã nhiều lần bị lái xe, chủ phương tiện phản ứng bằng cách cho phương tiện dừng tại các làn thu phí của trạm T2 vì họ cho rằng trạm này thu phí bất hợp lí.

Đặc biệt, sau khi cầu Vàm Cống được khánh thành, thông xe đưa vào khai thác sử dụng từ ngày 19/5, tình trạng này càng trở nên nghiêm trọng hơn. Dự án cũng đã được nhà đầu tư thực hiện xả trạm từ ngày 25/5/2019 đến nay.

Theo chủ đầu tư, dự án dừng thu phí tại trạm T2 đã dẫn đến doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, nếu không có phương án xử lý sớm sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến dòng tiền hoàn vốn và kế hoạch trả nợ ngân hàng tài trợ vốn cho dự án.

Để xử lý vấn đề nêu trên, chủ đầu tư dự án đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan có phương án nhận lại dự án và hoàn trả chi phí đầu tư dự án cho nhà đầu tư để nhà đầu tư có nguồn vốn trả nợ ngân hàng giúp nhà đầu tư ổn định tình hình sản xuất kinh doanh...

MỚI - NÓNG