Bà Phan Thị Thanh Mùi, chủ nhà hàng Minh Mùi, có địa chỉ tại khối Hòa Đông, thị trấn Hòa Bình phản ánh: “Từ năm 2011 - 2013, văn phòng UBND huyện liên tục đặt cơm tiếp khách tại nhà hàng nhưng chưa thanh toán. Đến năm 2013, tổng số tiền các cơ quan của huyện nợ nhà hàng tôi là 162 triệu đồng. Sau đó, họ cho chúng tôi tạm ứng số tiền 70 triệu đồng. Hiện, họ vẫn còn nợ chúng tôi tổng số tiền là 92 triệu đồng”. Trong đơn yêu cầu thanh toán của mình, bà Mùi nêu cụ thể những lần huyện tiếp các đoàn khách từ các sở ban ngành ở tỉnh Nghệ An. Ngoài ra bà Mùi còn cung cấp thêm sổ nợ gốc có chữ ký của nhiều cán bộ đã và đang công tác tại UBND huyện Tương Dương.
Cũng rơi vào tình cảnh tương tự bà Mùi, bà Nguyễn Thị Lễ Quế, người từng có thời gian phục vụ tại nhà ăn UBND huyện Tương Dương cho biết: “Từ năm 2011 - 2015, tôi liên tục tổ chức nấu ăn cho các đoàn khách của văn phòng UBND huyện Tương Dương. Theo bảng đối chiếu công nợ chưa thanh toán, đến ngày 31/7/2015, ông Quang Văn Đặng với tư cách là Chánh Văn phòng đã xác nhận số tiền nợ của cơ quan này lên đến hơn 1,4 tỷ đồng”.
Theo biên bản đối chiếu công nợ của UBND huyện Tương Dương vào ngày 20/6/2016, từ năm 2011 - 2016, văn phòng UBND huyện thống nhất số nợ nhà hàng Vinh Phượng ở khối Hòa Bắc do ông Trần Văn Vinh làm chủ lên đến hơn 1 tỷ đồng. Đến năm 2015, cơ quan này đã chuyển trả hơn 500 triệu đồng và vẫn còn nợ nhà hàng 463 triệu đồng.
Nếu vi phạm sẽ xử lý theo quy định
Ông Vi Mỹ Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết: “Văn phòng ủy ban huyện không thực hiện đối chiếu từng năm để nợ đọng kéo dài. Bên chủ nợ cũng không hỏi, bên nợ cũng không rà soát, có những khoản nợ từ năm 2009, qua 4 đời chánh văn phòng rồi. Trong báo cáo hàng năm, văn phòng UBND huyện không có những khoản nợ này. Chúng tôi phát hiện sự việc từ tháng 5/2018 và huyện đã thành lập đoàn thanh tra để xác minh.
Trách nhiệm này thuộc về chánh văn phòng và kế toán cơ quan của từng giai đoạn”. Cũng theo ông Sơn thì số tiền nợ trong đơn của nhiều hộ dân là không chính xác, không có hóa đơn chứng từ. Cụ thể, nhà hàng Vinh Phượng báo nợ hơn 1 tỷ, chúng tôi rà soát lại còn nợ hơn 200 triệu đồng; số tiền đang nợ của nhà hàng Minh Mùi chỉ hơn 40 triệu đồng.
“Riêng trường hợp của bà Nguyễn Thị Lễ Quế với số tiền lên đến hơn 1,4 tỷ đồng, chúng tôi đã rà soát kỹ các chứng từ thanh toán, khấu trừ dịch vụ nhà nghỉ, hiện tại văn phòng UBND huyện không còn nợ tiền ăn của bà Quế nữa”.
Liên quan đến vụ việc, ông Nguyễn Văn Hải - Bí thư Huyện ủy Tương Dương cho biết: “Có những khoản đã thanh toán cho người dân rồi nhưng anh em vẫn kê nợ, muốn có con số chính xác thì phải rà soát cụ thể. Chẳng hạn như bà Quế không nợ nhưng vẫn nói nợ. Ai nợ người ta cũng ghi cho ủy ban là không đúng. Quan điểm của tôi là nếu như cơ quan nợ của nhà hàng, của cá nhân, tập thể nào đó thì buộc phải trả cho họ thôi. Còn chỗ nào vi phạm công tác quản lý tài chính thì phải kỷ luật theo quy định của pháp luật”.
Ngày 28/2, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Vi Mỹ Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương (Nghệ An) cho biết, sau khi nhận được đơn thư của người dân, UBND huyện đã thành lập đoàn thanh tra để xác minh, làm rõ việc một số cơ quan, đơn vị nợ tiền của các hộ kinh doanh ăn uống trên địa bàn.