Đầu Mâu còn đó, Hạc Hải tìm đâu?

Ngư dân thả rập trên phá Hạc Hải.
Ngư dân thả rập trên phá Hạc Hải.
TP - “Đầu Mâu vi bút, Hạc Hải vi nghiên”. Có lẽ câu thành ngữ đầy tự hào của người xưa về một vùng đất sơn thủy hữu tình của Quảng Bình rồi đây chỉ còn lại trong ký ức. Núi Đầu Mâu vẫn sừng sững giữa trời, nhưng phá Hạc Hải đang cạn dần, không còn là nghiên mực để chiếc bút Đầu Mâu vẽ lên trời xanh mỗi xế chiều.

Chỉ còn trong ký ức

Ở làng Lệ Kỳ, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), có một ngọn núi 3 chóp, hình như chiếc xà mâu, cao 783 thước tây, tục gọi là núi Đầu Mâu. Dân gian xem đây là ngọn núi thiêng: “Đầu Mâu đa tiên, Thần Đinh đa phật”. 

Nằm ở phía Đông, không xa dưới chân núi Đầu Mâu là phá Hạc Hải (biển cạn), trải rộng khoảng 12 km2, nằm giữa hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy. Hằng ngày, cứ đến xế chiều, bóng núi Đầu Mâu in lên mặt phá Hạc Hải như chiếc bút chấm lên nghiên mực. 

Đầu Mâu - Hạc Hải đã tạo nên một vùng địa linh, nhân kiệt của Quảng Bình, sản sinh nhiều nhân tài của dân tộc như: Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Tiến sĩ Dương Văn An hay vị Đại tướng lừng danh Võ Nguyên Giáp.

“Hết vụ lúa không có việc chi làm, nên phải đành ra phá thả rập, kiếm vài con ốc, con rạm phụ đỡ gia đình thôi, chứ bữa ni phá chẳng còn gì đâu chú, cạn kiệt hết rồi”.

             Anh Long nói

Xưa, Hạc Hải là một vùng sinh thái nước lợ. Trong ký ức của người dân mấy chục xã quanh phá Hạc Hải, nơi đây từng là cái vựa của chim trời, cá bể, mùa nào thức nấy không thiếu thứ gì. Người làm nghề đánh bắt trên phá thì sống no đủ nhờ sản vật phong phú. Kẻ tay ngang chỉ mất vài chục phút cũng đủ cho một bữa cơm đầy cá tôm. “Phá Hạc Hải Chim trời đủ loại, cá tôm không thiếu một loài, trên bến dưới thuyền náo nhiệt kẻ bán người buôn. 

Chỉ cần thả một tay lưới xuống lòng phá là mất cả tiếng đồng hồ ngồi gỡ cá. Nhiều khi cua sốc nước bò cả vào vườn nhà. Còn rạm (loại cua đồng nước lợ) thì kết thành từng bè rộng mấy chục mét vuông không mấy ai cần đụng đến. 

Nhiều khi ra phá, đen đủi gặp phải rạm bè, không tài nào vác nổi tấm lưới về nhà” - cụ Nguyễn Văn Huynh, ở thôn Hoa Thủy, huyện Lệ Thủy hồi tưởng lại sản vật của phá Hạc Hải vào thập niên 70 của thế kỷ trước.   

Chúng tôi đến Hạc Hải vào một ngày cuối thu. Cái nắng cuối mùa của dải đất miền Trung vẫn đủ làm nóng những động cát trải dài phía biển. Trên phá, bóng thuyền chài thấp thoáng sau những đám cỏ lau phất phơ trước gió. Hạc Hải đang vào mùa nước nổi, mùa sinh sôi nảy nở của sản vật nơi đây. 

Con thuyền nhỏ lướt qua những đám cỏ lác mọc um tùm hai bên bờ mương. Trước mắt chúng tôi mênh mông cánh đồng ngập nước. Nước dâng cao làm ngập cả đám cây dại mọc dọc những con đê nhỏ. Không có lấy một bóng chim bay ngang trời, chỉ thấy hun hút những cọc nêu người ta cắm để đánh dấu đường đi.

Đầu Mâu còn đó, Hạc Hải tìm đâu? ảnh 1 Giờ phút rảnh rỗi hiếm hoi của các lão ngư.
Anh Long, người cho chúng tôi lên thuyền ra phá tâm sự: “Hết vụ lúa không có việc chi làm, nên phải đành ra phá thả rập, kiếm vài con ốc, con rạm phụ đỡ gia đình thôi, chứ bữa ni phá chẳng còn gì đâu chú, cạn kiệt hết rồi” - giọng anh bùi ngùi nói khi tay đang kéo những tấm rập thả từ chiều hôm trước. Đúng như lời anh nói, chúng tôi kéo hết tấm này đến tấm khác, thi thoảng được vài con ốc bươu vàng, vài con rạm nhỏ, cùng mấy chú cá bống con.

Rập, là một dụng cụ đánh bắt xuất xứ từ Trung Quốc, đang bị cơ quan chức năng cấm vì khai thác theo kiểu tận diệt. “Loại rập ni của Trung Quốc hay lắm, chẳng cần mồi chỉ cần thả xuống đáy, cá lớn, to nhỏ chi cũng chui vô mà không thể ra được. Hồi xưa mới mua về làm được lắm nhưng giờ trong làng nhà ai cũng có, có nhà hơn nghìn tấm, vợ chồng tui chỉ có 500 tấm thôi” - anh Long phân bua khi chúng tôi thắc mắc về cách đánh bắt bằng rập.

Nhọc nhằn mưu sinh trên phá cạn

“Một cân ốc to giá ba nghìn đồng, ốc nhỏ giá chỉ một nghìn thôi, chủ yếu mua cho vịt ăn. Lặn lội cả đêm may ra được vài chục nghìn” - chị Lý, một ngư dân trên phá cho biết. Tưởng chừng với mức giá như vậy sẽ có ít người đánh bắt, nhưng ngược lại, người dân của các xã vùng phá đều đổ xô ra đánh bắt vào mùa nước nổi và có người xem đây là nghề chính nuôi sống cả gia đình.

Anh Long chở chúng tôi đến điểm tập kết của ngư dân mà mọi người quen gọi là “làng nổi”. Đây là nơi sinh hoạt chung, là nơi nghỉ ngơi, trao đổi thực phẩm, mua bán sản vật đánh bắt được của tất cả ngư dân trong vùng. Có nhiều cách đánh bắt trên phá, nhưng chủ yếu vẫn là cách đánh bắt bằng rập, đóng đáy, đơm nò, đèn soi... 

Mùa nước nổi cũng là mùa nhàn rỗi của nông dân, nên phá Hạc Hải sầm uất như trẩy hội. Họ xem chiếc thuyền như căn nhà nổi, mọi sinh hoạt đều diễn ra trên thuyền, lâu lâu mới có người nhà ra tiếp tế nước uống và gạo. Công việc của họ bắt đầu từ lúc 15 giờ chiều. Mỗi người mỗi việc, ai cũng tất bật thả rập, đóng đáy, đơm nò... nhằm hoàn tất trước bữa cơm chiều để chuẩn bị cho một đêm mưu sinh đầy nhọc nhằn. Khi mặt trời khuất núi, những ánh đèn hắt ra từ mạn thuyền, cũng là lúc “làng nổi” tản ra, hoà mình vào màn đêm trên phá.

“Lâu lắm rồi tôi chưa thấy con cá nào to trên một cân, còn rạm và tôm đất thì càng ngày càng hiếm” - lão ngư Nguyên Văn Huynh (67 tuổi) làm nghề đóng đáy cho biết. Ông đã gắn bó với nghề hơn 40 năm nay, và cho đến bây giờ ký ức về phá Hạc Hải trù phú dần phai nhạt. Hiện hữu trước mắt ông là một Hạc Hải đang cạn dần, một Hạc Hải lay lắt trước bàn tay của con người.

Đầu Mâu còn đó, Hạc Hải tìm đâu? ảnh 2  Thành quả đánh bắt
Ông Huynh chiêm nghiệm: Hạc Hải có được sự trù phú về sản vật là nhờ vào nguồn nước. Trước kia phá Hạc Hải là vùng nước lợ, nhưng từ khi có đập ngăn mặn Mỹ Trung phục vụ trồng lúa, phá bị “ngọt hóa”; phía thượng nguồn cũng bị ngăn hồ, đắp đập, nguồn lợi thủy sản không được bổ sung. 

Bên cạnh đó cách đánh bắt thủy, hải sản bằng công nghệ tận diệt tràn lan không ai kiểm soát như: rập Trung Quốc, kích điện, thậm chí bằng cả hóa chất kịch độc. Không chỉ có vậy, mỗi năm hàng trăm nghìn tấn hóa chất được nông dân thả xuống vựa lúa hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy, đọng lại ở phá Hạc Hải. Rồi phù sa mùa lũ bị đập Mỹ Trung ngăn lại, khiến lòng phá bị thu hẹp và cạn dần. Tất cả những yếu tố ở trên đã phá vỡ hệ sinh thái nước lợ, làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản. 

“Trong làng chỉ còn mấy ông mệ tra (ông bà già) đi làm ngư thôi, bọn thanh niên trai tráng hắn dí điện lắm cũng hết nên bỏ vô miền Nam làm ăn cả rồi” - anh Long vừa nói, vừa quay mũi thuyền rẽ nước hướng về phía làng, cũng là lúc mặt trời khuất núi. Vọng lại phía sau lưng tiếng gọi nhau í ới của ngư dân “làng nổi”. Những ánh đèn hắt hiu lẫn vào đám cỏ dại. Cả một vùng đầm phá dần chìm vào bóng đêm.

Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng nhắc lãnh đạo Quảng Bình cần phá bỏ đập Mỹ Trung để giữ lại hệ sinh thái phá Hạc Hải. Lãnh đạo hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy khẳng định, việc phá bỏ đập Mỹ Trung không ảnh hưởng đến vựa lúa của hai huyện này. Bởi đập Mỹ Trung được xây dựng nhằm ngăn mặn, giữ ngọt cho trồng lúa, nhưng hiện nay hệ thống đê điều quanh phá đã được kiên cố, có khả năng ngăn mặn giữ ngọt. Nguyện vọng của lãnh đạo hai huyện này rất mong được phá bỏ đập Mỹ Trung. Vấn đề còn lại là quyết định của lãnh đạo tỉnh Quảng Bình.

MỚI - NÓNG