Cầu hiền

Cầu hiền
TP - Sau khi biết rõ bệnh trạng Cụ Bùi, Hồ Chủ tịch xét thấy ở tại ATK chúng ta có nhiều thầy thuốc giỏi, nhưng không có đủ thuốc men điều trị nên muốn chuyển cụ Bùi ra nơi có điều kiện chữa trị.
Cầu hiền ảnh 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đồng chí Phạm Văn Đồng và Trường Chinh. Ảnh: Phạm Yên (chụp qua truyền hình Việt Nam)

Bác hội kiến ông Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh quyết định đưa Cụ Bùi về gần Hà Nội, nơi chưa bị địch chiếm đóng để có điều kiện thuốc men chữa trị.

Bác cho bác sĩ Lê Văn Chánh đi theo Cụ Bùi và có một, hai tiểu đội đi bảo vệ và liên hệ với đồng chí Chủ tịch ủy ban Kháng chiến Hành chánh Liên khu Ba để cùng có trách nhiệm.

Ngày 17/9, Bác Hồ cùng Bí thư của Người đến thăm và tiễn Cụ Bùi đi chữa bệnh nơi xa chiến khu Việt Bắc. Cụ Bùi vô cùng xúc động trước tấm tình lớn lao của Hồ Chủ tịch, Chính phủ và Quốc hội đối với cụ.

Cụ Bùi bày tỏ với Hồ Chủ tịch vì bệnh tình nên muốn được thôi cương vị Trưởng ban Thường trực Quốc hội. Bác Hồ cầm chặt bàn tay Cụ Bùi: “Thưa cụ “Nhất ty phù cửu đỉnh”1.

Cụ Bùi cười hiền từ: “Thưa Hồ Chủ tịch, tôi đọc thư của Chủ tịch gửi đồng bào cả nước nhân dịp kỷ niệm ba năm Cách mạng Tháng Tám thành công. Cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 của nhân dân ta ý nghĩa lớn lao sâu xa ngoài bờ cõi”.

Cụ Bùi nhắc lại một đoạn thư Bác Hồ: “…Cách mạng Tháng Tám đã giải phóng đồng bào ta ra khỏi chế độ quân chủ chuyên chế và xiềng xích thực dân.

Cách mạng Tháng Tám đã xây dựng cho nhân dân ta cái nền tảng dân chủ cộng hòa và thống nhất độc lập. Noi gương cách mạng 1776 của Mỹ, cũng như cách mạng 1789 của Pháp, theo gót cách mạng 1911 ở Trung Quốc, nay cuộc trường kỳ kháng chiến phải tiếp tục cái nhiệm vụ vẻ vang của Cách mạng Tháng Tám”.

Cụ Bùi tạm biệt Cụ Hồ, yên tâm đi chữa bệnh. Cụ Hồ vẫn tiếp tục quan tâm săn sóc Cụ Bùi và nhận những ý kiến “mang lợi, trừ hại cho nước nhà dân tộc” của Cụ Bùi.

Trên đường về Khuôn Tát, một đồng chí đi bảo vệ, nhờ ông Bí thư của Bác Hồ giải thích câu chữ nho Hồ Chủ tịch vừa nói với Cụ Bùi – Trưởng ban thường trực Quốc hội, mà anh ta nghe lỏm được.

Ông Vũ Đình Huỳnh thành thực nói với đồng chí bảo vệ: - Hiểu được câu “Nhất ty phù cửu đỉnh” phải là bậc túc nho. Mình chỉ hiểu được chút ít, nói nôm na là nhất ty – một sợi tơ, phù cửu đỉnh, phù là giúp, cửu đỉnh là chín cái vạc đồng. Đó là một vật báu, biểu tượng Quốc bảo của Quốc gia.

Trong điển cố Tàu có cái tích ông Nghiêm Quang đời nhà Hán là người tiết khí, cao thượng lừng danh. Ông thường đi câu, dây câu bằng sợi tơ. Nhà Hán vời được ông ra giúp. Nhờ uy tín to lớn của ông mà cơ nghiệp nhà Hán bền vững thêm hai trăm năm. Từ đó có câu thành ngữ: “Một sợi tơ mà đỡ được chín vạc”.

Cụ Bùi về một vùng quê yên tĩnh (Bài Lân) chữa bệnh. Nhưng giặc Pháp ngày càng đánh phá ác liệt gần khắp tỉnh Hà Đông. Ngay huyện ứng Hòa, huyện lỵ Vân Đình bị càn quét, đốt phá, giết chóc ác liệt, không thể nào bảo vệ an toàn Cụ Bùi ở đây!

Đầu năm 1949, Cụ Bùi Bằng Đoàn được chuyển vào vùng tự do Thanh Hóa để được an toàn lâu dài. Ban thường trực Quốc hội có định kỳ cử người vào Thanh Hóa thăm hỏi báo cáo tình hình và xin ý kiến Cụ Bùi.

Kỳ 1, Kỳ 2, Kỳ 3, Kỳ 4, Kỳ 5

Hồ Chủ tịch đặc phái ông Trần Đăng Ninh đi công tác phân khu Bốn: Thanh – Nghệ – Tĩnh. Ông Ninh còn được Hồ Chủ tịch ủy thác vào Thanh Hóa hầu thăm sức khỏe và trao quà tới Cụ Bùi và vào Nam Đàn trao thư, quà tận tay Cụ Nguyễn Thị Thanh, Cụ Nguyễn Sinh Khiêm là chị, anh ruột của Người.

Bác dặn ông Trần Đăng Ninh: “Cụ Bùi tròn tuổi sáu mươi. Đất nước còn đang kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Cụ Bùi đang phải ở nơi xa, bí mật chữa bệnh.

Quốc hội, Hội đồng Chính phủ, Mặt trận, chưa có mấy ai biết được đích thực tuổi Cụ Bùi. Chú thay tôi vào xứ Thanh “bí mật” mừng thọ Cụ Bùi. Bộ quần áo lụa này để Cụ mặc mát đượm hương quê lụa Hà Đông…”.

Giải phóng Thủ đô Hà Nội 10/10/1954. Hơn một tháng sau, Cụ Bùi được đón về Hà Nội. Ngôi biệt thự số 8 đường Lê Thái Tổ bên bờ Hoàn Kiếm với bao dấu ấn lịch sử của Cụ Bùi Bằng Đoàn và Hồ Chủ tịch đã bị giặc Pháp san phẳng từ tháng 12/1946.

Nay trở về Hà Nội, Cụ Bùi được Quốc hội bố trí ở biệt thự tại số 10 đường Trần Hưng Đạo để gần nhà thương Đồn Thủy (ngày nay là Bệnh viện 108 – Quân đội Nhân dân Việt Nam) thuận tiện cho việc săn sóc chữa bệnh.

Các vị thành viên Ban thường trực Quốc hội lần lượt đến với Cụ Bùi. Tuần lễ nào Hồ Chủ tịch cũng tới Cụ Bùi một lần. Có hôm đã gần tám giờ tối, Bác Hồ còn đến với Cụ Bùi, dạ đàm tận tín.

Bác ngỏ lời mời Cụ Bà trong quê ra ở để chăm sóc nhau lúc cao niên trọng bệnh này. Cụ Bùi bày tỏ với Cụ Hồ rằng, các con cháu cho hay, bảy năm nay bà nhà đau yếu không còn đi đâu ra khỏi nhà. Đợi sang xuân ấm áp Cụ Bùi sẽ về quê ông bà tái ngộ rồi chiêm hương tiên tổ, thăm hỏi bà con làng xóm.

Tiết Thanh Minh Ất Mùi, Cụ Bùi Bằng Đoàn về thăm quê. Con cháu, họ hàng, cả làng Liên Bạt vui đón Cụ về. Cụ vào sân, vào nhà - Bà đâu! Giây phút này Cụ Bùi Bằng Đoàn mới biết: Chính cái lúc cụ ông trên đường về vùng quê yên tĩnh để chữa bệnh là lúc giặc Pháp kéo vào đốt phá quê nhà.

Cụ Bà Trần Thị Đức – mệnh phụ phu nhân Bùi Bằng Đoàn đang cất giấu tài liệu của cơ quan còn tại nhà mình. Giặc Pháp sục sạo khắp nơi khắp chốn trong nhà, trong từ đường.

Cuối cùng, một tên Việt gian trong tốp lính tây chìa tấm hình cựu Thượng thư Bộ Hình – Cơ mật viện Đại thần: Bùi Bằng Đoàn, nó hỏi – Có phải chồng bà không? - Đúng là ông nhà tôi. Nó lại hỏi– Bây giờ ở đâu? - Ông nhà tôi đang làm việc với Cụ Hồ ở trên rừng Việt Bắc chứ còn ở đâu.

Bọn giặc lặng lẽ đi ra. Cụ Bà để bọn giặc Pháp ra khỏi Cụ mới quay vào nhà thì một tên giặc Pháp ngoái lại bắn súng tiểu liên vào lưng. Cụ Bà Trần Thị Đức ngã gục xuống bậc thềm, máu chan vào nắng trên sân!

Giặc rút khỏi Liên Bạt – thân nhân, chòm xóm đau đớn, xúm xít bên Cụ Bà! Cụ chỉ còn nói được lời cuối cùng: “Đừng cho ông nhà tôi hay biết chuyện này, để ông nhà tôi yên lòng lo việc nước với Cụ Hồ!”. Nghe xong Cụ Bùi Bằng Đoàn ngồi thụp xuống chỗ thấm máu của người hiền – thê – liệt – nữ của mình!

Nỗi đau này đã chấn tác quá nặng nề khiến Cụ Bùi Bằng Đoàn không thể vượt qua nổi!

8 giờ 30 phút ngày 13/4/1955, tại Viện Quân y 108 trước linh cữu vị Trưởng ban Thường trực Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Bùi Bằng Đoàn, Hồ Chủ tịch cúi đầu nhỏ lệ…  

Chiếu văn, 4/1/2006

------------------
1. Cơ nghiệp nhà Hán đang lung lay, ông Nghiên Quang câu cá mà tiết khí cao thượng

MỚI - NÓNG
Nhiều vũ khí hiện đại sẽ xuất hiện tại triển lãm quốc tế do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức
Nhiều vũ khí hiện đại sẽ xuất hiện tại triển lãm quốc tế do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức
TPO - Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam lần thứ 2 - năm 2024 do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức, dự kiến diễn ra từ ngày 19/12 đến 22/12/2024 tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội. Nhiều loại vũ khí, thiết bị quân sự hiện đại, trong đó có những sản phẩm mới sản xuất gần đây sẽ được trưng bày.