Xa con thơ, giúp nhiều gia đình đoàn tụ

0:00 / 0:00
0:00
Đoàn của Học viện Quân y tiến hành xét nghiệm Sars-CoV-2
Đoàn của Học viện Quân y tiến hành xét nghiệm Sars-CoV-2
TP - Nhận lệnh lên đường lúc 10h đêm, nữ bác sĩ của Học viện Quân y nhìn đứa con đầu lòng mới 18 tháng tuổi còn chưa cai sữa, rồi khóc. Trằn trọc cả đêm. Đến sáng, chị lấy lại tinh thần, quyết tâm lên đường vì nghĩ tạm xa con cũng là để giúp nhiều gia đình khác sớm đoàn tụ.

Gánh nặng trên vai người lính

Trong Bệnh viện Dã chiến truyền nhiễm số 2 ở Tân Yên (Bắc Giang), trung úy Phùng Thị Hạnh gọi điện về cho con gái đầu lòng. Cháu nghe giọng mẹ qua điện thoại lại khóc, quấy đòi theo. Người mẹ vội tắt máy, lau dòng nước từ đôi mắt đã đỏ ngầu vì nhớ con. Trung úy Hạnh công tác tại Học viện Quân y đã 6 năm, mới được tăng cường về bệnh viện dã chiến sáng 19/5. Cô quê Phú Thọ, lấy chồng rồi sinh sống gần đơn vị ở Hà Nội. “Em nhận lệnh lên đường về tâm dịch Bắc Giang lúc 10h đêm, yêu cầu sáng hôm sau tập trung sớm để xuất phát. Nghe lệnh xong, em cứ nhìn con rồi khóc. Cháu mới 18 tháng tuổi, còn chưa cai sữa đã phải xa mẹ để bà nội chăm sóc”, chị Hạnh nói.

“Nghĩ đến con, thương con nên cả đêm đó em không ngủ được. Trằn trọc không biết làm sao nhưng lại nghĩ mình là bộ đội, tổ quốc gọi là lên đường. Em xốc lại tinh thần, quyết tâm lên đường và hứa hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Khi mình rời con đi làm nhiệm vụ sẽ giúp người khác sớm được gặp con cái, bố mẹ họ bởi lúc “cuộc chiến” này kết thúc, hàng nghìn gia đình sẽ không phải cách ly vì phong tỏa, được đoàn tụ”, chị tâm sự.

Xa con thơ, giúp nhiều gia đình đoàn tụ ảnh 1

Trung úy Phùng Thị Hạnh được tăng cường lên Bệnh viện dã chiến tại Bắc Giang

Lúc nói chuyện, trung úy quân y thi thoảng lại cầm tay trái. Chị cho hay, con không bú nên đang tắc sữa dẫn tới đau cả 2 vai, khó cử động một cánh tay. Việc đầu tiên của chị Hạnh sau khi nhận lệnh lên đường là ra hiệu thuốc, mua một đơn tiêu sữa về uống nhưng chưa có hiệu quả ngay. Đoàn của chị Hạnh có 7 phụ nữ, đa phần có con nhỏ. Tuy vậy, “tất cả cùng xác định ở lại Bắc Giang, “chiến đấu” đến cùng, hết dịch mới về”, chị Hạnh cho biết.

Bệnh viện dã chiến nằm trong doanh trại của Trung đoàn 831, điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn. Tuy vậy, nữ trung úy và những đồng đội của mình cố gắng khắc phục từng chút, chỉ mong điều trị bệnh nhân thật tốt để nhanh hết dịch. Theo chị Hạnh,nhiều sĩ quan khác có vợ, chồng cùng công tác trong các đơn vị trực thuộc Học viện Quân y. Họ cũng đang lên phương án gửi con để cùng nhau đi chống dịch. Những người còn ở Hà Nội đã chuẩn bị sẵn sàng quân tư trang, từ chăn chiếu, gói xà phòng… để sẵn sàng lên đường khi nhận lệnh.

“Đóng bỉm cả ngày để lấy mẫu cho dân”

Đoàn của Học viện Quân y về tăng cường cho Bắc Ninh, Bắc Giang có 380 người, được chia thành các tổ đi lấy mẫu, các đơn vị xét nghiệm hoặc xây dựng bệnh viện dã chiến điều trị người mắc COVID-19. Khoảng 17h ngày 18/5, tổ xét nghiệm nhận lệnh lên đường và 2 tiếng sau họ xuất phát. Những container xét nghiệm di động cũng được chuyển đi, hoàn thành lắp đặt lúc 3h sáng để có thể triển khai nhiệm vụ. Với bệnh viện dã chiến, những người lính quân y nhận lệnh lúc 22h và tất cả chuẩn bị trang bị, máy móc xuyên đêm để sáng sớm hôm sau xuất phát về tâm dịch.

Những sinh viên tuổi đôi mươi của học viện tạm “xếp lại bút nghiên” để khoác lên mình bộ đồ bảo hộ bằng ni lông. Họ mặc bộ đồ đó cả ngày, dưới cái nắng nóng của mùa hè. Đầu, tai đau nhức dưới sức ép từ dây khẩu trang, dây kính chắn giọt bắn… “Những nữ sinh trong tổ lấy mẫu còn phải mặc thêm bỉm cả ngày vì đồ bảo hộ chỉ cần cởi ra sẽ phải vứt đi. Bộ đồ đó rất đắt, đáng giá 1 triệu nên mỗi người chỉ được dùng một bộ một ngày” - một cán bộ trong của học viện chia sẻ.

“Những nữ sinh trong tổ lấy mẫu còn phải mặc thêm bỉm cả ngày vì đồ bảo hộ chỉ cần cởi ra sẽ phải vứt đi. Bộ đồ đó rất đắt, đáng giá 1 triệu nên mỗi người chỉ được dùng một bộ một ngày”.

Một cán bộ của Học viện Quân y chia sẻ

“Chúng tôi đã cố gắng khắc phục khó khăn. Con người có thể làm nhiệm vụ ngay nhưng máy móc, trang bị phải phụ thuộc nhiều yếu tố. Tất cả phải khắc phục để có thể tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm công suất lớn cho khoảng 7.000 mẫu mỗi ngày. Ngoài ra, bệnh viện dã chiến do chúng tôi phụ trách cũng đã sẵn sàng tiếp đón bệnh nhân từ ngày 20/5 và tại đây, mọi cán bộ được xét nghiệm Sars-CoV-2 trước để đảm bảo không lây nhiễm” - Thiếu tướng, GS.TS Hoàng Văn Lương, Phó Giám đốc Học viện Quân y cho biết.

Theo Thiếu tướng Hoàng Văn Lương, Học viện Quân y đã xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, vừa chia lửa với Bắc Giang, Bắc Ninh và cũng để phòng tránh dịch lây lan diện rộng ra cả nước. Do đó, lãnh đạo học viện đã yêu cầu các lực lượng tham gia có ý thức trách nhiệm cao nhất, tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc, khoa học, an toàn; tuân thủ nghiêm quy định của công tác phòng chống dịch COVID-19 và làm tốt công tác dân vận trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

MỚI - NÓNG