>> WWF hoàn toàn thiếu cơ sở khoa học
Tổng cục Thủy sản cho biết sẽ đối thoại với WWF về việc xếp cá tra vào danh mục đỏ . Ảnh: Sáu Nghệ |
Bà Hiền cho biết, thực ra WWF đưa cá tra vào danh mục đỏ trong Cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng thủy sản năm 2010-2011, hoàn toàn khác với việc công bố sách đỏ của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN). Đó như việc hằng năm một số tổ chức WWF ở các nước châu Âu phát hành tờ rơi, hướng dẫn người tiêu dùng, trong đó có mặt hàng thủy sản.
Thực tế, nó không có giá trị pháp lý, không phải là cấm cá tra xuất khẩu vào nước họ, mà chỉ là khuyến cáo cải thiện điều kiện nuôi trồng, để đảm bảo môi trường, phát triển bền vững hơn. Đây hoàn toàn mang tính chất tự nguyện, giữa người mua, người bán và nhà cung cấp.
Thưa bà, vậy đánh giá trên do ai thực hiện?
Bà Trần Minh Hiền. |
Năm nay, một số tổ chức WWF của châu Âu, phối hợp với hai tổ chức quốc tế khác xây dựng phương pháp đánh giá mới, trong đó đề cao yếu tố môi trường. Sau đó, một số tổ chức WWF của châu Âu thuê một tư vấn độc lập, dựa trên hệ thống câu hỏi để đánh giá trên 100 loài thủy sản, trong đó có cá tra. Kết quả trên là do chính đơn vị tư vấn độc lập này đánh giá.
WWF Việt Nam có tham gia quá trình đánh giá trên?
Đánh giá đó nhằm mục đích đưa vào Cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng hằng năm, ở Việt Nam chưa áp dụng. Và từ trước tới nay, WWF Việt Nam không tham gia. Chúng tôi cũng chỉ biết kết quả đánh giá sau khi họ công bố. Họ cũng không tham vấn chúng tôi trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là chúng tôi không có trách nhiệm. Chúng tôi sẽ phối hợp với các bên liên quan giải quyết vấn đề này.
Sau khi nhận được phản ứng từ các cơ quan chức năng và dư luận truyền thông Việt Nam, WWF Việt Nam đã có những hành động gì?
Chúng tôi đã liên hệ với đồng nghiệp là tổ chức WWF ở các nước châu Âu. Đồng thời, WWF Việt Nam cũng liên hệ những người xây dựng bộ tiêu chí trên, chuyên gia về thủy sản trong mạng lưới WWF để có thể lấy được thông tin, cũng như mời họ sang Việt Nam để cùng xem xét lại kết quả đánh giá.
Bản thân chúng tôi cũng rất nghiêm túc xem xét lại kết quả đó đúng hay sai. Nếu thực sự kết quả đó sai thì chúng tôi sẽ cùng phía Việt Nam phối hợp giải quyết.
Đại diện WWF ở các nước châu Âu phản ứng ra sao?
Chúng tôi trong một tổ chức, chắc chắn sẽ hợp tác với nhau. WWF Việt Nam sẵn sàng giúp đỡ họ khi sang Việt Nam để làm rõ vấn đề này. Thực tế, những phương pháp đánh giá trên rất mới. Tất nhiên không có gì là hoàn hảo, đặc biệt đây là năm đầu tiên thực hiện bởi một tổ chức tư vấn độc lập, làm việc trong thời gian rất ngắn.
Cá nhân bà thấy đánh giá trên có khách quan?
Tôi là người Việt Nam, nhưng làm việc cho một tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Tôi muốn nói là hệ thống chứng chỉ về sản phẩm có tính môi trường bền vững có ý nghĩa tích cực. Vì nó giúp phát triển bền vững, thứ nữa là sản phẩm đó có giá trị kinh tế cao, có thể xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Cái này không thể phủ nhận.
WWF cũng rất muốn các sản phẩm của Việt Nam thân thiện với môi trường và cổ súy cho các hoạt động đó. Thực ra, về mục tiêu là hướng tới lợi ích kinh tế cho người dân. Tất nhiên, trong quá trình xử lý, có rất nhiều phương pháp, hệ đánh giá, nên khó có thể hoàn hảo. Cho nên, khi một hệ đánh giá mới được đưa ra, nhận được phản hồi từ phía người bị ảnh hưởng bởi điều đó, thì bản thân WWF cũng rất nghiêm túc lắng nghe và ghi nhận.
Nếu không đúng, sẽ đề nghị WWF cải chính Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết: Ngày mai (8-12), sẽ có cuộc đối thoại với đại diện WWF tại Việt Nam. Họ phải giải thích việc đánh giá kia dựa trên tiêu chuẩn nào, căn cứ ra sao để xếp cá tra vào danh mục đỏ. Thứ nữa, nếu đánh giá thì ai đánh giá và đánh giá đó có đủ tin cậy? “Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ có những đề nghị tiếp theo. Nếu không đúng, không thuyết phục, sẽ đề nghị cải chính. Sắp tới giữa Việt Nam và WWF nên hợp tác để giải quyết vấn đề tốt hơn”, ông Tuấn nói. |
Phạm Anh
Thực hiện