“Đại dịch sẽ kết thúc khi chúng ta quyết định chấm dứt nó. Việc ấy nằm trong tay chúng ta. Chúng ta có tất cả các công cụ y tế cần thiết, nhưng chưa sử dụng tốt những công cụ này. Với gần 50.000 ca tử vong/tuần, đại dịch còn lâu mới kết thúc”, ông Tedros nói ngày 25/10 tại Hội nghị Thượng đỉnh Y tế Thế giới ở Berlin (Đức).
Đến thời điểm hiện tại, thế giới đã ghi nhận tổng cộng hơn 244 triệu ca mắc COVID-19, với gần 5 triệu ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 ở khu vực Đông Âu vừa vượt mốc 20 triệu ca, theo thống kê của Reuters. Khu vực Trung và Đông Âu, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn Tây Âu, đang ghi nhận sự gia tăng trở lại của số ca bệnh trong những tuần gần đây.
Số ca nhiễm mới ở Đông Âu tăng đều đặn, lên tới hơn 83.700 ca mắc mới mỗi ngày, mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái. Mặc dù chỉ chiếm 4% dân số thế giới, nhưng Đông Âu đang chiếm khoảng 20% tổng số ca mới được báo cáo trên toàn cầu.
Ba trong số 5 quốc gia báo cáo nhiều ca tử vong nhất trên thế giới là Nga, Ukraine và Romania (đều thuộc Đông Âu). Nga chiếm hơn 40% tổng số ca bệnh mới được báo cáo ở Đông Âu, với 120 người nhận kết quả dương tính sau mỗi 5 phút, theo Sputnik.
Tại Ba Lan, Bộ trưởng Y tế Adam Niedzielski cho biết chính phủ sẽ xem xét siết chặt các lệnh hạn chế nếu số ca mắc mới COVID-19 hằng ngày vượt mốc 7.000. Ngày 23/10, Ba Lan lần đầu tiên vượt mốc 6.000 ca mắc mới/ngày kể từ tháng 5. “Nếu vào cuối tháng 10, số ca bệnh tăng lên hơn 7.000 ca/ngày thì chúng tôi sẽ phải xem xét áp dụng trở lại một số biện pháp hạn chế. Quyết định sẽ được đưa ra vào đầu tháng 11.” Tuy nhiên, ông Niedzielski nhấn mạnh, chính phủ chưa tính đến phương án phong tỏa.
Tại Đan Mạch, nơi có hơn 75% dân số đã được tiêm đủ liều vắc xin, số ca mắc mới COVID-19 và số ca nhập viện đang tăng trở lại, lên mức cao nhất kể từ tháng 5. Hệ số R (trung bình số người bị lây nhiễm từ một người mắc bệnh) ở Đan Mạch đã tăng lên 2,01, mức cao nhất từ tháng 1. “Vì tất cả các lệnh hạn chế đã được dỡ bỏ và cuộc sống hằng ngày đã trở lại bình thường hoàn toàn, nên có vẻ như COVID-19 đã đi vào quên lãng”, chuyên gia Tyra Grove Krause (Viện Huyết thanh Statens) nhận định. Nhà dịch tễ học Viggo Andreasen (Đại học Roskilde) cho biết nếu tình hình tiếp tục xấu đi, chính quyền nên tập trung tăng cường xét nghiệm và cách ly những người nhiễm bệnh như những biện pháp từng được áp dụng trước đó, theo Boston Globe.
Arnaud Fontanet, nhà dịch tễ học tại Viện Pasteur (Pháp), cảnh báo: “Mùa đông đang đến, vắc xin đang dần suy giảm hiệu quả ở những nơi tiêm sớm, và tình trạng phủ vắc xin không đồng đều khiến chúng ta khó có thể dự đoán diễn biến của dịch bệnh. Khoảng thời gian 3 đến 6 tuần tới sẽ là then chốt.”