Washington Post: Mỹ cung cấp vũ khí hiện đại cho Ukraine, nhưng không hướng dẫn sử dụng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Các chiến binh Ukraine đang gặp khó khăn trong việc sử dụng một số vũ khí do Washington cung cấp, bao gồm cả tên lửa chống tăng Javelin, vì Lầu Năm Góc không cung cấp tài liệu huấn luyện, phụ tùng thay thế và các hỗ trợ hậu cần khác, tờ Washington Post đưa tin hôm 14/6.
Washington Post: Mỹ cung cấp vũ khí hiện đại cho Ukraine, nhưng không hướng dẫn sử dụng ảnh 1

Một binh sĩ Ukraine cầm hệ thống tên lửa Javelin. Ảnh: Getty

Thông tin trên được tờ Washington Post trích dẫn từ cuộc phỏng vấn với các chỉ huy Ukraine và các lính đánh thuê từ phương Tây.

Tờ báo cho biết các vấn đề bắt nguồn từ việc Mỹ không cung cấp dịch vụ “chăm sóc khách hàng thời chiến” cho Ukraine. Dịch vụ này sẽ giúp những quốc gia được nhận vũ khí Mỹ nhanh chóng đưa các hệ thống này vào hoạt động.

Washington Post viện dẫn việc quân đội Ukraine không thể sử dụng các bệ phóng tên lửa Javelin do một số bộ phận bị hỏng hóc và bản dịch hướng dẫn sử dụng không chuẩn xác.

“Washington gửi thiết bị nhưng lại không hỗ trợ công nghệ?”, huấn luyện viên quân sự Mark Hayward, một cựu quân nhân Mỹ thắc mắc.

Đến thời điểm hiện tại, Lầu Năm Góc đã gửi hơn 5.000 tên lửa Javelin tới Kiev trong khuôn khổ gói viện trợ trị giá 54 tỷ đô la. Bệ phóng vác vai Javelin có giá khoảng 178.000 đô la/bộ, trong khi mỗi đầu đạn xuyên giáp có giá khoảng 78.000 đô la.

Hệ thống – được chế tạo bởi các nhà thầu quốc phòng Lockheed Martin và Raytheon - không chỉ đắt tiền mà còn rất phức tạp. Nó đi kèm hướng dẫn sử dụng dài 258 trang.

Hayward cho biết số tên lửa Javelin được gửi đến Ukraine thiếu thẻ hướng dẫn, trên đó có số điện thoại miễn phí để người dùng hỏi về các trục trặc và cách sửa chữa. Quân đội Mỹ thường có thể trực tiếp gọi điện đến tổng đài để hỏi cách khắc phục sự cố, nhưng quân đội Ukraine lại không nhận được sự hỗ trợ này. Hayward coi đây là điều không thể chấp nhận được.

Javelin do Mỹ cung cấp đã trở thành một công cụ quan trọng trong kho vũ khí của Ukraine kể từ khi Nga khai màn chiến dịch quân sự. Theo Washington Post, tên lửa này “tượng trưng cho sự can dự của Mỹ ở chiến trường Ukraine, cũng như cuộc chạy đua trang bị vũ khí cho quân đội Ukraine”.

Tuy nhiên, ngoài việc thiếu thẻ hướng dẫn, số tên lửa Javelin được chuyển đến Kiev còn không đi kèm chương trình đào tạo trên máy tính. Một cựu binh khác của Mỹ đang huấn luyện quân đội ở Ukraine, Bradley Crawford, cho biết nhóm của ông này đã yêu cầu được cung cấp chương trình máy tính cách đây hơn 1 tháng, nhưng vẫn chưa có phản hồi.

Quân đội Ukraine chỉ được huấn luyện sử dụng Javelin trong vòng chưa đầy 2 ngày. Trong khi khóa đào tạo về Javelin của quân đội Mỹ kéo dài 2 tuần, tức khoảng 80 tiếng.

“Việc đào tạo là rất quan trọng”, một nguồn tin giấu tên nói với tờ Washington Post. “Chúng tôi không có đủ Javelin để bỏ chiếc này và dùng chiếc khác.”

Cũng theo cựu quân nhân Hayward, Ukraine được cung cấp một số lượng hạn chế pin cho bệ phóng Javelin. Mỗi pin chỉ có thể được sử dụng khoảng 4 giờ sau 1 lần sạc hoặc ít hơn. Vì thiếu pin, lực lượng Ukraine đã tăng cường tích trữ pin để phục vụ chiến đấu thay vì sử dụng trong quá trình huấn luyện. Họ buộc phải tự chế pin bằng ắc quy xe máy, băng keo và hệ thống dây điện để sử dụng trong quá trình tập luyện.

Vấn đề hỗ trợ hậu cần được đưa ra trong một cuộc điều trần của Thượng viện Mỹ vào tháng trước, khi Thượng nghị sĩ Lisa Murkowski lưu ý rằng cơ quan tình báo quốc phòng Ukraine đã yêu cầu thêm tài liệu đào tạo.

Khi được hỏi liệu phía Kiev có nhận đủ tài liệu hay không, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cho biết vấn đề này chưa bao giờ được đưa ra trong các cuộc thảo luận của ông với các quan chức Ukraine. Lầu Năm Góc sau đó thông báo cho văn phòng của nghị sĩ Murkowski rằng các quan chức quốc phòng Ukraine đã xác nhận họ không cần bổ sung các hệ thống huấn luyện, tờ Washington Post cho biết.

Theo RT
MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.