Tốc độ phát triển của đô thị Việt Nam vượt khả năng điều hành của chính quyền địa phương. Ảnh minh họa. |
Theo bà Linh, tốc độ phát triển quá nhanh, vượt khả năng điều hành của chính quyền địa phương. Năng lực quản lý phát triển đô thị chưa theo kịp đòi hỏi của thực tế. Sự phát triển không đồng bộ giữa mở rộng không gian đô thị và chất lượng đô thị. Quy hoạch, đánh giá phân loại, nâng cấp đô thị chưa coi trọng tới việc đổi mới, nâng cao chất lượng đô thị.
“Đặc biệt, hiện tượng ùn tắc, tai nạn giao thông vẫn là mối lo ngại tại các đô thị lớn. Hiện tỷ lệ đất dành cho giao thông đô thị đạt khoảng 13% đất xây dựng đô thị (còn thấp hơn so với yêu cầu từ 20 - 25%), tỷ lệ đất dành cho giao thông tĩnh dưới 1% đất xây dựng đô thị (trong khi yêu cầu từ 3 - 3,5%)” - bà Linh nói.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, cho biết: Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Quốc gia đến năm 2015, tỷ lệ đô thị hóa nước ta đạt khoảng 38%, cả nước có khoảng trên 870 đô thị các loại, tăng khoảng 125 đô thị so với hiện nay.
Với yêu cầu phát triển hệ thống đô thị đồng bộ, hiện đại, bền vững trong bối cảnh đất nước ta đang chịu ảnh hưởng nặng nề của suy thoái kinh tế thế giới và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, đây thực sự là khó khăn, thách thức đối với tất cả các đô thị.
Ông Dean A.Cira - Chuyên gia trưởng và Điều phối viên Ban Phát triển đô thị (Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam) cho rằng, muốn phát triển đô thị bền vững phải hạn chế các tỉnh đang đua nhau xây dựng kiểu “đô thị mới”, hướng đến các dự án bất động sản cao cấp mang tính biểu tượng mà không dựa trên chiến lược đô thị hoà nhập có tính đến nhu cầu của thị trường và chi phí, lợi ích dài hạn.
Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, cần có giải pháp đột phá, nhằm thu hút mọi nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển đô thị, để phát triển đô thị thực sự là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo an sinh xã hội và duy trì phát triển bền vững quốc gia.