Quân đội Mỹ tung ra một video vào đêm thứ Năm mà theo lời họ quay cảnh Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran (IRGC) gỡ bỏ một quả mìn chưa nổ trên thân tàu chở dầu Nhật Bản, trong khi Washington nói Tehran phải chịu trách nhiệm về các vụ tấn công tàu dầu làm chao đảo thị trường dầu mỏ thế giới.
Quân đội Mỹ còn tung ra những tấm ảnh cho thấy một vật thể giống quả mìn gắn vào thân tàu nhờ từ tính của nam châm, trước khi nó được gỡ đi.
Tuy nhiên như thường lệ, những hình ảnh này rất khó xác định thực hư và việc tung ra chúng có vẻ chứng tỏ Mỹ đang cố gắng thuyết phục cộng đồng quốc tế rằng Iran phải chịu trách nhiệm về các vụ tấn công nhằm vào hai tàu dầu trên vịnh Oman. Iran đã thẳng thừng bác bỏ cáo buộc của phía Mỹ.
Trong một thông cáo, phái đoàn Iran tại LHQ nói Tehran “thẳng thừng bác bỏ cáo buộc vô căn cứ của Mỹ liên quan đến vụ việc tàu dầu hôm 13/6 và lên án Mỹ với từ ngữ mạnh nhất có thể”.
Iran cáo buộc Mỹ và các đồng minh của họ ở khu vực Trung Đông, bao gồm các quốc gia thù địch với Iran như Ả rập Xê út và Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), đang “buôn bán chiến tranh”.
Hôm qua, Iran nói họ chịu trách nhiệm duy trì an ninh của eo biển Hormuz ở Vùng Vịnh, theo đài nhà nước. “Chúng tôi chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh của eo biển (Hormuz) và chúng tôi đã cứu thoát các thủy thủ trên những tàu bị tấn công trong thời gian ngắn nhất có thể”, đài phát thanh Iran dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi.
“Rõ ràng, cáo buộc Iran cho một sự việc đáng ngờ là cách đơn giản nhất và hiệu quả nhất đối với (ngoại trưởng Mỹ Mike) Pompeo và các quan chức Mỹ khác. Những cáo buộc này thật đáng báo động”.
Cho đến nay vẫn chưa rõ nguyên nhân thực sự gây ra các vụ nổ khiến thủy thủ đoàn của hai tàu chở dầu Front Altair của Na Uy và Kokuka Courageous (Nhật Bản) phải bỏ tàu tại vùng nước giữa các quốc gia Vùng Vịnh và Iran.
Hai vụ nổ này xảy ra ở phía nam eo biển Hormuz (vịnh Oman) tiếp sau các vụ tấn công phá hoại nhằm vào các tàu ngoài khơi Fujairah, một trong các tiểu quốc thuộc UAE. Iran đã nhanh chóng tuyên bố họ không liên quan.
Một nguồn tin nói vụ nổ trên tàu Front Altair, gây cháy và tạo ra luồng khói lớn, có thể do tác động của một quả mìn từ trường. Công ty thuê tàu Kokuka Courageous nói nó bị một quả ngư lôi đánh trúng, nhưng một người theo Reuters là có kiến thức và hiểu biết về vấn đề nói trong vụ này ngư lôi không được dùng đến.
Căng thẳng giữa Iran và Mỹ tăng lên từ tháng 5/2018, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút nước Mỹ khỏi một thỏa thuận hạt nhân được ký hồi năm 2015 giữa Iran và một số cường quốc với mục tiêu kìm giữ tham vọng hạt nhân của Iran để đổi lấy việc các lệnh cấm vận chống Tehran được dỡ bỏ. Iran nhiều lần đe dọa phong tỏa eo biển Hormuz nếu họ không thể bán được dầu mỏ vì tác động từ các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Căng thẳng gia tăng khi Tổng thống Trump tái áp dụng các lệnh trừng phạt đối với Iran, thực hiện các bước đi nhằm buộc khách hàng mua dầu của Iran cắt giảm hoặc ngừng nhập khẩu, nếu không cũng sẽ bị trừng phạt.
Xuất khẩu dầu mỏ, ngành quan trọng số 1 của Iran đã giảm sản lượng xuất khẩu từ 2,5 triệu thùng ở thời điểm tháng 4/2018 còn 400.000 thùng trong tháng 5 vừa qua.
Tuy nhiên, đối đầu với Mỹ đồng nghĩa là Iran mặc nhiên sẽ có đồng minh. Gặp nhau bên lề một hội nghị thượng đỉnh khu vực ở Kyrgyzstan, hôm qua Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với Tổng thống Iran Hassan Rouhani rằng Trung Quốc sẽ thúc đẩy sự phát triển vững chắc mối quan hệ với Iran cho dù tình hình có biến chuyển như thế nào, hãng tin Tân Hoa Xã tường thuật.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua kêu gọi các bên kiềm chế, thúc giục giải quyết các khác biệt thông qua đối thoại.
Trung Quốc và Iran có mối quan hệ về năng lượng chặt chẽ và Bắc Kinh tỏ ra giận dữ khi Mỹ đe dọa nhiều nước và nhiều công ty sẽ trừng phạt nếu họ nhập khẩu dầu mỏ từ Iran.