Nhiều năm qua, du khách về vùng đất thiêng Yên Tử thường theo hướng Đông, đi qua địa bàn tỉnh Quảng Ninh, nay đến Yên Tử có thể đi theo đường mới phía Tây qua địa phận tỉnh Bắc Giang, nơi cũng có những ngôi chùa cổ và danh thắng nổi tiếng…
Núi Yên Tử nằm trên cánh cung Đông Triều, sườn Đông chủ yếu thuộc tỉnh Quảng Ninh; còn sườn Tây thuộc các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Dũng của tỉnh Bắc Giang. Phía sườn Tây Yên Tử còn ghi dấu hàng loạt các di tích minh chứng cho giai đoạn hưng thịnh của Thiền phái Trúc Lâm (dòng thiền Việt Nam do Phật Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập), như các chùa Vĩnh Nghiêm, Am Vãi, Hồ Bấc, Bình Long… Tuy nhiên, đường lên vùng núi Yên Tử theo hướng Tây rất khó đi, nên nhiều năm nay chủ yếu được đi theo hướng Đông.
Nhờ sự đầu tư của nhà nước, gần đây con đường đến núi Yên Tử theo hướng Tây đã hoàn thành. Hệ thống cáp treo để lên núi Yên Tử theo hướng Tây cũng được đưa vào sử dụng. Do vậy, năm nay tỉnh Bắc Giang tiến hành tổ chức Tuần văn hóa du lịch 2019 với chủ đề “Khám phá vùng đất thiêng Tây Yên Tử”, diễn ra từ ngày 14-20/2 (tức từ ngày 10 đến 16 tháng giêng năm Kỷ Hợi). Tại buổi giới thiệu về Tuần văn hóa du lịch này, ông Lê Ánh Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết: “Cùng với Đông Yên Tử thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Tây Yên Tử sẽ phối hợp, kết nối thành quần thể danh thắng Yên Tử thống nhất, tạo điều kiện cho phát triển du lịch cũng như phát huy các di sản văn hóa mà cha ông ta đã để lại”.
Hiện tại, khu vực Tây Yên Tử còn lưu lại nhiều di tích, công trình lịch sử - văn hóa liên quan đến tôn giáo, gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Qua khảo sát bước đầu, tỉnh Bắc Giang đã thống kê được trên 130 di tích lớn nhỏ nằm trong khu vực Tây Yên Tử, đã lập hồ sơ đề nghị và công nhận 26 điểm di tích cấp tỉnh và cấp quốc gia. Do vậy, nếu về Yên Tử theo hướng Tây, du khách có thể thăm các địa danh nổi tiếng như chùa Vĩnh Nghiêm (nơi được xem là chốn tổ của Thiền phái Trúc lâm Yên Tử, có niên đại hơn 700 năm), chùa Am Vãi (nằm trên vòng cung Yên Tử), chùa Bổ Đà (với khu vườn tháp đẹp nhất Việt Nam) chùa Kem, thiền viện Trúc Lâm Yên Tử Phượng Hoàng…
Theo kế hoạch, trong thời gian diễn ra Tuần Văn hóa - du lịch 2019 sẽ có nhiều hoạt động văn hóa, du lịch, thể thao tiêu biểu như Lễ rước tượng Phật từ chốn tổ Vĩnh Nghiêm lên chùa Thượng, thuộc Tây Yên Tử; trưng bày và giới thiệu mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm; hội hát Soong hao (một nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số)…