Vùng cao thiếu phòng học

Vùng cao thiếu phòng học
TP - Hàng ngàn trẻ em miền núi ở Quảng Ngãi và Quảng Nam phải đón năm học mới trong những lớp học tạm bợ, thiếu thốn. Đặc biệt, tại huyện Tây Trà (Quảng Ngãi) các em tiếp tục đứng học vì bàn ghế quá cỡ do đóng theo quy chuẩn mới.
Giáo viên và học sinh tại điểm Trà Veo (Trà Xinh, Tây Trà, Quảng Ngãi) đón năm học mới trong túp lều tạm bợ. Ảnh: Nguyễn Thành
Giáo viên và học sinh tại điểm Trà Veo (Trà Xinh, Tây Trà, Quảng Ngãi) đón năm học mới trong túp lều tạm bợ. Ảnh: Nguyễn Thành.

Trường tiểu học và THCS xã Trà Xinh, huyện Tây Trà (Quảng Ngãi) có 4 điểm lớp và một điểm trường chính. Giáo viên học sinh nhà trường đang hối hả chuẩn bị cho năm học mới sẽ khai giảng vào 20–8 này.

Điểm trường chính nằm chênh vênh bên vách núi với một dãy nhà gồm 3 phòng. Trường chưa có nhà hiệu bộ và thư viện. Một phòng học được tận dụng để thay thế. Bàn ghế, sách vở không thiếu, chỉ thiếu phòng học.

Thầy Nguyễn Công, Phó hiệu trưởng, cho biết: “Thiếu thốn, đi học xa xôi, trường không ra trường, lớp không ra lớp nên năm nào học sinh cũng bỏ học. Giáo viên cắm bản vừa dạy vừa “chạy” theo gọi các em
đến trường”.

Điểm lớp ở thôn Trà Veo, xã Trà Xinh mấy năm nay là 3 phòng học được dựng bằng vách nứa. Thực chất đó chỉ là một túp lều chia làm 3, dành cho học sinh tiểu học.

Năm học trước, 3 phòng học lợp bằng bạt, ni lông, ngồi học mùa hè nóng nực như lò thiêu, mùa mưa nước chảy lênh láng, học sinh phải nghỉ học.

Trong dịp hè, gió lốc cuốn bay túp lều. Trước năm học mới, đoàn thanh niên tình nguyện lên chặt tre nứa dựng lại lều trên nền đất cũ. Lều đã được lợp bằng tôn. Nhưng bên trong vẫn trống trơn, chưa có bàn ghế, bảng đen.

Cách điểm trường không xa là khu tái định cư của dự án hồ chứa nước Nước Trong, công trình trường học đang xây dựng dang dở.

BQL dự án từng hứa với chính quyền địa phương sẽ hoàn thành và bàn giao trường học trước năm học mới, tuy nhiên đến nay việc này là không thể.

Học sinh Trà Xinh phải đứng học vì bàn ghế quá cỡ
Học sinh Trà Xinh phải đứng học vì bàn ghế quá cỡ.

Hai giáo viên Huỳnh Thị Vân và Phạm Thị Cường tất bật cùng học sinh dọn dẹp vệ sinh, cấp phát vở cho các em.

“Cả cô và trò cơ cực lắm. Mùa hè mồ hôi nhễ nhại, mùa mưa nước nhỏ giọt, mưa to phải cho các em nghỉ. Bàn ghế hư hỏng gần hết, phải tận dụng. Bàn ghế mới theo quy chuẩn của Bộ GD&ĐT quá cao, học sinh tiểu học ngồi không được, phải đứng học” - cô Vân cho biết.

Học sinh tiểu học ở Trà Xinh từng phải đứng học vì những bộ bàn ghế kích cỡ quá cao, so với tầm vóc ốm yếu của học sinh vùng cao.

Chưa có bàn ghế thay thế, các em tiếp tục đứng học. “Bàn ghế mới so với tầm vóc các em là quá khập khiễng. Các em đứng học còn chưa viết được nói gì ngồi học” - thầy Công nói.

Điểm lớp học ở thôn Trà Ôi nằm xa nhất. Để vào đến nơi, giáo viên phải đi bộ hàng tiếng đồng hồ. Nhà trường, giáo viên phải vận động người dân dựng lều cho học sinh tiểu học. Học sinh THCS phải đi bộ ra điểm trường chính.

Năm học mới Trà Ôi có 16 em THCS theo giáo viên và BGH nhà trường, do cách trở nên các em chỉ đến lớp 2 - 3 buổi/tuần.

Ông Đinh Văn Lập, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tây Trà, cho biết: “Toàn huyện có 7 điểm phòng học tạm bợ. Chưa biết đến bao giờ mới có trường lớp khang trang, dù kế hoạch xây dựng đã có từ 2 - 3 năm nay”.

Trong khi đó, tại Quảng Nam, học sinh các huyện miền núi Nam Trà My, Bắc Trà My… cũng phải khai giảng trong tình trạng thiếu phòng học.

Theo Phòng GD&ĐT huyện Bắc Trà My, địa phương này vẫn còn 53 phòng học tạm, trong đó có 13 phòng lợp tấm bạt, vách tre nứa; 40 phòng học sườn gỗ, mái lợp tôn đã xuống cấp.

Huyện còn có 12 phòng học phải mượn nhà dân, chủ yếu tại các khu dân cư tự phát gần thủy điện Sông Tranh 2.

Vừa qua, chủ đầu tư dự án thủy điện Sông Tranh 2 có hỗ trợ kinh phí để sửa chữa, xây mới một số phòng học tại các khu TĐC, tuy nhiên do kinh phí cấp về quá trễ, địa phương không kịp thực hiện để phục vụ năm học mới
2012 – 2013.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.