'Vua nhạc sến' trong cơn bệnh ngặt nghèo

Nhạc sĩ Vinh Sử - Ảnh: H.Đ.N
Nhạc sĩ Vinh Sử - Ảnh: H.Đ.N
Trong làng tân nhạc, nếu các nhạc sĩ tiền bối được xưng tụng các mỹ hiệu như “vua tango” Hoàng Trọng, “ông hoàng slow” Đoàn Chuẩn thì lớp kế thừa cũng có “vua nhạc sến” Vinh Sử. Có điều cuộc sống của “ông vua” này hiện nay quá đỗi khổ cực.

Trong làng tân nhạc, nếu các nhạc sĩ tiền bối được xưng tụng các mỹ hiệu như “vua tango” Hoàng Trọng, “ông hoàng slow” Đoàn Chuẩn thì lớp kế thừa cũng có “vua nhạc sến” Vinh Sử. Có điều cuộc sống của “ông vua” này hiện nay quá đỗi khổ cực.

'Vua nhạc sến' trong cơn bệnh ngặt nghèo ảnh 1

“Căn nhà” của nhạc sĩ Vinh Sử với tấm ảnh thời trẻ trên tường - Ảnh: H.Đ.N 

Biết nhạc sĩ Vinh Sử bị bệnh đã lâu nhưng chiều ngày 4.8, tôi và một vài người bạn mới đến tận tư gia của ông tại số 86/52 đường 37 (Q.7, TP.HCM) để thăm ông. Trước đây khi anh em hàn huyên tâm sự biết ông làm ở tiệm giày dép, cũng mừng cho ông. Vậy mà giờ đây, ngoài sức tưởng tượng của tôi, “căn nhà” của “vua” chỉ là một cái ngách nhỏ - chứ không thể gọi là nhà:  bề ngang khoảng 1 m,  chiều dài khoảng 5 m. Ông ngồi dậy trên tấm nệm cá nhân tiếp chúng tôi.

"Đó là “e” nhạc sở trường của tôi. Công chúng bình dân đón nhận nhạc của tôi thì tôi cũng phải có trách nhiệm viết nhạc phục vụ giới bình dân"

Nhạc sĩ Vinh Sử 

Nhìn quanh không có bất cứ đồ đạc nào giá trị: chiếc mũ bảo hiểm cũ kỹ, những chiếc kéo, vài chiếc cốc nhựa, những bọc ni lông lớn bé để vài thứ đồ và thuốc. Chiếc xe máy (giá trị nhất) là của học trò để đó cho ông muốn đi đâu thì nhờ người chở. Ông mời chúng tôi ngồi vào hai chiếc ghế nhựa, còn mới, khoe: “Chồng của cô ca sĩ Giao Linh tới thăm, thấy không có chỗ để ngồi nên ổng mua tặng tui hai cái ghế và cả tấm nệm để tui nằm cho êm”.

Ông "vua nhạc sến" tiếng tăm một thời hằng ngày đang phải đối diện với căn bệnh quái ác. Tính đến nay ông đã trải qua 4 lần phẫu thuật do ung thư trực tràng di căn và giờ đang phải đeo hậu môn giả (không kiểm soát điều tiết được) vì gần như toàn bộ phần ruột già đã bị cắt bỏ. Từ 68 kg, bây giờ ông còn hơn 40 kg, đi đứng rất khó khăn, chân bị tê, ngồi lâu tiếp khách cũng đau, nơi hậu môn giả mới nổi thêm một cục u chảy nước khiến ông rất đau và khó chịu, không ăn ngủ được…

Hiện tại, chi phí để chữa bệnh cho nhạc sĩ Vinh Sử đang quá sức đối với ông, nên ông chuyển sang dùng thuốc nam cho đỡ tốn kém. Thu nhập chính của ông chỉ là tiền tác quyền tính theo từng quý (mỗi quý được 5 - 6 triệu đồng). Một số ca sĩ, nhà hảo tâm cũng có ghé thăm và tặng ông chút tiền bồi dưỡng, thuốc thang. Ngôi nhà nhỏ ông đang ở trước đây là nhà trọ, do thấy ông khổ và bệnh nặng nên chủ nhà bán trả góp cho ông với giá 280 triệu đồng, không biết đến khi nào trả hết vì bệnh tình cứ kéo dài.

Nhạc sĩ của giới bình dân

Lâu nay, khi nói chuyện với ông, thấy giọng ông “đớt đớt”, phát âm không rõ, tôi cứ nghĩ ông là người gốc Hoa. Ai dè đó là di chứng sau một lần đột quỵ. Ông tên thật là Bùi Vinh Sử, sinh năm 1944 tại Sài Gòn. Cha mẹ ông vốn gốc ở Hà Tây đi vào nam do người Pháp mộ phu đồn điền cao su vào những năm thập niên 1940.

Sau đó, ông bà bỏ nghề, chuyển về một xóm lao động nghèo ở Q.4 (Sài Gòn) và làm nghề lò bún. Từ xóm lao động này, Vinh Sử được sinh ra, lớn lên và sáng tác nhạc cho tầng lớp lao động, bình dân quanh ông.

Ít ai biết rằng, đến 10 tuổi Vinh Sử mới được đi học vỡ lòng và đến 15 tuổi (tức mới học xong bậc tiểu học) thì bỏ học để lao mình vào âm nhạc. Và với một “trình độ” học vấn như thế - trong suốt gần 60 năm sáng tác, tác phẩm của ông bây giờ là cả một “kho” đồ sộ với cả trăm bản nhạc.

Vinh Sử sáng tác với nhiều bút danh như Vinh Sử, Cô Phượng, Hàn Ni, Diễm Nhi, Đức Vượng... Hầu hết những ca khúc của Vinh Sử là những bản boléro thất tình, buồn hiu hắt như Nhẫn cỏ cho em, Gõ cửa trái tim, Người phu kéo mo cau, Hai bàn tay trắng, Đêm lang thang, Chuyến xe lam chiều, Vòng nhẫn cưới, Đoạn buồn đêm mưa, Qua ngõ nhà em, Hai mái nhà tranh, Không giờ rồi, Làm dâu xứ lạ, Mưa bụi, Trách người trong mộng, Quên cây cầu dừa, Nối lại tình xưa, Tình đẹp mùa chôm chôm, Vẫy tay chào, Tâm sự nàng Buram… Năm 2005, người viết có phỏng vấn Vinh Sử về thể loại này, ông đáp: “Đó là “e” nhạc sở trường của tôi. Công chúng bình dân đón nhận nhạc của tôi thì tôi cũng phải có trách nhiệm viết nhạc phục vụ giới bình dân”.

Vinh Sử từng có 4 đời vợ chính thức, nhưng cuối đời, khi gia sản đã tiêu tan theo bệnh tật của ông thì chỉ có bà thứ ba, Hà Ngọc Lệ, trở về chăm sóc ông tận tình đến hôm nay. Bà Lệ và nhạc sĩ Vinh Sử từng kết hôn và sống với nhau một thời gian, họ có với nhau một đứa con chung (bà có hai con riêng), nhưng sau đó ông bà chia tay.

Sau này khi thấy chồng cũ bệnh tật, bà không đành lòng ngoảnh mặt. Bà Lệ nói mỗi ngày họ chi tiêu không quá 30.000 đồng. Sáng bà nấu nướng sẵn cho ông cả phần cơm trưa rồi đi giặt mướn. Đến chiều tối, mới về chăm sóc ông…

Ước mong khi bài báo này đến tay bạn đọc, sẽ có nhiều người mở rộng tấm lòng nhân ái giúp đỡ người nhạc sĩ suốt đời viết nhạc để phục vụ giới bình dân - nơi ông từ đó bước ra...

Đêm nhạc giúp đỡ nhạc sĩ vinh sử

Đêm nhạc Vinh Sử chủ đề Gõ cửa trái tim do Công ty Sài Gòn Giải Trí tổ chức sẽ diễn ra lúc 20 giờ 30 ngày 20.8, tại phòng trà Nam Quang (147 Cách Mạng Tháng Tám, Q.3, TP.HCM).

Toàn bộ doanh thu từ tiền bán vé và quyên góp tại chỗ sẽ dùng để giúp nhạc sĩ Vinh Sử chữa trị bệnh. Khán giả có thể đặt mua vé từ hôm nay theo đường dây nóng: 0909940299 - 0915863636.

Theo Thanh Niên
MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".