Những ai có dịp về Phú Thiện trong những năm gần đây ắt sẽ chứng kiến sự đổi thay từng ngày của mảnh đất này. Từ một vùng khô cằn trơ trọi năm nào, khi thủy lợi Auyn Hạ đưa nước về, đặc biệt là từ khi chia tách huyện, vùng đất này đã bừng dậy hồi sinh. Nhiều người trước kia đến đây theo chính sách “ Đi kinh tế mới” phập phù số phận thì nay đã xem nơi này như quê hương thứ 2, yên ổn làm ăn và còn đưa cả bà con họ hàng ở khắp Bắc-Trung-Nam về đây tìm cơ hội lập nghiệp.
Sau gần 5 năm chia tách đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc ở 10 xã, thị trấn toàn huyện đã thay đổi nhanh chóng, tỷ lệ hộ đói nghèo giảm đáng kể. Liên tục nhiều năm liền tốc độ tăng trưởng GDP của huyện đạt trên dưới 13%/năm.
Năm 2011 mặc dù gặp nhiều khó khăn song tăng trưởng kinh tế của huyện vẫn giữ mức 13%, tổng diện tích gieo trồng hơn 22.856 ha.
Tổng giá trị sản xuất đạt 579 tỷ đồng, trong đó công nghiệp xây dựng đạt 183 tỷ đồng, dịch vụ thương mại 160 tỷ đồng, sản xuất nông –lâm nghiệp thủy sản đạt 235 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng giảm dần nông-lâm nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp dịch vụ.
Không nơi nào ở Tây Nguyên có đồng lúa mênh mông thẳng cánh cò bay như Phú Thiện. Trong vụ Đông Xuân 2011 mưa nắng thất thường và rét kéo dài nên đã ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển cũng như diện tích và năng suất các loại cây trồng, nhất là cây lúa.
Kết thúc vụ Đông Xuân diện tích gieo trồng chỉ đạt 7.383 ha, giảm 2,7% so với năm 2010, tổng sản lượng lương thực đạt 40.265 tấn. Đến vụ mùa diện tích gieo trồng đã tăng lên đáng kể đạt 15.473 ha, bằng 101,7% kế hoạch, tổng sản lượng lương thực đạt 46.828 tấn.
Ông Nguyễn Văn Phụng –Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện cho biết: Mục tiêu chiến lược của huyện giai đoạn 2010 -2015 là triển khai thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, tập trung vào nhiệm vụ chính: Xây dựng thương hiệu “Lúa gạo Phú Thiện”.
Với lợi thế vùng nguyên liệu hơn 6.000 ha lúa nước 2 vụ, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với Viện nghiên cứu Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Tây Nguyên phối hợp với Trạm Giống cây trồng của tỉnh đặt tại xã Ia Sol-Phú Thiện nghiên cứu đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng, tìm kiếm giống lúa mới phù hợp, tạo nên giống lúa đặc sản của vựa lúa cao nguyên này. Ngoài việc phát triển lúa thương phẩm đồng thời tạo ra vùng nguyên liệu góp phần đảm bảo an ninh lương thực của khu vực.
Song song với việc xây dựng thương hiệu Lúa gạo Phú Thiện, huyện Phú Thiện hướng đến việc xây dựng vùng chuyên canh, thâm canh các sản phẩm nông nghiệp khác như thuốc lá, mía đường, mì, rau xanh, nuôi cá nước ngọt, chăn nuôi bò, dê…gắn với việc chế biến nông-lâm sản.
Đồng thời tăng cường công tác xúc tiến đầu tư xây dựng một số mô hình dịch vụ-du lịch như: Du lịch sinh thái hồ Ayun Hạ, khu di tích lịch sử Văn hóa Plei Ơi ( Vua lửa)…; khai thác tốt một số tài nguyên khoáng sản trên địa bàn.
Để phát huy tối đa các nguồn lực đầu tư có lợi cho sự phát triển của huyện Phú Thiện, đồng thời khai thác tốt tiềm năng lợi thế của vùng đất này, Phú Thiện đề ra chương trình hành động trọng tâm đến năm 2020 bao gồm 5 vấn đề chính: Chương trình đầu tư và huy động vốn đầu tư; Chương trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế; Các chương trình giải quyết những vấn đề xã hội; chương trình đào tạo, sử dụng và thu hút nhân tài; Chương trình phát triển các thành phần kinh tế.
Dù còn nhiều khó khăn trở ngại, chưa thể lường trước nhưng dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Phú Thiện tin tưởng sẽ hoàn thành thắng lợi kế hoạch 5 năm 2011-2015, đưa kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng huyện nhà bước sang trang mới.