Bà Liên là vợ của Giám đốc Sở Tư pháp Lâm Đồng Đào Xuân Sơn, còn Bùi Hữu Quang Luận là công chứng viên Phòng công chứng số 1 (thuộc Sở Tư pháp Lâm Đồng), Chu Văn Sữa và Trần Thùy Lâm thuộc Văn phòng Công chứng Đoàn Quang Lưu.
Thông tin ban đầu, bà Liên bị bắt về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nạn nhân của Liên thuộc nhiều thành phần (cán bộ một số cơ quan thuộc Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngân hàng, công an và người dân). Người bị Liên nợ nhiều nhất lên đến 53 tỷ đồng. Hiện số tiền mà Liên nợ của ngân hàng, cán bộ và người dân lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Lợi dụng địa vị của chồng, vị trí xã hội của mình và trưng ra một số giấy tờ về bất động sản, Liên đã lấy được niềm tin của nhiều người, sau đó dụ dỗ, lừa phỉnh những người quen biết để lập hợp đồng, viết giấy vay nhận nợ, mượn nợ rồi chây ì không trả. Với một món bất động sản, Liên có thể ký công chứng thế chấp vay tiền của 2 người.
Liên thường dùng các giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà, đất (bản sao có công chứng) để thế chấp trong các hợp đồng vay mượn. Tuy nhiên, các giấy tờ gốc trong các hợp đồng vay nợ này đã được thế chấp cho các ngân hàng để vay tiền trước đó. Mặt khác, đối tượng Liên dùng tiền vay được bí mật trả nợ cho ngân hàng và lấy các giấy tờ gốc về nhà, sau đó bán những ngôi nhà có giấy tờ đầy đủ này cho những người khác, nhưng không trả tiền cho chủ nợ.
Đặc biệt, với sự trợ thủ đắc lực của các công chứng viên, Liên đã “ảo thuật” được một số bộ hồ sơ khiến các chủ nợ rơi vào “mê hồn trận”, bị lừa hết lần này đến lần khác. Công chứng viên thậm chí còn chứng thực ủy quyền, cũng như công chứng hợp đồng sang nhượng tài sản chưa xóa thế chấp của cặp vợ chồng quan chức này.
“Nhảy dù” vào nhà của Giám đốc Sở
Nghe bà Liên tỉ tê rằng chồng bà (hiện đang là Giám đốc Sở Tư pháp) đang được “cơ cấu” lên chức Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, gia đình lại có nhiều bất động sản…, bà L.H.P tin tưởng thế chấp nhà cửa và vay mượn thêm của nhiều người để cho vợ chồng Liên vay 53 tỷ đồng. Trong đó, ông Sơn cùng vợ trực tiếp ký vào một giấy mượn nợ với số tiền 8 tỷ đồng.
Vì bị đối tượng Liên chây ì khoản nợ quá lớn, gia đình bà P thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Uất ức và cùng quẫn, nhất là bị xã hội đen đe dọa, bà P đã dọn đến ở luôn trong nhà Giám đốc Sở Tư pháp. Nghĩ rằng việc làm này có thể gây sức ép khiến con nợ phải trả tiền nhưng rồi bà P cay đắng nhận ra vợ chồng Liên chẳng có chút thiện ý trả nợ, phớt lờ sự hiện diện hàng ngày của bà cũng như sự xuất hiện của con gái bà mỗi khi mang cơm đến cho mẹ.
Điều đáng nói nữa là, theo yêu cầu của nguyên đơn là một chủ nợ khác của đối tượng Liên, ngày 7/4/2020 TAND TP Đà Lạt phong tỏa khối tài sản của cặp vợ chồng quan chức này, là ngôi nhà 73/1 Phan Chu Trinh (TP Đà Lạt), nơi bà P đã dọn đến trú ẩn và gây sức ép nhằm đòi nợ. Qua đây, cơ quan chức năng phát hiện bất động sản nói trên đã được vợ chồng ông Sơn từng thế chấp cho một ngân hàng trên địa bàn để vay tiền từ năm 2018. Sau đó, vợ chồng bà Liên đã ủy quyền cho bà Thu Cúc lập hợp đồng chuyển nhượng căn nhà này cho người khác.
Người chết “sống lại” điểm chỉ ủy quyền!
Để bảo đảm khoản vay hàng chục tỷ đồng, bà Liên đã đưa cho bà P một số hợp đồng ủy quyền, theo đó, người có bất động sản giao cho bà P được toàn quyền tặng cho, góp vốn, sang nhượng, thế chấp tài sản của mình. Qua tìm hiểu của phóng viên, không ít hợp đồng trong số đó có dấu hiệu giả mạo. Chẳng hạn, có 1 hợp đồng ký ủy quyền vào ngày 8/5/2019, trong đó bà Bùi Thị H cho phép bà P toàn quyền định đoạt ngôi nhà duy nhất của mình. Thế nhưng thực tế, theo con trai bà H, mẹ của anh đã mất từ tháng 4/2017. Tương tự, cụ Võ Thị Hộ đã mất 3 - 4 năm nay nhưng lại có 1 hợp đồng đề ngày 22/6/2019, trong đó vợ chồng cụ Hộ đã điểm chỉ ủy quyền việc định đoạt nhà đất của mình cho bà P.
Theo lời bà P, bà không đến phòng công chứng để cùng những người có tài sản ký kết các hợp đồng ủy quyền nói trên. Tất cả đều do bà Liên làm sẵn rồi mang đến tận nhà để giao cho bà.
Ông Nguyễn Văn Yên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết sau khi 4 đối tượng trên bị khởi tố, bắt giam, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Tư pháp và các đơn vị liên quan báo cáo tình hình thực tại. Trên cơ sở đó, cơ quan có thẩm quyền sẽ có hình thức xử lý đối với cán bộ, chọn người thay thế để không ảnh hưởng đến công việc chung của các đơn vị có liên quan.