Tại Lễ công bố Doanh nghiệp bền vững Việt Nam năm 2018 mới đây, Unilever Việt Nam được vinh danh “Top 10 Doanh nghiệp bền vững xuất sắc nhất lĩnh vực sản xuất” và “Top 10 Doanh nghiệp bền vững xuất sắc nhất Việt Nam” trong ba năm liên tiếp (2016-2017-2018).
Trong công văn do bà Nguyễn Thị Bích Vân, Tổng giám đốc Unilever Việt Nam ký nêu rõ: Vấn đề thuế TNDN liên quan tới đầu tư mở rộng của Unilever đã được Chính phủ đề cập đến trong Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 6/10/2018.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp báo cáo phương án giải quyết thoả đáng vướng mắc của doanh nghiệp (DN) do có sự khác nhau giữa Luật Đầu tư và Luật Thuế TNDN giai đoạn trước năm 2014 theo đúng nguyên tắc không hồi tố các quy định pháp luật.
Unilever cũng cho biết thực hiện Nghị quyết 124, công ty này đã chủ động giải trình Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính. Đồng thời kiến nghị cơ quan thuế chưa thực hiện hay ra bất kỳ quyết định nào ảnh hưởng bất lợi cho DN trong thời gian Chính phủ xử lý vụ việc.
Tuy nhiên, ngày 11/12, công ty nhận thêm Thông báo số 19118/TB-CT của Cục Thuế TP.HCM yêu cầu nộp ngay số thuế hơn 575 tỷ đồng và đến ngày 14/12/2018, công ty này tiếp tục nhận công văn của Cục Thuế TP.HCM yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng để cưỡng chế thi hành.
“Điều này đặt chúng tôi vào tình thế vô cùng khó khăn, gây ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ hoạt động và uy tín của Unilever tại Việt Nam… Trước tình hình trên, công ty chúng tôi khẩn thiết kính đề nghị Thủ tướng khẩn cấp chỉ đạo các bộ ngành liên quan không thực hiện cưỡng chế DN để thống nhất chờ kết luận của Chính phủ theo tinh thần Nghị quyết 124”, Unilever nêu.
Theo Unilever Việt Nam, vấn đề thuế TNDN mà Unilever đang gặp phải do có sự khác nhau giữa Luật Đầu tư và Luật Thuế TNDN giai đoạn trước năm 2014 là vấn đề chung nhiều công ty đang kiến nghị Thủ tướng giải quyết, nhận được sự quan tâm của cộng đồng DN đầu tư nước ngoài và giới ngoại giao. Công ty mong vấn đề này sớm được giải quyết thấu đáo, đảm bảo lợi ích của các bên.
Trước đó, trong công văn gửi Tổng cục Thuế và Cục Thuế TP.HCM do Phó tổng kiểm toán Nguyễn Quang Thành ký, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đề nghị ngành thuế đôn đốc Unilever Việt Nam thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, tức là nộp toàn bộ số tiền thuế trên.
KTNN nêu rõ Unilever Việt Nam đã cung cấp hồ sơ bổ sung phần mở rộng giai đoạn 2009 - 2013, Kiểm toán Nhà nước khu vực 4 đã xem xét và có kiến nghị truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp do đầu tư mở rộng là hơn 575,8 tỉ đồng và đề nghị công ty khẩn trương nộp ngân sách nhà nước.
Về kiến nghị truy thu tiền thuế của Unilever, mới đây, ông Hồ Đức Phớc, tổng KTNN, cho biết DN đưa ra lý lẽ cho rằng họ làm đúng nhưng lại không cung cấp được chứng cứ.
"DN mở rộng sản xuất thì phải có hồ sơ, tài liệu chứng cứ để chứng minh doanh nghiệp mở rộng sản xuất. Nhưng doanh nghiệp không cung cấp được hồ sơ tài liệu để chứng minh họ không phải nộp số tiền trên. Còn chúng tôi có đầy đủ căn cứ để chứng minh đơn vị này nợ thuế" - ông Phớc cho hay.
Theo Cục Thuế TP.HCM, đến ngày 12/12, Công ty Unilever Việt Nam vẫn chưa nộp ngân sách số tiền thuế nêu trên, do đó cơ quan thuế đã đề nghị cung cấp tài khoản ngân hàng để cưỡng chế thuế.
Tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 10/12, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho biết, thời gian qua, KTNN đã phát hiện chuyển giá, trốn thuế ở các doanh nghiệp kể cả doanh nghiệp nước ngoài, như Unilever, Sabeco... truy thu ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng. Cuộc kiểm toán chuyên đề công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng tại Tổng cục Thuế và 19 tỉnh, thành phố, KTNN kiến nghị xử lý về số liệu liên quan đến việc thực hiện hoàn thuế chưa phù hợp quy định 1.396 tỷ đồng.