Vũ Trọng Phụng PR rẻ tiền?

Vũ Trọng Phụng PR rẻ tiền?
TP - Năm 1936, Vũ Trọng Phụng - nhà văn thuộc loại lớn nhất Việt Nam thế kỷ 20, khi đó 24 tuổi, hạ bút đề cho tiểu thuyết mới của mình cái tên Làm đĩ, cái tên liều lĩnh nhất trong số những tác phẩm văn học chính thống của Việt Nam.

> Đàn bà yếu đuối

Bìa tiểu thuyết “Làm đĩ” của Vũ Trọng Phụng
Bìa tiểu thuyết “Làm đĩ” của Vũ Trọng Phụng.

Làm đĩ kể về con đường sa đọa của cô tiểu thư tên Huyền, vốn khinh ghét gái đĩ, sau này bị số phận và cả bản tính xô đẩy trở thành gái đĩ thượng lưu, bị mắc bệnh giang mai. Vũ Trọng Phụng viết ra câu chuyện từ góc nhìn của Huyền chứ không phải của một người thứ ba đứng ngoài phê phán, với tình người thấm trong mỗi câu văn, với thái độ tôn trọng và một tư tưởng nghiêm túc về tình dục, hay “cái dâm” như cách ông gọi.

Thêm vào đó, trong gần 80 năm qua, vẫn chưa thấy một nhà văn nào đặt một cái tên sách liều ngang ngửa Làm đĩ.

Ba chấm thay từ ngữ PR

Hoặc có thể đặt rồi nhưng ngại bị coi là rẻ tiền, bị biên tập sửa… nên phải đổi. Tóm lại là chưa thấy. Tương lai cũng không biết thế nào.

Chỉ biết, mới đây, khi chuyển thể Làm đĩ thành kịch trên sân khấu Phú Nhuận, NSND Hồng Vân đổi tên thành Làm… (tức Làm ba chấm) với lời giải thích “Giữ nguyên tên thì rất dễ bị coi là hình thức PR rẻ tiền”.

Thật làm tôi nhớ lại năm 2010, tiểu thuyết Xin lỗi, em chỉ là con đĩ của Trung Quốc được Việt Nam dựng kịch.

Trùng hợp là, cái tên cũng được thay đổi, bỏ chữ “con đĩ” và thêm vào cái dấu ba chấm: Xin lỗi, em chỉ là… (tức Xin lỗi em chỉ là ba chấm). Lại cái dấu ba chấm đầy sức gợi, nhưng thôi, dù sao nghe cũng đỡ cụt lủn hơn Làm…

Hai tháng trước, một bài viết trên báo điện tử cũng được đặt cái tít Ở Việt Nam, sách Nobel thua xa Xin lỗi, em chỉ là

Tác phẩm được nhắc đến trong tít là tiểu thuyết, và tên sách thì chính xác là Xin lỗi, em chỉ là con đĩ (tác giả Tào Đình, Trang Hạ dịch), được viết rõ ràng trên bìa sách phát hành ở Việt Nam. Không hiểu vì cái tít báo quá dài hay vì lý do gì mà hai chữ “con đĩ” bị đổi thành dấu ba chấm “ý nhị” như vậy.

Hậu sinh chúng ta sợ sệt chăng?

Chúng ta, những độc giả sinh sau đẻ muộn, không thể nào biết rõ thời đại mà Vũ Trọng Phụng sống có những sự kiện gây xôn xao kiểu như thời nay hay không (thời đó chưa có mạng Internet và báo điện tử như thời nay).

Biết đâu là có, biết đâu cô Huyền có hình mẫu thật ngoài đời, cũng gây scandal ầm ĩ và Vũ Trọng Phụng (vốn làm báo) cũng dựa vào đó viết một cuốn tiểu thuyết ăn theo, để “PR rẻ tiền”?

Nếu thế thì nhà văn “PR” bản thân quá thiếu khéo léo, đến nỗi Làm đĩ ra đời và tồn tại lận đận, hai lần xuất bản thứ nhất và thứ hai cách nhau đến 56 năm (1936 - 1993).

Đặt bút viết một cuốn sách đề cập trực diện đến bản năng tình dục như vậy, hẳn Vũ Trọng Phụng cũng đoán trước tác phẩm sẽ có số phận không suôn sẻ. Cả khi ông còn sống và đã qua đời (nhà văn mất sớm ở tuổi 27 vào năm 1939), cuốn sách bị những người viết cùng thời và thời sau “đánh” cho tơi tả. Theo nhà phê bình Đỗ Ngọc Yên, trong số những người phê phán Làm đĩ có cả Nhất Linh, Hoài Thanh…

Thế mà Vũ Trọng Phụng và tiểu thuyết của ông vẫn sống. Làm đĩ khi được dựng kịch vào năm 2012 vẫn được báo chí đánh giá là một đề tài “thời sự, nóng hổi”.

Càng nóng hổi hơn nếu đối chiếu với xã hội hôm nay, một thời đại có những người đẹp bán dâm nghìn đô, có những quan chức tham và hai bên có vẻ như có mối liên hệ mật thiết với nhau.

Nhiều nhà văn, nhà phê bình văn học đánh giá Vũ Trọng Phụng là nhà văn lớn nhất Việt Nam thời kỳ đầu thế kỷ 20. “Nhất” chứ không chỉ là “một trong những”. Giá trị vượt thời gian của những tác phẩm như Giông tố, Số đỏ, Kỹ nghệ lấy Tây, Làm đĩ… chứng tỏ nhận định này không sai.

Năm 1936, Vũ Trọng Phụng 24 tuổi đã viết trong Làm đĩ: “Bắt tôi đừng nói về sự trụy lạc của xác thịt ư? Thì sao không kiếm cách nào bắt người đời không được ai hư hỏng!”. Từ câu văn của ông, xin phóng tác: “Bắt tôi không nhắc đến từ “đĩ” ư? Thì sao không kiếm cách nào bắt người đời không được ai làm đĩ”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG