Theo ông Lăng, để xảy ra tình trạng nhiều tàu cá vỏ thép hư hỏng, nằm bờ khiến ngư dân như ngồi trên đống lửa với những khoản nợ, trả lãi ngân hàng. Có ba nguyên nhân dẫn đến những sự cố trên. Một là, do nhà máy đóng tàu làm không đúng hợp đồng, thiết kế. Hai là còn ngư dân lâu nay quen với tàu gỗ, nên khi chuyển sang tàu vỏ thép còn nhiều bỡ ngỡ, trong đó kể cả không biết để giám sát quá trình đóng tàu. Thứ ba, là trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm tàu cá của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT).
Ông Lăng cho rằng, buổi chất vấn ở Quốc hội vừa rồi, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng khẳng định rất rõ, khi có thông tin từ tổ thẩm định 19 tàu đang hư hỏng của Bình Định, bên nào sai phải chịu trách nhiệm, xử lý nghiêm, kể cả cơ quan đăng kiểm tàu cá của bộ. Việc kiểm tra máy mới là vấn đề không quá khó. Do vậy, kể cả tổ chức cấp chứng thư giám định độc lập cũng phải làm rõ trách nhiệm. “Vụ này không thể bịt, bảo vệ lẫn nhau được, giống như vừa rồi, cơ sở đóng tàu đi đêm, chi tiền để ngư dân rút đơn tố cáo”, ông Lăng nói.
Cũng ông Lăng cho rằng, sau khi có kết luận của Tổ thẩm định của tỉnh Bình Định, sẽ rõ trách nhiệm của từng bộ phận liên quan. “Đây là tội phản bội với ngư dân, công an chắc chắn phải vào cuộc… Không thể tưởng tượng được một đất nước đang rất cần tàu sắt bảo vệ lãnh hải, lại để xảy ra chuyện làm bậy. Chưa kể, ở đây có cả Cty TNHH MTV Nam Triệu là của Bộ Công an”- ông Lăng nói.
Lãnh đạo Hội nghề cá cũng cho rằng, cơ quan đăng kiểm tàu cá có trách nhiệm rất nặng trong vụ việc trên, vì đây là cơ quan đại diện cho nhà nước “gác” về an toàn kỹ thuật và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật cho tàu cá.
Theo ông Lăng, Nghị định 67 yêu cầu phải lắp máy thủy mới 100%, nhưng tại sao ở đây lại có chuyện hộp số của Trung Quốc được lắp vào. Tất cả những lỗi đó, nếu không có đăng kiểm thông qua thì không thể vào được, từ thép đóng tàu, đến máy...
“Câu hỏi đặt ra là, vì sao đăng kiểm lại để lọt như thế? Liệu đăng kiểm có sự thông đồng với các cơ sở đóng tàu và cơ quan liên quan để cấp chứng nhận nghiệm thu không”- ông Lăng đặt vấn đề.
“Chúng tôi chịu trách nhiệm đến cùng với ngư dân”
Trao đổi qua điện thoại, đại tá Đặng Ngọc Oanh, Giám đốc Công TNHH MTV Nam Triệu (Bộ Công an), cho biết sau khi có một số tàu cá vỏ sắt do công ty này đóng gặp sự cố, doanh nghiệp này đã thỏa thuận về việc hỗ trợ và ngư dân đồng ý với các thỏa thuận này.
Theo ông Oanh, khi tàu gặp sự cố phải nằm bờ, doanh nghiệp này đã hỗ trợ cho ngư dân trong những ngày tàu không ra khơi từ 50 đến 100 triệu đồng. Còn máy tàu có sự cố nhầm lẫn khi cung cấp, hãng máy đã đồng ý thay máy mới đúng chủng loại cho ngư dân.
Ông Oanh cho biết thêm, với lô 10 tàu đóng đầu tiên của ngư dân Bình Định, việc bảo dưỡng bảo trì, giữa Công ty Nam Triệu cũng đã có sự thỏa thuận. Trong đó có chủ 7 tàu đồng ý nhận tiền của công ty để tự lên đà bảo dưỡng với số tiền 150-200 triệu đồng/tàu. Công ty đã chi số tiền 1,35 tỷ để ngư dân tự bảo dưỡng bảo trì. Còn 3 tàu mà ngư dân không nhận tiền thì doanh nghiệp này sẽ tiếp nhận để bảo trì theo đúng hợp đồng, có thể việc bảo trì 3 tàu này sẽ được doanh nghiệp này thực hiện tại Đà Nẵng.
Trả lời về việc dư luận cho rằng, doanh nghiệp đóng tàu phải chịu trách nhiệm đối với các tàu cá gặp sự cố, ông Oanh cho biết, hiện nay các cơ quan chức năng đang vào cuộc làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan. Theo ông Oanh, Công ty Nam Triệu đảm bảo sẽ thực hiện đúng những thỏa thuận như hợp đồng đã ký với ngư dân. “Chúng tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm đến cùng với ngư dân”-ông Oanh nói.
Đỗ Hoàng