Đây là một giải thích mới từ giới chức Ả rập Xê út về một vụ việc mà Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi là “ một trong những màn che đậy vụng về nhất lịch sử”. Hiện tại, quốc gia dầu mỏ lớn nhất thế giới này đang đứng trước sức ép quốc tế hoặc là tìm ra câu trả lời về việc thi thể nhà báo Khashoggi ở đâu và ai là người ra lệnh giết ông, hoặc là đón nhận các lệnh trừng phạt quốc tế.
Theo các nguồn tin, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ Gina Haspel đã tới Thổ Nhĩ Kỳ và nghe trực tiếp đoạn ghi âm về vụ giết hại ông Khashoggi và đã báo cáo chi tiết cho Tổng thống Donald Trump.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đãa thúc giục chính phủ Hoàng gia Ả-rập Xê út trả tự do cho con trai nhà báo Jamal Khashoggi là Salah Khashoggi và cho phép anh cùng gia đình rời khỏi đất nước. Ngày 25/10, Salah Khashoggi và gia đình được cho là đã tới Washington. Salah Khashoggi có hai quốc tịch Mỹ-Ả rập Xê út, vốn không thể rời Ả rập
Xê út vì hộ chiếu bị vô hiệu cách đây vài tháng.
Vụ sát hại nhà báo Khashoggi tại Lãnh sự quán Ả-rập Xê út ở Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 2/10 đã dấy lên nghi ngờ khả năng Thái tử Mohammed bin Salman liên quan tới vụ việc. Trong khi quốc tế đang đổ dồn con mắt nghi ngờ vào Thái tử Mohammed, Quốc vương Ả-rập Saudi Salman Bin Abdel Al Saud đã phải “ xông trận” để cứu đất nước này khỏi bị trừng phạt. Theo một số nguồn tin, Quốc vương cho biết, ông sẵn sàng phế truất Thái tử Mohammed nếu ông này đã ra lệnh giết nhà báo Khashoggi.
Trong một nỗ lực khác, theo CNN, Quốc vương Salman Bin Abdel Al Saud đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, để cập nhật thông tin về cuộc điều tra việc nhà báo Khashoggi bị sát hại. Quốc vương đảm bảo với ông Putin rằng, chính phủ Hoàng gia sẽ làm mọi cách để đưa những người liên quan ra ánh sáng và đảm bảo “họ sẽ bị trừng phạt”. Một số chuyên gia nhận định, hành động này của Quốc vương Salman được cho là đang cầu cứu Nga để tránh khỏi đòn trừng phạt từ Mỹ.