Nỗi đau xé lòng của các thân nhân người bị nạn. Ảnh: Nguyễn Tú |
Đã qua một đêm dài, nhưng 5 chiếc quan tài của những người phụ nữ xấu số vẫn nằm đó (một người chết tại bệnh viện nên gia đình đưa về nhà - PV)!
Sự thảng thốt, thất thần và nỗi đau nước mắt trên khuôn mặt những thân nhân của họ. Đó là nỗi đau mất mát không gì bù đắp nổi bởi những mẹ, vợ, chị… đã ra đi.
Ngày tang thương
Ngay sát lò gạch bị sập là 5 chiếc quan tài xếp song song, những tiếng nấc than không thành lời vì đã không còn đủ sức của người thân nạn nhân, khiến những người có mặt lòng đau quặn.
Bên trong lò gạch, nơi những người lao động nghèo thiệt mạng, những chiếc nón, dép, khăn, rổ sắt nằm vương vãi, bẹp dúm trong đống gạch đổ nát.
“Tội nó lắm chú à! Chồng thì bị tai nạn xe công nông hơn 1 năm nay không làm được việc gì, hai con thì còn quá nhỏ, mà con Thi nó đâu có khỏe khoắn gì cho đành, nó bị bệnh đau lưng từ lâu, thế nhưng vẫn nai lưng ra mà làm để kiếm tiền nuôi sống gia đình” - Chị Hoa, người hàng xóm của nạn nhân Nguyễn Thị Thi xót thương kể.
Đứng bên chiếc quan tài mẹ nhưng Cao Văn Thông - đứa con trai út 4 tuổi của chị Nguyễn Thị Lấn vẫn cười đùa như ngày thường! Em còn quá nhỏ để có thể biết nỗi đau. Từ nay 3 chị em Thông không có mẹ trên đời nữa!
Còn chị Nguyễn Thị Hân (chị gái nạn nhân Lấn), vật vã bên chiếc quan tài của em gái từ hôm qua đến giờ, khiến hai tròng mắt đỏ ngầu dường như đã cạn hết nước mắt ngẹn ngào trong tiếng nấc: “Cái Lấn hiền lành và chịu khó nhất nhà, hôm kia gặp tôi đi ngoài đồng về, khoe là đã mua được quần áo và sắm được ít đồ Tết cho gia đình rồi, thế mà giờ nó đã ra đi đau thương thế này…”.
Cả 6 nạn nhân tử nạn do sập lò gạch đều là phụ nữ, là trụ cột của những gia đình lao động nghèo. Người nhiều tuổi nhất sinh năm 1956, còn người trẻ nhất là Nguyễn Thị Mai, sinh năm 1978, mới lấy chồng cách đây vài năm nhưng cuộc sống gia đình cũng không khá giả gì.
Lò gạch đã bị đình chỉ nhưng vẫn khai thác
Công an kiểm tra hiện trường. |
Qua tìm hiểu của chúng tôi, lao động ở các lò gạch này (dỡ gạch, gánh ra khỏi lò; và chất gạch mộc vào lò cho mẻ mới) chủ yếu là phụ nữ, hầu hết là người dân của các thôn trong xã Châu Can.
Theo chị Lương Thị Dủng, ở xã Châu Can, cái nghề mà các chị thường gọi là “nghề đốt sức khỏe” này vẫn là kế sinh nhai cho các gia đình nghèo. Mỗi ngày làm cật lực từ 6 giờ 30 sáng đến 5 giờ 30 chiều, mỗi chị chỉ kiếm được từ 30 - 40 nghìn đồng.
Họ làm việc đều không có trang bị bảo hộ. Các chị em chỉ đội nón và bịt khăn cho đỡ bụi. Hàng ngày, có 22 người làm việc thường xuyên tại lò gạch. Khi xảy ra tai nạn sập lò, trong lò có 10 người (có 5 người chết tại chỗ, 1 người chết tại viện và 4 người bị thương nặng).
Theo ông Cao Văn Tùng - Trưởng CA xã Châu Can, chủ lò gạch bị sập là ông Nguyễn Văn Đủ (sinh 1972), ở thôn Kháng Thái, xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên. Còn người đứng ra thuê người lao động là ông Nguyễn Văn Thông.
Lò gạch rộng hơn 50m2 với tường cao 6,2m, dầy gần 1m, được khai thác từ năm 2002. Vị trí lò gạch xây dựng nằm sát sông Ngóc và giáp ranh giữa 2 xã Châu Can và Đông Nỗ, nên cả 2 xã này cùng cho thầu, (trong đó mỗi xã quản lý 3 năm).
“Lò gạch thực ra đã quá cũ nát, đã bị UBND huyện Phú Xuyên ra quyết định đình chỉ khai thác và yêu cầu phá dỡ. Tuy nhiên, do không xử lý kiên quyết nên chủ lò vẫn tận dụng khai thác. Và hậu quả đau lòng đã xảy ra” - Ông Tùng thừa nhận.
Có mặt tại hiện trường, ông Đào Việt Thanh, Thanh tra Sở Lao động Thương binh - Xã hội tỉnh Hà Tây cho biết: Hiện giờ chúng tôi chưa thể kết luận điều gì. Sáng 8/1, cơ quan điều tra (CA tỉnh Hà Tây) cũng đã có mặt tại hiện trường để tiến hành điều tra nguyên nhân của vụ sập lò gạch.