Tại cuộc họp, các thành viên trong Ủy ban đều nhấn mạnh rằng, sự cố sập 2 nhịp dẫn cầu Cần Thơ là thảm họa xây dựng cầu lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam.
Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân- Chủ tịch Ủy ban điều tra Nhà nước khẳng định quyết tâm phải nhanh chóng làm rõ nguyên nhân của sự cố, trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân liên quan; Đề xuất phương án khắc phục sự cố, đảm bảo tiến độ để dự án hoàn thành đúng thời điểm, đáp ứng niềm mong mỏi của đồng bào vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Theo ông Quân, Ủy ban Nhà nước điều tra về sự cố sẽ làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Các kết luận của Ủy ban được đưa ra trên cơ sở thảo luận và sự đồng thuận của đa số thành viên.
Ủy ban đánh giá sự cố dựa trên các căn cứ, kết luận của Tổ chức tư vấn thực hiện công tác điều tra sự cố, ý kiến phản biện của Tổ chuyên gia, báo cáo của chủ đầu tư và các bên có liên quan. Từ đó sẽ đưa ra kết luận cuối cùng về nguyên nhân sự cố sập cầu Cần Thơ.
Ông Quân đề nghị nhóm chuyên gia đi sâu vào nghiên cứu các vấn đề về thiết kế công trình; biện pháp thi công (trụ tạm, móng trụ tạm, sàn đạo, đà giáo); rà soát quá trình, trình tự tổ chức thi công (thông qua nhật ký công trình); lực lượng thi công và các quan hệ lao động trên công trường xây dựng cầu Cần Thơ (qua các bản hợp đồng thuê nhân công...).
Theo kế hoạch, Ủy ban điều tra sẽ có 5 phiên họp, phiên thứ 2 sẽ tổ chức ngày 12/10 ngay tại hiện trường. Sau 1 tháng Ủy ban sẽ có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Hiện, có nhiều cơ quan chức năng cùng vào cuộc điều tra, nhưng đầu mối chính vẫn là Ủy ban Nhà nước điều tra về sự cố sập 2 nhịp dẫn cầu Cần Thơ. Đa số các ủy viên đều cho rằng sẽ không điều tra cả cây cầu mà chỉ tập trung vào 2 nhịp cầu dẫn bị sập. |
Về nội dung điều tra, ông Quân cho rằng: Nguyên nhân của vụ sập cầu xảy ra là do lỗi kỹ thuật, vì thế cần tập trung vào 3 yếu tố là: Sự tuân thủ quy định về quản lý chất lượng của chủ đầu tư; hồ sơ thiết kế và chất lượng thi công xây dựng. Dựa trên những căn cứ này, sẽ xác định trách nhiệm cụ thể của từng bên đến đâu.
Theo Thủ trưởng cơ quan CSĐT Bộ CA Thiếu tướng Phạm Quý Ngọ: Vụ án đã được khởi tố nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác điều tra. Đến nay, bước đầu đã tiến hành lấy lời khai của một số công nhân, giám sát và sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban để làm rõ nguyên nhân.
Ông Nguyễn Mạnh Kiểm, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cho rằng: Cần xem xét lại việc tổ chức lực lượng thi công vì nếu lao động không có hợp đồng, chưa qua đào tạo, tay nghề kém thì đương nhiên ảnh hưởng đến chất lượng và sự an toàn của công trình.
Về quản lý Nhà nước, nhiều ý kiến cho rằng qua vụ việc này cần phải sửa đổi các quy định pháp luật nhằm hạn chế những sự việc tương tự có thể xảy ra. Thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức nêu ý kiến: Nhiều khả năng sẽ phải tổ chức khoan lại địa chất đối chứng.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Xây dựng, Chủ tịch Ủy ban Nhà nước điều tra cấp về sự cố cầu Cần Thơ Nguyễn Hồng Quân nói: Trách nhiệm chủ yếu nằm ở 3 chủ thể là Chủ đầu tư, Tư vấn và Nhà thầu.
Vấn đề là tìm rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân đến đâu. Về việc phía Nhật Bản cử đoàn cán bộ điều tra độc lập sang Việt Nam theo ông Quân là: “Nếu kết quả điều tra của hai bên trùng nhau thì không có gì phải bàn. Trường hợp 2 kết quả khác nhau, Ủy ban và đoàn điều tra Nhật Bản sẽ cùng ngồi với nhau để bàn bạc thỏa đáng”.