Vụ sập cầu: Người bị nạn sẽ được hưởng chế độ, chính sách gì?

Vụ sập cầu: Người bị nạn sẽ được hưởng chế độ, chính sách gì?
TP - Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao xây dựng chế độ, chính sách đối với những người bị nạn trong vụ sập hai nhịp dẫn cầu Cần Thơ. Vậy chế độ chính sách cụ thể cho NLĐ bị thương và bị chết như thế nào?

Chúng tôi đã tìm hiểu qua ông Phạm Đỗ Nhật Tân - Vụ trưởng Vụ BHXH và bà Đoàn Minh Hòa - Cục trưởng Cục An toàn Lao động, đều thuộc Bộ LĐ-TB&XH.

Vụ sập cầu: Người bị nạn sẽ được hưởng chế độ, chính sách gì? ảnh 1
Hiện trường vụ sập hai nhịp cầu Cần Thơ vẫn còn ngổn ngang  Ảnh: Sáu Nghệ

Về chế độ BHXH đối với những người lao động (NLĐ) thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật BHXH, ông Phạm Đỗ Nhật Tân - Vụ trưởng Vụ BHXH cho biết: Trong vụ tai nạn sập hai nhịp dẫn cầu Cần Thơ, có hai loại đối tượng: Thứ nhất là NLĐ chỉ ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) dưới 3 tháng.

Đối tượng này không nằm trong đối tượng Luật BHXH điều chỉnh (có chính sách, chế độ khác theo quy định của pháp luật). Thứ hai, đối tượng đã được ký HĐLĐ từ 3 tháng trở lên, đây là đối tượng được Luật BHXH điều chỉnh.

Đối tượng chỉ ký hợp đồng dưới 3 tháng là đã có các cam kết, thỏa thuận với người sử dụng lao động (SDLĐ) về công việc phải làm được chia ra hai trường hợp: NLĐ chỉ bị tai nạn và NLĐ bị chết.

Với NLĐ bị tai nạn, Điều 107, Luật Lao động (LĐ) quy định: Người tàn tật do bị tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN) được giám định y khoa để xếp hạng thương tật, xác định  mức độ suy giảm khả năng lao động và được phục hồi chức năng lao động; nếu còn tiếp tục làm việc, thì được sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa.

Người SDLĐ phải chịu toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị xong cho người bị TNLĐ hoặc bệnh nghề nghiệp. NLĐ được hưởng chế độ BHXH về TNLĐ, BNN. Nếu doanh nghiệp chưa tham gia loại hình BHXH bắt buộc, thì người SDLĐ phải trả cho NLĐ một khoản tiền ngang với mức quy định trong Điều lệ BHXH.

Người SDLĐ có trách nhiệm bồi thường ít nhất bằng 30 tháng lương và phụ cấp lương (nếu có) cho NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người chết do TNNN, BNN mà không do lỗi của NLĐ.

Như vậy, với quy định trên, qua tin tức trên các phương tiện thông tin đại chúng, đối với vụ sập hai nhịp dẫn cầu Cần Thơ có thể có nhiều nguyên nhân, nhưng về tổng thể, hoàn toàn không phải lỗi của NLĐ. Vì thế, người SDLĐ phải có trách nhiệm đối với NLĐ theo các quy định ở trên. 

Đối tượng đã ký hợp đồng lao động 3 tháng trở lên là đối tượng được Luật BHXH điều chỉnh. Có nghĩa là người SDLĐ phải có trách nhiệm đóng bảo hiểm cho NLĐ để họ được hưởng các quyền lợi theo quy định của pháp luật về bảo hiểm.

Trong vụ tai nạn tại Cần Thơ, NLĐ sẽ được hưởng các quyền lợi về TNLĐ và BNN. Trước hết, đối với NLĐ bị tai nạn, được hưởng các chế độ giống như đối tượng có thời hạn hợp đồng lao động dưới 3 tháng. Tức là, toàn bộ chi phí từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị xong, người SDLĐ phải có trách nhiệm chi trả.

Trong thời gian điều trị, người SDLĐ cũng phải trả lương và trợ cấp (nếu có) cho NLĐ. Sau khi điều trị xong, NLĐ được giám định thương tật. Tùy mức độ giám định tỷ lệ thương tật của NLĐ, cơ quan BHXH sẽ có trách nhiệm chi trả dựa vào tỷ lệ thương tật của NLĐ.

Căn cứ theo tỷ lệ thương tật thì có hai loại trợ cấp: Thứ nhất, trợ cấp một lần, tức là khi NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% (theo Điều 42 Luật BHXH).

Thứ hai, trợ cấp hằng tháng, tức là mức suy giảm khả năng lao động của NLĐ từ 31% trở lên (theo Điều 43 của Luật BHXH). Còn thời điểm hưởng chế độ BHXH (được quy định tại Điều 44 của Luật BHXH), tức là tính bắt đầu từ tháng khi NLĐ điều trị xong, xuất viện.

Ngoài ra, trường hợp NLĐ bị tai nạn gây tổn thương các chức năng hoạt động của cơ thể thì được cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình theo điều 45 của nghiêng đậm Luật BHXH.

Vụ sập cầu: Người bị nạn sẽ được hưởng chế độ, chính sách gì? ảnh 2

Ông Phạm Đỗ Nhật Tân. Ảnh: Phạm Yên

Đối với NLĐ không may bị chết có các chế độ: Thứ nhất, được trợ cấp một lần (quy định tại Điều 47 Luật BHXH). Cụ thể, NLĐ đang làm việc bị chết do TNLĐ, BNN hoặc bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do TNLĐ, BNN thì thân nhân được hưởng trợ cấp khoản thứ nhất là trợ cấp một lần bằng 36 tháng lương tối thiểu chung.

Được hưởng khoản thứ hai là trợ cấp mai táng với 10 tháng lương tối thiểu (quy định tại điều 63 Luật BHXH). Khoản thứ ba là được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng.

Thân nhân NLĐ được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng gồm: Con chưa đủ 15 tuổi; con chưa đủ 18 tháng nếu còn đi học; con từ đủ 15 tuổi trở lên nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên. Vợ từ đủ 55 tuổi trở lên hoặc chồng từ đủ 60 tuổi trở lên; vợ dưới 55 tuổi, chồng dưới 60 tuổi nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

Cha đẻ, mẹ đẻ, cha vợ hoặc chồng, mẹ vợ hoặc mẹ chồng, người khác mà đối tượng này có trách nhiệm nuôi dưỡng nếu từ đủ 60 tuổi trở lên đối với nam, từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ.

Cha đẻ, mẹ đẻ, cha vợ hoặc cha chồng, mẹ vợ hoặc mẹ chồng, người khác mà đối tượng này có trách nhiệm nuôi dưỡng nếu dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

Theo quy định, tối đa thân nhân NLĐ bị chết chỉ được nhận 4 suất. Mức trợ cấp tuất hằng tháng mỗi một thân nhân sẽ được hưởng bằng 50% mức lương tối thiểu chung.

Trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương tối thiểu chung. Thời điểm hưởng trợ cấp tuất hằng tháng được thực hiện kể từ tháng liền kề sau tháng mà NLĐ, người hưởng lương hưu, trợ cấp TNLĐ, BNN chết.

Trường hợp khác, nếu vợ chồng trẻ chưa có con, thân nhân đang trong tuổi lao động mà chồng bị chết thì sẽ được hưởng tiền tuất một lần (theo quy định tại Điều 67, Luật BHXH).

Cụ thể: mức trợ cấp một lần đối với thân nhân của NLĐ đang làm việc hoặc NLĐ đang bảo lưu thời gian đóng BHXH được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH (Ví dụ: NLĐ đã đóng BHXH 2 năm, thì lấy 1,5 nhân hai lên sẽ được 3 tháng lương bình quân). Mức thấp nhất NLĐ nhận được bao giờ cũng bằng 3 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công.

Như vậy, trong vụ sập hai nhịp dẫn cầu Cần Thơ, tùy theo từng loại đối tượng, NLĐ sẽ được hưởng chế độ BHXH nhất định theo quy định như đã phân tích ở trên.

Về vấn đề bồi thường và trợ cấp đối với các nạn nhân trong vụ sập hai nhịp dẫn cầu Cần Thơ, bà Đoàn Minh Hòa - Cục trưởng Cục An toàn lao động cho biết:

Một NLĐ bị tai nạn được hưởng hai chế độ là BHXH và tiền bồi thường hoặc trợ cấp từ người SDLĐ. Song hành với việc NLĐ được hưởng chế độ BHXH như anh Tân (ông Phạm Đỗ Nhật Tân - Vụ trưởng Vụ BHXH - PV) đã phân tích ở trên, NLĐ được hưởng thêm chế độ bồi thường hoặc trợ cấp từ người SDLĐ.

Khi NLĐ bị TNLĐ mà do lỗi của chủ SDLĐ gây ra, chủ SDLĐ phải bồi thường; còn do lỗi của NLĐ thì chỉ được hưởng trợ cấp từ chủ SDLĐ. Mức bồi thường phụ thuộc vào tỷ lệ thương tật của NLĐ. Nếu tỷ lệ thương tật từ 81% đến tử vong thì mức bồi thường ở đây là ít nhất bằng 30 tháng tiền lương và phụ cấp (nếu có).

Tại sao lại nói bồi thường ít nhất 30 tháng tiền lương và phụ cấp? Bởi vì, đa số công nhân bị nạn trong vụ sập hai nhịp dẫn cầu Cần Thơ đều làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm. Trong vụ này, lỗi hoàn toàn do chủ SDLĐ nên tất cả NLĐ bị thương hoặc tử vong phải được hưởng chế độ bồi thường.

Thông tư số 10/2003 của Bộ LĐ-TB&XH quy định về hướng dẫn việc thực hiện chế độ bồi thường và trợ cấp đối với NLĐ bị TNLĐ, BNN quy định: Tiền lương làm căn cứ tính bồi thường hoặc trợ cấp là tiền lương theo hợp đồng lao động.

Trong trường hợp có hợp đồng lao động thì được tính bình quân trong 6 tháng liền kề gồm: lương cấp bậc, chức vụ, phụ cấp khu vực, phụ cấp chức vụ (nếu có). Trường hợp thời gian làm việc không đủ 6 tháng, thì lấy mức tiền lương của tháng liền kề hoặc tính lương theo hình thức trả lương tại thời điểm xảy ra TNLĐ.

Theo quy định hiện hành, mức bồi thường đối với NLĐ bị tai nạn chỉ ở mức ít nhất, còn tôi nghĩ rằng đối với những NLĐ bị nạn trong vụ sập hai nhịp dẫn cầu Cần Thơ chắc chắn sẽ được đền bù ở mức cao hơn. Bởi vì, đa số người bị nạn đều đang ở độ tuổi rất trẻ, họ bị nạn đã để lại khó khăn rất lớn cho gia đình.

Theo tôi về lâu dài, để giải quyết hậu quả các vụ tai nạn và trợ giúp cho thân nhân những người bị tai nạn, chúng ta cần phải nhanh chóng xây dựng Quỹ bồi thường TNLĐ. Điều này đã được Thủ tướng đồng ý tại Quyết định số 233/2006 khi xây dựng Chương trình quốc gia về bảo hiểm lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động đến năm 2010.

Phong Cầm ghi

MỚI - NÓNG