Vụ PCI hối lộ: Nghi vấn từ lời khai lại quả 2,6 triệu USD

Vụ PCI hối lộ: Nghi vấn từ lời khai lại quả 2,6 triệu USD
TP - Việc ông Sỹ có nhận hối lộ hay không đang bắt đầu được làm rõ. Tuy nhiên trên thực tế, PCI đã cùng với các đối tác trúng hai gói thầu tại dự án Đại lộ Đông Tây và dự án Cải thiện môi trường nước TPHCM với tổng giá trị khoảng 26 triệu USD.
Vụ PCI hối lộ: Nghi vấn từ lời khai lại quả 2,6 triệu USD ảnh 1
Thi công dự án Đại lộ Đông Tây

Sau đó liên danh PCI lại tiếp tục được chỉ định trúng gói thầu trị giá khoảng 295 tỷ!?

Khai trước Tòa án Tokyo, các cựu quan chức của Cty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (Pacific Consultants International - PCI) cho hay họ đã hối lộ cho ông Huỳnh Ngọc Sỹ,  nguyên GĐ Ban Quản lý dự án Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước TP Hồ Chí Minh (BQLDAĐLĐT) 820.000 USD để được trúng những gói thầu trong 2 dự án mà ông Sỹ làm giám đốc này.

Ba gói thầu và sự cố lớn

Theo BQLDAĐLĐT thì liên danh PCI trúng tất cả ba gói thầu, trong đó có gói thầu tư vấn 1 “Tư vấn thiết kế chi tiết Đại lộ Đông Tây và giám sát xây dựng cơ sở hạ tầng sáu khu tái định cư” trị giá 196 tỷ đồng và gói thầu tư vấn thiết kế dự án Cải thiện môi trường nước TPHCM - giai đoạn 1 trị giá 216,5 tỷ đồng đều đấu thầu công khai.

Riêng gói thầu tư vấn 2 “Tư vấn giám sát xây dựng Đại lộ Đông Tây”, trị giá tương đương 295 tỷ đồng được chỉ định thầu. Cả ba gói thầu trên đều đã được UBND TPHCM và Chính phủ phê duyệt nhưng nơi đóng vai trò chính xét thầu và đề xuất trúng thầu là BQLDAĐLĐT do ông Sỹ làm GĐ.

Được xem là hai công trình trọng điểm của TP, được TPHCM, Chính phủ dành nhiều ưu đãi nhưng hai dự án trên được xem là “điển hình” về tiến độ “rùa bò” và sự cố liên tục xảy ra. Cả hai dự án đều đã  được UBND TPHCM gửi văn bản xin Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho phép gia hạn Hiệp định vay vốn từ 4-5 năm và công trình nào cũng chậm tiến độ trên 3 năm!

Sự cố lớn nhất dính dáng đến PCI tại dự án Đại lộ Đông Tây là việc bốn đốt hầm Thủ Thiêm bị nứt. PCI là đơn vị trực tiếp tư vấn thiết kế chi tiết hạng mục hầm dìm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn nhưng sau khi đúc xong bốn đốt hầm đã phát hiện cả bốn đốt hầm đều bị nứt, kết cấu bê tông bị phá, khiến nước từ bên ngoài thấm qua thành bêtông dày hơn 1m.

TPHCM đã phải  tạm ứng 16 tỷ đồng từ ngân sách để khắc phục sự cố này. Sự cố trên đã khiến tiến độ thi công dìm các đốt hầm tại vị trí sông Sài Gòn vào tháng 11/2008 bị hoãn lại đến khi nào khắc phục xong các sự cố và dự kiến làm tiến độ bị chậm ít nhất 6 tháng.

Đầu tháng 9/2008, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Liên - Phó Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng đã có báo cáo gửi Thủ tướng,  phản ánh tình trạng đáng lo ngại về chất lượng của một số hạng mục thuộc dự án Đại lộ Đông - Tây.

Những sự cố nhỏ và sự trùng hợp

Một sự cố khác tuy không trực tiếp thuộc về PCI nhưng cũng thuộc hai dự án trên và được xem là hy hữu là việc hơn 2.600 cọc đóng sâu 41m bị nghiêng ở công trình xây dựng nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (dự án Cải thiện môi trường nước- PV) từ tháng 3 đến tháng 6/2006.

Liên danh các nhà thầu  N.E.S.JV - Nhật đã phải bỏ ra hàng chục tỷ đồng để khắc phục nhưng cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ của dự án và uy tín của các bên tham gia dự án này.

Nhưng “sự cố” mà hàng triệu người dân TPHCM luôn phải đối mặt và ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày là việc dự án Đại lộ Đông Tây và môi trường nước dựng lên gần 100 “lô cốt” khắp TPHCM gây kẹt xe, ngập úng kéo dài hàng năm nay. Cuối tháng 9/2008, Văn phòng UBND TPHCM cho biết quá trình thi công dự án Đại lộ Đông  Tây và Cải thiện môi trường nước là nguyên nhân chính ngập nhiều nơi tại TPHCM.

Ngày 30/6/2006, Thanh tra TPHCM đã công bố quyết định về việc thành lập đoàn thanh tra và kế hoạch thanh tra dự án Đại lộ Đông Tây trong vòng 45 ngày. Kết quả của đợt thanh tra này chưa cho thấy những sai phạm lớn và nhất là sai phạm nghiêm trọng kiểu như điều mà các cựu quan chức PCI tố cáo.

Tuy nhiên, tổng số tiền mà liên danh PCI trúng thầu 2 gói đầu tương đương 26 triệu USD, một sự trùng hợp có là ngẫu nhiên khi họ khai sẽ trích ra 10% là 2,6 triệu USD như các công tố viên Nhật Bản công bố tại phiên toà ngày 11/11/2008!?

Thực hư ra sao và ông Sỹ có “dính chàm” hay không thì các cơ quan chức năng sẽ làm rõ nhưng thực tế đã chứng minh cựu quan chức PCI khai họ hối lộ để trúng thầu và họ đã trúng đến 3 gói thầu, trong các gói thầu ấy đã xảy ra những sự cố không nhỏ.

Sáng 21/11, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã ký  quyết định phân công ông Lê Toàn, Phó Giám đốc Sở GTVT kiêm nhiệm chức vụ Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước TPHCM, thay cho ông Huỳnh Ngọc Sĩ vừa bị tạm đình chỉ công tác để các cơ quan chức năng làm rõ vụ việc nhận hối lộ của Cty Tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (P.C.I).

MỚI - NÓNG