Quy định không đến được...thầy cô?
TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, trong chương trình đổi mới giáo dục phổ thông chúng ta luôn nói giúp học sinh phát triển năng lực, phẩm chất. Tuy nhiên, phát triển phẩm chất, năng lực như thế nào còn phụ thuộc vào năng lực của học sinh chứ không phải thầy cô, nhà trường đưa ra mục tiêu cần đạt để ép buộc học sinh thực hiện. Giáo dục bằng quyền uy, sự ép buộc phải chấm dứt trong trường học.
“Trong sự việc nữ sinh lớp 10 uống thuốc tự tử vì cho rằng mình bị giáo viên phê bình, mắng mỏ, ép đi học thêm; nhà trường bêu tên trước cờ…chứng tỏ các văn bản quy định của cấp trên (cụ thể như Thông tư 32/2020 “cấm” phê bình học sinh trước lớp, trước trường) không đến được với trường này”, ông Lâm nói.
Ông Lâm cũng cho rằng, lâu nay khẩu hiệu của ngành giáo dục luôn hô: “Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm” nhưng đó mới chỉ là lời hô hào chưa trở thành hành động đối với thầy cô, cán bộ nhà trường. Trong trường học, muốn dân chủ trước hết học sinh phải được tôn trọng, hiểu được quyền học sinh. Trong giáo dục, thầy cô không phải đang ban ơn cho học sinh mà giáo dục giúp học sinh nhận thức đúng, sai. Thầy cô phải là người có nhận thức đúng để bảo vệ suy nghĩ đúng của học sinh. Nhà giáo phải có “ân” và “uy” cũng giống như nhà trường phải có “kỷ cương - tình thương”.
Vẫn duy trì lối giáo dục quyền uy, áp đặt
Sau sự việc này, GS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, thầy cô, nhà trường phải rút ra bài học xương máu là không cho phép dùng quyền uy, ép buộc để giáo dục học sinh. Học sinh ngày nay có nhận thức, chính kiến của riêng mình, khi bị áp đặt, bêu xấu… sẽ dẫn đến hậu quả không lường được.
Ngay trong sự việc này, rất may học sinh được cứu sống nếu điều không may xảy ra, một mạng người đâu phải chuyện nhỏ. Do đó, trong thời điểm này, giáo viên chủ nhiệm phải xin lỗi học sinh. Nhà trường phê bình, nêu tên em trước toàn trường là sai quy định cũng phải xin lỗi để em giải tỏa được những bức xúc, giảm tổn thương. Trách nhiệm lớn nhất của thầy cô, nhà trường là phải giảm thiểu tổn thất đến học sinh của mình.
Lý giải về việc dù Bộ GD&ĐT đã có Thông tư quy định về việc kỷ luật tích cực, trong đó không phê bình học sinh trước lớp, trước trường tuy nhiên vẫn có những sự việc xảy ra, ông Lâm cho rằng, điều này cái tôi thầy cô quá lớn, thói quen giáo dục áp đặt, quyền uy, không xuất phát từ tình thương. Ngoài ra, cũng có thể xuất phát từ quyền lợi nào đó của một số thầy cô, dẫn đến chuyện chèn ép, bắt bẻ lỗi của học sinh.
Trước đó, như Tiền phong đã đưa tin, ngày 30/11/2020, cô Huỳnh TTH, giáo viên chủ nhiệm lớp 10A4 phát hiện học sinh Y. ngất trong nhà vệ sinh. Sau khi nhập viện, gia đình báo học sinh uống thuốc tự tử, để lại thư tuyệt mệnh.
Sở GD&ĐT An Giang kiểm tra sự việc cho thấy: học sinh Y bị lãnh đạo trường nêu họ tên vi phạm nội quy trường dưới cờ, làm ảnh hưởng đến tâm lý học sinh và là nguyên nhân dẫn đến sự việc. Trường này cũng được xác minh là dạy thêm không đúng quy định của ngành, đó là tiến hành dạy đại trà với tất cả học sinh chính khoá. Sở đã đình chỉ ông Nguyễn Việt Hùm, Hiệu trưởng và bà Nguyễn Ngọc Hạnh, Hiệu phó trong 15 ngày kể từ ngày 7/12 để tiếp tục làm rõ sự việc.