Học sinh tự tử vì áp lực học: Chết trong kỳ vọng

TP - Cái chết của một học sinh lớp 10 trường Nguyễn Khuyến (TP Hồ Chí Minh) bằng việc gieo mình từ tầng cao, hồi tuần qua thêm một lần khiến cả xã hội bàng hoàng và đớn đau. Đây không phải lần đầu tiên học sinh tự tử vì áp lực quá lớn về thành tích học tập. Danh sách về những vụ tự tử tương tự dù kéo dài bao nhiêu vẫn chỉ là phần nổi của tảng băng về sự bế tắc của học sinh trước những áp lực về học tập.

Nhưng các em chết đâu chỉ vì áp lực học tập. Nhìn rộng ra và sâu hơn, những cái chết thương tâm ấy đến từ căn bệnh thành tích của cả xã hội cộng với lòng tham, sự ích kỷ và vô cảm của người lớn.

Sự kỳ vọng của cha mẹ vào thành tích cao nhất trong học tập của con sẽ là chính đáng khi điều đó phù hợp với khả năng và sở nguyện của con, và trên hành trình chinh phục đỉnh cao của con luôn có sự chia sẻ, đồng hành của cha mẹ. Nhưng kỳ vọng sẽ trở thành sự tham lam, độc ác với con trẻ khi cha mẹ tạo áp lực quá lớn, vượt xa khả năng của con cái.

Trong khi cha mẹ luôn lấy muôn vàn lý do để khoán trắng cho nhà trường. Họ đã “nhốt” con em của mình trong những trường học với môi trường ganh đua đầy khắc nghiệt và không đoái hoài đến những khó khăn của con trẻ trong giai đoạn tâm sinh lý đang có nhiều biến đổi, thậm chí rối loạn.

Trong khi đó, vì thành tích hoặc/và vì lợi nhuận, nhà trường đã đẩy áp lực học tập lên mức quá ngưỡng đối với học sinh của mình. Nhiều nơi trường học được xem như lò luyện và các thầy cô giáo được thuê để làm nhiệm vụ nhồi nhét kiến thức hơn là dạy cho học sinh phát triển hài hòa trí tuệ, thể chất và các kỹ năng sống.

Học! Học! Học! là mệnh lệnh học sinh phải tuân thủ, nhất là trong các trường nội trú. Các hoạt động thể thao, văn nghệ hoặc giao lưu, học hỏi từ thế giới bên ngoài dường như không có, hoặc có nhưng không đủ giúp học sinh giữ được trạng thái cân bằng. Với những môi trường học như vậy, học sinh không trầm cảm, bế tắc mới là chuyện lạ.

Trong thư tuyệt mệnh, một nữ sinh ở trường PTTH Đồng Xoài (Bình phước) đã gào thét trong sự tuyệt vọng: “Tương lai sau này của con cũng không còn nữa, con xin lỗi bố mẹ. Không, không, con không thể chịu nổi nữa rồi... Tương lai con mù mịt, suy nghĩ con mù mịt, con đường con đi cũng mù mịt, mọi thứ xung quanh con mù mịt... Hết rồi, tất cả kết thúc rồi”. 

Tiếng kêu gào là sự im lặng của cái chết. Nhưng đó không phải là dấu chấm hết. Đó là sự khởi đầu của nỗi đau cho gia đình và xã hội. Là quá khứ, hiện tại và có thể là cả tương lai bế tắc của nền giáo dục. Là sự quẫn bách của bao thế hệ trẻ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Để phát triển và “sánh vai với cường quốc năm châu”, đất nước không thể không hình thành xã hội học tập, trong đó có những con người học tập và rèn luyện nghiêm khắc theo năng lực và nguyện vọng cá nhân.

Tuy nhiên, chúng ta, từ cơ quan quản lý đến cơ sở giáo dục và gia đình, không thật sự đồng hành để tạo ra một xã hội học tập đúng nghĩa như mong muốn, mà bằng cách nào đó đã bắt tay tạo ra một xã hội chạy theo thành tích và biến con trẻ thành nạn nhân. Những kết quả con em đạt được chủ yếu nhằm thỏa mãn sự ích kỷ của cha mẹ, thầy cô và nhà trường hơn là vì tương lai của chính con trẻ.

Còn quá non nớt, các em đã phải gánh vác những căn bệnh thành tích, lòng tham và sự ích kỷ của xã hội. Điều đó đã dẫn đến nhưng bị kịch đau thương và tất yếu: Chết trong kỳ vọng!

MỚI - NÓNG