>> Vụ ngư dân bị giữ: Nếu kéo dài, thuyền trưởng sẽ gặp nguy
PGS-TS Vượng cho biết: Về khía cạnh công pháp quốc tế, một số ngư dân Việt Nam ký vào cái gọi là biên bản nộp phạt của phía bắt giữ trong hoàn cảnh bị giam giữ như thế là bị ép buộc.
Những văn bản đó xâm hại đến chủ quyền của Việt Nam. Biên bản ấy không có giá trị pháp lý vì nó được lập ra theo những thủ tục không bình thường. Không ai có thể viện dẫn, căn cứ vào đó để nâng tầm, rồi xâm hại đến chủ quyền của Việt Nam.
Chúng ta phải lưu ý với những chuỗi hành động này. Không loại trừ khả năng trước công lý quốc tế, họ sẽ dùng văn bản này làm chứng cứ để tranh chấp chủ quyền với Việt Nam.
Phải cảnh giác với hình thức thu thập chứng cứ không bình thường này. Theo pháp luật, những tài liệu được ngụy tạo, thu thập bất hợp pháp không thể được coi là chứng cứ.
Tôi đồng ý với nhiều ý kiến trên Tiền Phong mấy ngày qua rằng, chúng ta kiên quyết không nộp phạt một cách vô lý như vậy mà đấu tranh qua con đường ngoại giao để phía bắt giữ trả ngay tàu và ngư dân của chúng ta. Không thể để tình trạng coi đây là tiền lệ rồi tiếp tục cản trở ngư dân Việt Nam đánh bắt hải sản trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
PGS.TS Đinh Ngọc Vượng, hiện là Phó Viện trưởng Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam. Ông từng công tác tại Viện Nhà nước và Pháp luật, có trên 30 năm nghiên cứu về công pháp quốc tế, nay vẫn tiếp tục giảng dạy nghiên cứu sinh và cao học chuyên ngành công pháp quốc tế. |
Xin ông nói rõ hơn về quyền chủ quyền của Việt Nam theo Công ước 1982 của Liên Hợp Quốc về luật biển trong trường hợp này?
Gắn với quần đảo Hoàng Sa của chúng ta có những vùng biển kế cận mà, theo Công ước này, có khu vực biển thuộc chủ quyền tuyệt đối của Việt Nam và có khu vực thuộc quyền chủ quyền.
Cụ thể, vùng biển nằm giữa bờ biển và đường cơ sở được coi là nội thủy (chủ quyền tuyệt đối), còn khu vực nằm ngoài đường cơ sở thì người ta gọi là vùng lãnh hải. Tiếp giáp vùng lãnh hải là vùng đặc quyền kinh tế.
Như vậy việc ngư dân của chúng ta ra đánh cá ở khu vực vừa rồi trên thực tế thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam. Trong vùng biển này, chúng ta là người duy nhất có quyền khai thác tiềm năng sinh vật biển. Đó là quyền bất khả xâm phạm.