Buster Crabb là một người nhái nổi tiếng của Anh thời Chiến tranh Lạnh. Người nhái này được cử đi do thám tàu tuần dương của Liên Xô ở cảng Portsmouth và đột ngột biến mất. Đến nay, số phận của Buster Crabb vẫn là một trong những bí ẩn lớn nhất thời Chiến tranh Lạnh, kể cả khi tài liệu mới được giải mật của Anh cho rằng người nhái đã bị Liên Xô bắt.
Ngày 9/6/1957, viên cảnh sát Ronald Williams vội vã gọi điện khẩn cấp cho cảng Chichester. Mấy người ngư dân vừa phát hiện một xác người nhái dạt vào bờ gần đảo Pilsey. Bản thân sự kiện không có gì bất thường. Thi thể của các thủy thủ chết đuối thường dạt vào bờ biển phía nam của nước Anh. Điều bất thường là thi thể không có đầu và hai tay, mặc một bộ đồ lặn và thi thể có các vết rỉ sét quanh cả hai mắt cá chân như thể nạn nhân đã bị xích dưới nước.
Crabb biến mất bí ẩn.
Với công nghệ thời đó, việc xác định nhận dạng của thi thể là điều gần như không thể. Sự kiện này khiến người ta ngay lập tức liên hệ tới một sự kiện cách đó 14 tháng. Khi đó, một cựu thợ lặn Hải quân Hoàng gia Anh tên là Lionel Crabb có biệt danh là Buster đã biến mất ngoài khơi Portsmouth. Vợ cũ và bạn gái của Crabb đều được đề nghị nhận diện thi thể nhưng không ai chắc chắn đó là thi thể của ông. Một đồng nghiệp là Sydney Knowles cho biết thi thể có một vết sẹo trên đầu gối trái, giống như Crabb. Tuy nhiên, cũng có những điểm không thống nhất. Lông trên thi thể không đầu có màu đen, trong khi lông của Crabb là màu nâu xám. Vợ cũ của Crabb cũng lưu ý rằng kích thước chân của cái xác không giống với Crabb. Dù vậy, nhân viên điều tra vẫn cho rằng đó chính là thi thể của Linel Crabb.
Sau khi kết luận nhận dạng vội vàng, thi thể được trao cho mẹ của Crabb. Ngày 5/7, thi thể được chôn tại nghĩa trang Milton ở Portsmouth. Tại thời điểm đó, nhiều người nghi ngờ cái xác không phải là của Crabb. Mẹ ông cũng không tin. 50 năm sau, sự hoài nghi này vẫn tồn tại. Liệu có phải Knowles biết rằng đó không phải là đồng nghiệp nhưng đã “được lệnh” phải nói rằng đó là thi thể của Crabb?
Vụ Crabb chìm vào quên lãng cho đến tháng 10/2015, khi đó Văn phòng Nội các đã giải mật tài liệu, theo đó tiết lộ rằng các cơ quan an ninh Anh cho rằng Crabb có thể đã bị người Liên Xô bắt. Lo ngại lớn của chính phủ Anh cùng hai cơ quan tình báo MI5 và MI6 là Crabb có thể bị người Liên Xô coi như một phần thưởng để làm bẽ mặt Anh. Nếu vậy đây sẽ là bằng chứng cho giả thiết Crabb rơi vào tay người Liên Xô và thi thể dạt vào bờ nọ chỉ là giả.
Tàu tuần dương Ordzhonikidze.
Tài liệu của Văn phòng Nội các do Cơ quan lưu trữ quốc gia Anh công bố còn cho biết các quan chức Anh rối loạn, hoảng sợ sau khi Crabb biến mất và đã liên tục họp bàn với nhau. Tài liệu nói rõ: “Tại giai đoạn này, các giải thích có thể về sự biến mất của Crabb dường như là (a) Crabb đã bị người Liên Xô theo dõi và bắt sống rồi đưa ra nước ngoài; (b) Crabb đã bị Liên Xô tiêu diệt và xác của anh ta hoặc là ở trên một con tàu của Liên Xô hoặc là vẫn ở dưới nước; (c) Crabb chết vì các nguyên nhân tự nhiên và xác ông vẫn ở dưới nước”.
Tài liệu đánh giá rằng khả năng đầu tiên là ít xảy ra nhất vì rất khó có thể bắt sống một thợ lặn đưa lên tàu mà không gây ra ồn ào gì. Tuy nhiên, khả năng người Liên Xô có thi thể của Crabb được đánh giá là hoàn toàn có thể và vấn đề mà người Anh lo là Liên Xô sẽ sử dụng cái xác của Crabb vào mục đích làm bẽ mặt người Anh.
Anh sợ bị bẽ mặt vì đã cử người do thám tàu của Liên Xô. MI6 tuyển mộ Crabb để điều tra về tàu tuần dương Ordzhonikidze của Liên Xô đang đưa hai quan chức nước này là Nikita Khruschev và Nikolai Bulganin tới Anh trong một sứ mệnh ngoại giao. Điều đáng nói, đây là chuyến đi đầu tiên của lãnh đạo Liên Xô mới tới một nước phương Tây hàng đầu sau khi Stalin mất trước đó ba năm. Chuyến thăm được cho sẽ là một bước ngoặt trong Chiến tranh Lạnh. Thế nhưng với vụ Crabb, sự kiện lại biến thành một thảm họa PR đối với Anh chỉ vì coi đây là cơ hội để xem cái chân vịt của tàu Ordzhonikidze - một thiết kế mới nhất, nhanh nhất của Hải quân Liên Xô mà tình báo Hải quân Anh tò mò muốn kiểm tra.
Ngày 19/4/1856, Crabb lặn xuống cảng Portsmouth và biến mất. 10 ngày sau, báo chí Anh đưa tin về sự biến mất của Crabb trong khi thực hiện một nhiệm vụ dưới nước. MI6 loay hoay tìm cách che giấu vụ do thám này. Ngày 29/4, theo chỉ thị của Giám đốc Tình báo Hải quân, Bộ Hải quân đã thông báo rằng Crabb đã biến mất khi đang tham gia các cuộc thử nghiệm dụng cụ dưới nước bí mật ở vịnh Stokes trên một khu vực của biển Manche.
Lúc đó, Thủ tướng Anh Anthony Eden rõ ràng phản đối việc MI6 đã hoạt động do thám Liên Xô mà không được ông đồng ý. Tuy nhiên, ông Eden nói rằng việc tiết lộ tình huống Crabb biến mất không mang lại lợi ích chung.
Không chỉ muốn nhìn cái chân vịt của tàu Ordzhonikidze, tình báo Anh còn muốn đặt thiết bị nghe lén tại nơi ở của đoàn Liên Xô ở Claridges, trong ô tô chở đoàn và cung cấp cho đoàn các “phiên dịch viên” MI5. Thế nhưng phần lớn đề xuất đã bị Thủ tướng Eden bác vì sợ dính bê bối ngoại giao nếu bị vạch trần. Còn về việc thợ lặn Hải quân Anh kiểm tra tàu Ordzhonikidze dưới nước, ông Eden nói rằng không nên thực hiện hành động như vậy với tàu đến thăm Anh. Dù bị cấm nhưng các cơ quan tình báo Anh vẫn “lách” bằng cách thuê người nhái đã nghỉ hưu Crabb.
Tuy nhiên, người Liên Xô đã không làm om xòm lên mà hành động lịch sự, chỉ nói rằng thủy thủ đoàn Ordzhonikidze đã nhìn thấy một người nhái gần tàu ngày 19/4. Thực ra, người Liên Xô đã được báo trước về sứ mệnh của Crabb và biết rằng mục đích của họ không phải là làm hại con tàu.
Vụ bê bối vỡ lở gây không khí căng thẳng và bí ẩn số phận của Crabb khó giải thích đến mức tài liệu vừa được giải mật nói trên lúc đầu được giới chức Anh định để 100 năm sau mới công bố.