Hành trình đến tấm vé World cup U20:

Vũ khí ngoài đường biên của U19 Việt Nam

GĐKT Gede (giữa) và HLV thể lực Forkel (trái) trao đổi chuyên môn với HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn. Ảnh: VSI
GĐKT Gede (giữa) và HLV thể lực Forkel (trái) trao đổi chuyên môn với HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn. Ảnh: VSI
TP - Khi LĐBĐVN (VFF) công bố hợp đồng với Jurgen Gede và Martin Forkel, đã có khá nhiều ý kiến bày tỏ sự hoài nghi về tính hiệu quả của bộ đôi chuyên gia đến từ Đức. Những đánh giá về cả hai chỉ thay đổi sau những chuyển biến tích cực của đội tuyển U19 Việt Nam tại giải vô địch châu Á, đang diễn ra tại Bahrain.

Giới mộ điệu ngạc nhiên, trong khi nhiều chuyên gia cũng không khỏi băn khoăn. Rất nhiều người đã đặt câu hỏi vì lẽ gì đang trong giai đoạn hợp tác phát triển toàn diện với Nhật Bản, VFF lại chuyển hướng sang hai chuyên gia đến từ Đức, nền bóng đá vốn nặng về khoa học. Nhật Bản trong khi đó được biết nhiều trong việc hợp tác với Brazil để tạo nên những cầu thủ đậm chất kỹ thuật.

Hồ sơ của cả hai chuyên gia Đức cũng không thực sự “khủng” so với sự chờ đợi từ nhiều người. Sự nghiệp cầu thủ của chuyên gia Martin Forkel, 39 tuổi, cao nhất chỉ gắn với đội tuyển U20 của Đức, tham dự World cup 1999. Ông Forkel cũng từng thi đấu cho nhiều đội bóng Đức, nhưng đều không thực sự có tên tuổi, như Borussia Neunkirchen, Saarbruecken hay TuS Koblenz, Borrusia Fulda…Không CLB nào hiện chơi ở Bundesliga, giải đấu cao nhất cấp quốc nội của Đức. Sự nghiệp huấn luyện của ông Forkel cũng chỉ đội trẻ của Saarbruecken rồi đội U19 cũng của CLB này. Forkel là một gương mặt mới hoàn toàn, ngay cả với giới truyền thông Việt.

Jurgen Gede trái lại, được biết tới khá nhiều khi từng là ứng viên chiếc ghế HLV trưởng đội tuyển Việt Nam. Năm 2007, ông Gede đã tiến rất gần tới một thoả thuận với VFF, nhưng thương vụ rốt cuộc bị vỡ vì  nhiều lý do khác nhau. Đến năm 2011, đôi bên một lần nữa lỡ duyên do ông Gede vướng công việc tại CLB Esteghlal (Iran). So với đồng nghiệp đến từ Đức, hồ sơ của ông Gede ấn tượng hơn. Gede đã có bằng HLV cao cấp do UEFA cấp năm 1990, từng giúp Uzbekistan vô địch giải U20 châu Á 2003, đưa ĐTQG của nước này vào vòng loại cuối World cup 2006. Ngoài Esteghlal, Gede từng làm trợ lý cho HLV Berti Vogts ở đội tuyển Azerbaijan năm 2008, HLV trưởng đội tuyển Olympic Iran, tiến tới làm GĐKT đội tuyển Iran năm 1998. Vị trí GĐKT do VFF đưa ra vì vậy không mấy lạ lẫm với ông Gede. Chuyên gia Forkel trong khi đó được giao đảm nhiệm công tác thể lực cho tuyển U16 và U19 Việt Nam.

Dù giữ ghế GĐKT nhưng trong thời gian vừa qua, VFF cho biết ông Gede theo sát tuyển U19 Việt Nam. Bộ đôi chuyên gia Đức đã hỗ trợ HLV Hoàng Anh Tuấn nâng cao thể lực cho các tuyển thủ U19. Một điểm khá thuận lợi là lứa U19 hiện nay, vốn được tập hợp từ nhiều đội bóng, có thể hình đặc biệt tốt so với các lứa trước. Đội hình chính của U19 Việt Nam gồm hầu hết các cầu thủ có chiều cao trên dưới 1m80. Cộng thêm sự hỗ trợ từ hai chuyên gia Đức, thể lực của U19 Việt Nam được đánh giá là đã cải thiện đáng kể, thể hiện qua phong độ sung mãn ở giải U19 châu Á. Dĩ nhiên, để vượt ngưỡng, các cầu thủ U19 Việt Nam cũng phải mệt nhoài với các bài tập của chuyên gia Đức.

Với riêng Jurgen Gede, ông còn được biết đến với vai trò hỗ trợ đắc lực cho HLV Hoàng Anh Tuấn trong việc nghiên cứu kỹ các đối thủ, lập chiến thuật cho từng trận đấu của U19 Việt Nam. Ở trận đấu với U19 Bahrain, ông Tuấn đã gây bất ngờ khi thực hiện một loạt điều chỉnh về nhân sự. Ví dụ như việc “cất” Đức Chinh ở ngoài và thay bằng Trần Thành trên hàng công. Trung vệ Trọng Đại được đẩy lên đá tiền vệ trung tâm, nhường vị trí ở hàng phòng ngự lại cho Tấn Tài. U19 Việt Nam tập trung mạnh cho khu vực trung tuyến, thay vì ngoài hai biên. Những điều chỉnh này đã phát huy hiệu quả khi U19 Việt Nam chơi một trận cực hay trước U19 Bahrain. Tất cả đều qua phân tích của chuyên gia Gede và HLV Hoàng Anh Tuấn, là U19 Bahrain đặc biệt mạnh trong các đường tấn công trung lộ, nhưng kém ở hành lang biên.

Sự băn khoăn của giới mộ điệu về việc dùng thầy Đức thay vì Nhật Bản như chiến lược hợp tác với LĐBĐ nước này cũng được VFF giải tỏa. Trên thực tế theo tìm hiểu của VFF, bóng đá Nhật Bản dù học hỏi nhiều từ Brazil, nhưng cũng sớm tiếp cận với khoa học hiện đại của bóng đá Đức. Sự phát triển của bóng đá Nhật Bản bắt nguồn từ kết hợp của khoa học bóng đá Đức, và một phần cảm hứng từ Brazil. Phần ngọn là Brazil, và nền tảng căn cơ là từ Đức.  

MỚI - NÓNG