UBND tỉnh Bình Định vừa quyết định xử lý vi phạm đối với với Công ty Delta Galil Việt Nam. Đồng thời có văn bản chỉ đạo UBND huyện Phù Cát phối hợp với Sở TN&MT kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường tại Cụm công nghiệp trên.
Nước tại kênh mương ô nhiễm sát bên hông trường THCS Cát Trinh (xã Cát Trinh, huyện Phù Cát). Ảnh: Tr.Định
Theo báo cáo của Sở TN&MT Bình Định, qua kiểm tra hiện trường ngày 13/9 ghi nhận Công ty TNHH Delta Galil Việt Nam phát sinh nước thải sinh hoạt và nước thải sản xuất với tổng lưu lượng 300m3/ngày đêm, được thu gom đưa về hệ thống xử lý nước thải tập trung của công ty và xử lý trước khi xả ra kênh Đồng Đế. Tuy nhiên kết quả phân tích nước thải sau xử lý của công ty này cho thấy chỉ tiêu BOD5 (200C) vượt 1,6 lần và chỉ tiêu COD vượt 1,19 lần so với giấy phép xả thải đã được cấp.
Đối với Công ty CP May Phù Cát phát sinh nước thải sinh hoạt với lưu lượng 29,7m3/ngày đêm được thu gom đưa về hệ thống xử lý nước thải của công ty, sau khi xử lý được đấu nối về hố thu gom chung của CCN và thải ra mương Đồng Đế. Kết quả phân tích các chỉ tiêu nước thải công ty này nằm trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, công ty này đến nay chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xả thải vào nguồn nước. Tương tự, Công ty TNHH In Na Nu phát sinh nước thải sinh hoạt và nước thải sản xuất với tổng lưu lượng 8m3/ngày đêm, nhưng cũng không có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước.
Trước đó, Tiền Phong phản ánh tình trạng học sinh trường THCS Cát Trinh phải đeo khẩu trang trong giờ học để nghe giảng, vì không chịu nổi mùi hôi và ô nhiễm do nước thải từ CCN Cát Trinh gây ra. Mùi hôi thối rất khó chịu như mùi thuốc trừ sâu, thuốc nhuộm vải, in…, theo gió cũng tấp vào nhà dân, đặc biệt vào những lúc trời nắng nóng, khiến người dân địa phương vô cùng bức xúc.
Qua tìm hiểu, CCN Cát Trinh có diện tích khoảng 16,7ha do Tổng Công ty CP May Nhà Bè làm chủ đầu tư. Đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chỉ xây dựng hệ thống thu gom nước thải tập trung và xả thải ra môi trường.