Vụ gửi con chữa bệnh, nhận về hũ tro cốt: Thêm một gia đình tại Huế tố giác

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Một gia đình tại Huế làm đơn tố giác việc con trai họ là cháu H.N.K.T (SN 2013) bị bạo hành gây thương tích trên nhiều bộ phận trên cơ thể, sau khi được gửi lên Lâm Đồng cho ông L.M.Q - người nhận chữa bệnh cho một trẻ em chậm phát triển khác, sau đó giao về cho gia đình bé hũ tro cốt gây xôn xao dư luận.

Ngày 19/9, thông tin từ gia đình chị C.K (trú tại TT-Huế) cho biết, gia đình chị vừa làm đơn tố giác việc con trai là cháu H.N.K.T (SN 2013) sau khi được gửi lên Lâm Đồng cho ông L.M.Q chữa bệnh chậm phát triển, cháu đã bị đánh đập, bạo hành gây sẹo, thương tích tại nhiều bộ phận trên cơ thể.

Vụ gửi con chữa bệnh, nhận về hũ tro cốt: Thêm một gia đình tại Huế tố giác ảnh 1

Thương tích trên cơ thể cháu T. nghi do bị bạo hành trong quá trình được ông L.M.Q nhận trị bệnh chậm phát triển. Ảnh gia đình cung cấp.

Ông L.M.Q (SN 1977 nguyên quán TP Huế, tạm trú tỉnh Lâm Đồng) chính là người đã nhận chữa bệnh chậm phát triển cho con trai ông N.H.N (SN 1977, trú tại TP Huế), nhưng sau đó gia đình ông N. bàng hoàng nhận về hũ tro cốt được cho là của con trai, khiến dư luận bàng hoàng những ngày gần đây.

Tố giác này chị K. gửi cho lực lượng chức năng thuộc Công an tỉnh Lâm Đồng, khi đơn vị ra Huế làm việc với gia đình chị để xác minh một số thông tin liên quan vụ gia đình anh N.H.N.

Vụ gửi con chữa bệnh, nhận về hũ tro cốt: Thêm một gia đình tại Huế tố giác ảnh 2

Ông L.M.Q (bìa phải) vừa bị một gia đình tố giác.

Theo chị C.K, sở dĩ sau một thời gian dài mới lên tiếng tố giác là do lo ngại vụ việc ảnh hưởng đến uy tín gia đình, cũng như gây tác động không tốt đến tâm lý cho con trai chị. Tuy nhiên, sau sự việc chấn động xảy ra đối với của cháu N.L.M.Q (con trai anh N.H.N), gia đình chị C.K quyết định lên tiếng để tìm lại công bằng cho con trai chị cũng như cháu M.Q.

Chị C.K cho biết, trước khi gửi con cho ông L.M.Q trị bệnh, chồng chị quen biết ông Q. qua việc chơi cây cảnh. Năm 2015, ông L.M.Q có về nhà chị K. chơi, lúc này con trai chị mới được 2,5 tuổi nhưng bị chậm nói, chỉ có thể phát âm từng câu. Thời điểm đó, ông L.M.Q nói với gia đình chị K. là cháu bị tự kỷ. Tuy nhiên, gia đình chị K. không tin, nên không giao con cho ông Q chữa bệnh.

Đến năm 2016, ông L.M.Q lại đến nhà chị C.K chơi và lại “phán” với gia đình, cháu H.N.K.T bị tự kỷ, chậm phát triển, nếu không điều trị trước 3 tuổi thì cháu có thể bị điên khùng, dẫn tới nguy cơ tự tử. Ông Q. thuyết phục gia đình chị C.K giao cháu H.N.K.T cho ông chữa trị; đồng thời, cam kết trong vòng 3 năm nếu cháu không khỏi thì sẽ hoàn trả lại toàn bộ chi phí chữa bệnh.

Ông L.M.Q còn cam kết với gia đình chị K, khi cháu T. được đưa lên Lâm Đồng chữa trị, ông sẽ thuê biệt thự có sân vườn rộng để cháu ở và điều trị.

Vụ gửi con chữa bệnh, nhận về hũ tro cốt: Thêm một gia đình tại Huế tố giác ảnh 3

Ngôi nhà cấp 4 nơi ông L.M.Q thuê trọ ở Lâm Đồng được "nổ" là cơ sở chữa bệnh mang tiêu chuẩn biệt thự. Ảnh GĐCC

Tin lời, gia đình chị C.K đồng ý giao con cho ông L.M.Q đưa lên Lâm Đồng chữa trị kể từ đầu năm 2017, với mức chi phí ban đầu là 50 triệu đồng/tháng. Đến năm 2018, ông Q nâng mức chi phí chữa trị lên 75 triệu đồng/tháng. Từ năm 2019 - 2022, số tiền chữa trị tăng lên 100 triệu đồng/tháng.

Tương tự trường hợp chữa trị cho con anh N.H.N, ông L.M.Q. cũng giấu địa chỉ cụ thể nơi cháu T được điều trị bệnh tại Lâm Đồng. Ông L.M.Q nêu lý do, nếu để gia đình biết và lên thăm con, cháu T. sẽ theo người thân về nhà dẫn đến ảnh hưởng kết quả của cả quá trình chữa bệnh. Ông Q. chỉ chuyển thông tin, hình ảnh cháu T. chữa bệnh tại Lâm Đồng bằng liên lạc điện thoại cho gia đình chị K.

Chị C.K cho biết, từ năm 2017 đến tháng 3/2022, gia đình chỉ được gặp con 2 lần. Trong đó, vào tháng 2/2018, gia đình xin đưa cháu T. về nhà ăn Tết trong thời gian 1 tuần và không phát hiện có dấu hiệu nào bất thường nào trên cơ thể.

Đến ngày 28/3/2022, ông L.M.Q. chở con trai chị K. ra Huế. Chuyến đi này, ông Q. cho biết có nhận chữa trị cho một đứa trẻ khác, cháu bị COVID-19 mất nên phải thiêu và đưa về cho gia đình tại Huế. “Khi nghe thông tin đó, tôi đến nhà bố mẹ của ông Q. ở đường Nguyễn Bính, TP Huế, để đón con về. Về đến nhà, tôi phát hiện trên cơ thể cháu có rất nhiều vết sẹo bất thường ở vùng đầu, mắt, môi, tai và chân tay. Tôi gặng hỏi thì cháu kể do bị thầy Q. đánh đập", chị C.K cho biết.

Sau đó, chị C.K đưa cháu T. đi khám tổng quát, chụp chiếu chẩn đoán hình ảnh cơ thể, qua đó phát hiện con trai từng bị gãy 2 ngón tay út và gãy chân. Khi chị K hỏi con, cháu bé nói bị gãy hai ngón tay là do bị thầy Q. dùng chày đánh. Riêng thương tích ở chân là do đạp xe rồi bị té nên gãy.

Chị K. bức xúc cho biết, chuyện cháu bé bị thương tích trong thời gian được nhận vào Lâm Đồng điều trị, ông Q. đều không thông tin cho gia đình biết. Đến nay, 2 ngón tay út của cháu T. bị thương tật không thể co duỗi như bình thường, gây khó khăn trong việc cầm bút viết khi học tập.

Trước đó, như tin đã đưa, ông N.H.N (ngụ tại Huế) đến Công an TP Huế gửi đơn tố cáo ông L.M.Q (SN 1977, thường trú tại đường Nguyễn Bính, TP Huế; tạm trú TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) về hành vi chữa bệnh gây chết người rồi tự ý thiêu thi thể con trai của mình.

MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.