Có người cho rằng, thanh tra gọi facebooker nọ lên làm việc là hành động cưỡng bức trí tưởng tượng, vốn được tự do của con người. Người khác lại có ý kiến, cổng trang trí đón chào xuân mới ai lại ví von với “underwear” của chị em, vô ý thức, kém văn hóa, bị gọi lên là đúng… Nhưng không ít người cũng công nhận họ có trường liên tưởng tương tự anh chàng bán sim nọ, khi nhìn chiếc cổng chào. Thậm chí ai đó khá môn giải phẫu sinh lí người còn hình dung ra… tử cung phụ nữ.
Lại nhớ vụ ném đá quyết liệt đài hoa ở bờ hồ Hoàn Kiếm hồi tháng 1 năm 2016. Người ta đua nhau hỏi: Hoa này hoa gì? Mỗi người luận ra một loại hoa, ngay cả người có trách nhiệm với vụ việc cũng lúng túng. Cuối cùng đám hoa trang trí ấy được tháo dỡ. Sự việc vì thế lắng xuống dần. Rồi vụ con rồng pikachu ở Hải Phòng hồi đầu tháng 1 năm 2017, người ta chê “rồng không ra rồng”, phũ như ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng gọi luôn rồng Hải Phòng là “con quỉ”…
Thực ra, trang trí phản tác dụng không phải mới diễn ra những năm gần đây. Có lẽ do trước đây mạng xã hội chưa phát triển, “thượng đế” còn ngại ngùng, e dè hơn bây giờ nên những thứ xanh, đỏ, tím, vàng… nghịch mắt chưa có dịp được đào xới. Những chuyện ồn ào liên quan đến trang trí nơi công cộng gần đây ít nhiều cũng là cảnh báo cho những đơn vị có quyền, có trách nhiệm làm đẹp phố phường mỗi khi tết đến, xuân về hay những sự kiện long trọng khác.
Một tin tức đáng lưu ý vừa qua ở lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm: Lần đầu tiên có sự bình chọn các sự kiện chưa tốt. Một nhân vật nằm trong tượng đài chiến thắng Bắc Kạn bị đổ, do một trẻ 12 tuổi đùa nghịch đã nhận “mâm xôi vàng”, xứng đáng là một sự kiện mỹ thuật hạn chế của năm 2017. Tại sao những công trình trang trí công cộng không có cuộc bình bầu, để sàng lọc? Ở một khía cạnh khác, theo các nhà nghiên cứu, nhìn ra cái gì còn là do nhận thức và văn hóa của người xem. Nhưng điều này phụ thuộc vào cả một quá trình giáo dục, truyền thông… chứ không nên áp dụng biện pháp có tính cưỡng chế, xem chừng phản tác dụng.