Vụ đề nghị rút di sản lễ giỗ bà Phi Yến: Bộ Văn hóa đề nghị Bà Rịa-Vũng Tàu điều chỉnh

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Xung quanh câu chuyện hội đồng Nguyễn Phúc tộc đề nghị rút lễ giỗ bà Phi Yến khỏi danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) có ý kiến.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương ký công văn số 2135/BVHTTDL-DSVH gửi UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về thư kiến nghị của Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam. Trong công văn, lãnh đạo Bộ nêu, ngày 5/5/2022, Bộ VHTTDL nhận được Thư kiến nghị thu hồi quyết định công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với “Lễ giỗ Bà Thứ phi Hoàng Phi Yến ở huyện Côn Đảo, Bà Rịa-Vũng Tàu” của Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia và các cơ quan liên quan xem xét, xử lý kiến nghị của Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam theo thẩm quyền và quy định pháp luật về di sản văn hóa; sau khi nghiên cứu, thống nhất với Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia và các cơ quan liên quan, Bộ VHTTDL chính thức có ý kiến bằng công văn.

Về thẩm quyền, trách nhiệm và quy trình kiểm kê, lập hồ sơ khoa học, công bố đưa di sản vào Danh mục di sản văn hóa quốc gia, khoản 5, Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa năm 2009 quy định: Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp tỉnh) tổ chức kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể ở địa phương và lựa chọn, lập hồ sơ khoa học để đề nghị Bộ trưởng Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bộ trưởng Bộ VHTTDL quyết định công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và cấp Giấy chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo quy định của Luật di sản văn hóa và Thông tư số 04/2010, từ năm 2012 đến nay, trên cơ sở đề xuất của địa phương, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã quyết định công bố đưa 431 di sản văn hoá phi vật thể vào Danh mục di sản văn hóa quốc gia theo 7 loại hình: tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội; lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống; tri thức dân gian.

Trong trường hợp di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia mà sau đó có cơ sở xác định không đủ tiêu chuẩn thì Bộ trưởng Bộ VHTTDL quyết định đưa ra khỏi Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bộ trưởng Bộ VHTTDL quy định chi tiết khoản 1 Điều này.

Tuy nhiên, đối với di sản “Lễ giỗ Bà Thứ phi Hoàng Phi Yến ở huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu”, sau khi được Bộ trưởng Bộ VHTTDL quyết định công bố đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Bộ VHTTDL nhận được thư của Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam kiến nghị thu hồi quyết định công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Vụ đề nghị rút di sản lễ giỗ bà Phi Yến: Bộ Văn hóa đề nghị Bà Rịa-Vũng Tàu điều chỉnh ảnh 1

Bộ Văn hóa đề nghị Bà Rịa-Vũng Tàu điều chỉnh tên gọi, hoàn thiện hồ sơ lễ giỗ bà Phi Yến.

Sau khi nghiên cứu nội dung kiến nghị của Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam, Bộ VHTTDL đã tổ chức khảo sát về di sản trong cộng đồng chủ thể di sản tại Côn Đảo, làm việc với các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan, gồm Sở VHTT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Hội đồng Thẩm định hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia để xem xét lại quy trình kiểm kê, lập hồ sơ khoa học và những nội dung liên quan đến kiến nghị của Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam.

Bộ VHTTDL đã chủ trì, phối hợp với Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia tổ chức Đoàn công tác làm việc với Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam tại tỉnh Thừa Thiên Huế về nội dung kiến nghị. Ngày 16/6/ 2022, Bộ VHTTDL tiếp tục phối hợp với Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Hội đồng Thẩm định hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể làm việc.

Từ kết quả làm việc, nghiên cứu hồ sơ, tư liệu liên quan, Bộ VHTTDL cho rằng: Di sản “Lễ giỗ Bà Thứ phi Hoàng Phi Yến”, với các tên gọi khác là: Lễ giỗ Bà, Lễ hội Bà Phi Yến (theo hồ sơ đề nghị của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) “có giá trị đáp ứng các tiêu chí của một di sản văn hóa phi vật thể để ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Việc ghi danh di sản nhằm ghi nhận những giá trị sáng tạo văn hóa tinh thần của cộng đồng chủ thể di sản tại Côn Đảo và khuyến khích, nâng cao ý thức trong việc thực hành, trao truyền di sản văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa của chính cộng đồng chủ thể”.

Đây còn là sự ghi nhận một lễ hội-thực hành tín ngưỡng của họ được pháp luật bảo hộ, hoàn toàn không mang ý nghĩa vinh danh hay công nhận một nhân vật lịch sử hoặc một sự kiện lịch sử. Tuy nhiên, việc UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề xuất di sản với tên gọi “Lễ giỗ Bà Thứ phi Hoàng Phi Yến tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu”, cùng một số chi tiết trong hồ sơ đề cập tới truyền thuyết Bà Phi Yến có thể gây ra hiểu nhầm về một nhân vật lịch sử, trong khi, với cộng đồng, di sản có các tên gọi: Lễ giỗ Bà, Giỗ Bà, Giỗ Bà Phi Yến, Giỗ Bà Hoàng Phi Yến...

Để đảm bảo nguyên tắc tôn trọng cộng đồng chủ thể của di sản, tránh gây hiểu nhầm về lịch sử, hoặc gây xung đột giữa các cộng đồng trong khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, Bộ VHTTDL đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, theo thẩm quyền, trách nhiệm được phân cấp của Luật di sản văn hóa, xem xét, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với cộng đồng chủ thể của di sản nghiên cứu, điều chỉnh tên gọi chính thức của di sản tại hồ sơ và các thành phần kèm theo cho phù hợp, tránh dùng tên gọi có thể gây ra hiểu nhầm về một nhân vật lịch sử như đã nêu trên.

Lãnh đạo Bộ cũng đề nghị nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể theo hướng làm sâu sắc hơn những giá trị cốt lõi, đặc trưng văn hóa, tín ngưỡng truyền thống của cư dân biển đảo, đồng thời, lược bỏ những yếu tố mới, không xác thực về lịch sử trong hồ sơ. Quyết định công bố đưa di sản này vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia sẽ được Bộ trưởng Bộ VHTTDL xem xét, quyết định trên cơ sở ý kiến của Hội đồng Thẩm định hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sau khi nhận được đầy đủ hồ sơ khoa học di sản đã được chỉnh sửa, bổ sung theo quy định.

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.