Vụ “Dân nghèo sập bẫy cò ngân hàng”: Tang thương chưa dứt

Bà Truyền (trái) và bà Quý tại trụ sở Văn phòng đại diện của báo Tiền Phong tại Tây Nguyên.
Bà Truyền (trái) và bà Quý tại trụ sở Văn phòng đại diện của báo Tiền Phong tại Tây Nguyên.
TP - Ngày 3/5, thêm một nạn nhân trong vụ án “Dân nghèo sập bẫy cò ngân hàng” ở Đắk Lắk (Tiền Phong từng thông tin, cảnh báo) treo cổ tự sát.

Hậu họa khôn lường

Cả thôn 4 xã Hòa Thắng ngoại thành Buôn Ma Thuột nghe tin bà Trần Thị Liên tự tử, để lại lá đơn tuyệt mệnh mong cái chết của mình giúp các hộ dân khác “được nhờ” mà bàng hoàng, đau xót.

Bà Liên sinh năm 1973, là dì út của chị Đào Thị Phúc - vợ anh Nguyễn Hậu ở buôn Sang B, xã Ea H’Đing, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk. Tháng 8/2010 chị Đào Thị Phúc đã tự treo cổ bằng một đoạn dây điện chập ba trong chòi rẫy, để lại lá thư tuyệt mệnh với nỗi uất ức đã bị Nguyễn Thị Hoa (sinh năm 1971, trú tại TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), tức “cò Hoa” vay ké 90 triệu đồng của ngân hàng mà không trả, khiến chị “còn sống làm cả đời cũng không trả nổi món nợ vay của ngân hàng về món tiền mà bà Hoa đã lừa lấy mất. Còn kiện thì luật pháp mấy ai tin”. Gần 1 năm sau, anh Nguyễn Hậu cũng lao đầu xuống giếng tự sát, để lại lá thư nhờ họ tộc đôi bên cưu mang giùm 2 đứa con nhỏ, vì anh không đủ sức chịu đựng nỗi ám ảnh về cái chết oan khuất của vợ mình. Sau đó, 2 nạn nhân khác của “cò Hoa” là ông Đinh Thế Nghiêm và ông Hà Văn Đức cũng lần lượt đột quỵ gục chết, trong lúc đang xoay xở tìm cách trả nợ ngân hàng.

Khoảng 2h sáng 3/5, tỉnh giấc không thấy vợ mình là bà Liên, ông Phan Đình Chung hốt hoảng đi tìm, kêu gào khi phát hiện bà Liên treo cổ lủng lẳng trên cành bơ sau nhà. Con dâu của bà Liên chạy ra cắt đứt đoạn dây cột võng đỡ bà xuống, bà vẫn còn ho vài tiếng trước khi tắt thở.

Gia cảnh bi đát của ông Chung-bà Liên hỏi cả thôn 4 ai cũng biết. Cả gia đình tròn 10 người của ông Chung đang ở nhờ nhà của một cô cháu gái, vì căn nhà cũ của vợ chồng ông quá mục nát đã sập. Ông Chung là thợ xây, cùng 2 con trai phụ hồ là lao động chính, sống cùng mẹ ông tuổi gần 90 là người có công với Cách mạng, và cô em gái đang được nhận trợ cấp “nạn nhân chất độc da cam”. Còn vợ ông- bà Liên, từ ngày biết không đòi được món nợ bà Hoa vay ké đã lâm bệnh tâm thần, thường xuyên phải nhập viện điều trị. 

Vụ “Dân nghèo sập bẫy cò ngân hàng”: Tang thương chưa dứt ảnh 1 Lá thư tuyệt mệnh do bà Trần Thị Liên để lại trước khi chết.

Tiền “cò” lừa mất, dân nghèo lãnh đủ

Theo hồ sơ vụ án, cùng thực tế phóng viên tìm hiểu, cho thấy: Năm 2009 vợ chồng ông bà Chung-Liên đưa cho bà Hoa 2 bìa đỏ, 1 bìa thổ cư đứng tên ông Phan Đình Chung, 1 bìa thổ cư đứng tên bà Nguyễn Thị Hồng là mẹ của ông Chung. Với 2 lô đất liền khoảnh, mỗi lô bề ngang 6,5m, sâu 50m này, bà Hoa đã móc nối để cán bộ tín dụng Trần Dũng lập khống một “dự án kinh doanh nông sản cà phê” và một “dự án sửa chữa nhà ở”, để Phòng giao dịch Tân Lợi thuộc một ngân hàng tại Đắk Lắk duyệt cho vay 300 triệu đồng. Giấy vay tiền này chỉ có vợ chồng Chung- Liên ký, bà Hồng không biết.

Vợ chồng ông bà Chung- Liên kể lại: ngày nhận tiền, bà Hoa cùng  ông Chung ra ngân hàng. Bà Hoa bảo “Dượng cứ ký vô giấy nhận tiền rồi ra ghế ngồi chờ, chừng nào có tiền cháu sẽ gọi”. (Hoa xưng dượng cháu theo thói quen chứ không phải họ hàng). Nhưng lát sau bà Hoa ra bảo  ông Chung “Cháu đã nhận tiền rồi, về nhà cháu tính rồi cháu đưa cho”. Rốt cục, cả tháng sau Hoa mới chịu viết cho vợ chồng ông bà Chung- Liên 1 giấy  xác nhận đã “vay ké” lại hết 210 triệu đồng, trong khoản vay 300 triệu đó.

Tháng 10/2010 Nguyễn Thị Hoa bị khởi tố. Vụ án kéo dài trong nhiều năm. Bản án phúc thẩm lần thứ hai có hiệu lực pháp luật mới được ban hành trong tháng 4/2017. Theo đó, Tòa án các cấp xác định bị cáo Nguyễn Thị Hoa “lừa vay, và vay ké” bằng các hành vi và thủ đoạn tương tự, đã chiếm đoạt của 60 bị hại và ngân hàng tổng cộng hơn 33,2 tỷ đồng. Nguyễn Thị Hoa đã nhận án tù chung thân. 7 bị cáo là cán bộ ngân hàng và UBND xã Hòa Thắng cũng lãnh các mức án khác nhau.

Điều gây hoang mang dư luận hồi cuối vụ án này, là khoảng 20 tỉ đồng “nợ xấu” còn lại do bị án Nguyễn Thị Hoa đã vào tù, ngân hàng buộc các chủ hộ đã ký vào giấy nhận tiền, bất kể họ thực nhận hay bị bà Hoa lừa lấy hết, vẫn phải trả đủ cho ngân hàng cả nợ gốc lẫn lãi. Giữa tháng 4/2017, một nhóm cán bộ thi hành án 3 người lại tìm đến nhà bà Liên. Do bà Liên đi vắng, nhóm cán bộ nhờ hàng xóm bà Liên nhắn lại: Cả 2 lô đất và vợ chồng Chung-Liên đã thế chấp vay ngân hàng này, giá thị trường hiện chỉ hơn 200 triệu đồng. Trong khi nợ gốc 300 triệu cộng lãi từ đó tới nay đã gần 700 triệu đồng. Vợ chồng Chung- Liên còn mấy sào rẫy nữa, gom vô trả nốt, tự nguyện giao tài sản đi! Chiều cùng ngày, bà Liên phải ra làm việc với cơ quan Thi hành án. 

Bà Trần Thị Quý- chị gái của bà Liên kể, chiều đó đã chở bà Liên ra cơ quan Thi hành án. Nghe chị em bà Liên trình bày gia cảnh khốn cùng, một nữ cán bộ tên Dung mủi lòng, hướng dẫn làm đơn trình bày hoàn cảnh gia đình có công để xin trả dần nửa gói nợ. Bà Liên năn nỉ nửa gói còn lại cũng cho vợ chồng bà làm thuê trả dần, cán bộ lắc đầu. Bà Liên khóc “vậy thì tui chết cho xong”!

Cùng bà Quý đem lá thư tuyệt mệnh của bà Liên đến báo Tiền Phong, là bà Trần Thị Truyền, chị cả của bà Trần Thị Liên, người mấy năm nay ròng rã đi làm thuê, mỗi công nhận 150 nghìn đồng để nuôi 2 đứa cháu ngoại mồ côi, con của chị Đào Thị Phúc tại buôn Sang A xã Ea Hđinh huyện Cư Mgar. Bà Truyền như không còn nước mắt vì đã mất con gái và con rể, nay mất cả em ruột bởi vụ án oan nghiệt này.

“Dân nghèo sập bẫy cò ngân hàng” là loạt phóng sự điều tra dài kỳ của báo Tiền Phong đã được trao giải Báo chí Quốc gia năm 2010. Loạt bài này tường thuật và phân tích những điều bất cập của một vụ án đặc biệt phức tạp, với khối hồ sơ trên 8.000 bút lục, 115 người được triệu tập lấy lời khai. Bị cáo chính của vụ án là Nguyễn Thị Hoa, thường gọi là “cò Hoa”, sau khi bị khởi tố vẫn kịp mang bầu sinh con, giao con cho chồng nuôi rồi vào tù chấp hành án phạt chung thân.  

MỚI - NÓNG