Vụ dâm ô trẻ em ở Vũng Tàu: 'VKS thành phố nấn ná nhiều tháng'

Ông Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND Tối cao
Ông Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND Tối cao
TPO - “Tôi nói thật, vụ án dâm ô trẻ em ở Vũng Tàu, Viện kiểm sát thành phố Vũng Tàu nấn ná rất nhiều tháng không dám khởi tố, không dám phê chuẩn. Tôi phải trực tiếp nghe và quyết định phê chuẩn khởi tố thì lúc đó mới khởi tố", Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cho biết.

Quyết liệt ngăn chặn tội phạm xâm hại tình dục trẻ em

Sáng 7/11, tại phiên thảo luận của Quốc hội về báo cáo của các cơ quan tư pháp, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí đã dành nhiều thời gian phân tích về tình trạng xâm hại tình dục trẻ em. Theo ông Lê Minh Trí, tội phạm xâm hại tình dục thường thực hiện ở những nơi ít có người thấy. Chứng cứ, vật chất thường rất yếu, xét về tâm lý bình thường sợ oan sai là không dám khởi tố vụ án, bắt giam bị can. Nhưng việc này không nên tạo ra áp lực cho cán bộ điều tra cũng như là kiểm sát viên trong khi thực hiện vụ án này.

“Tôi nói thật, vụ án ở Vũng Tàu, Viện kiểm sát của thành phố Vũng Tàu nấn ná rất nhiều tháng không dám khởi tố, không dám phê chuẩn. Tôi phải trực tiếp nghe và quyết định phê chuẩn khởi tố thì lúc đó mới khởi tố. Cũng báo cáo với các đại biểu, ngày 17/11 phiên tòa sẽ được mở ra để xử tội dâm ô trẻ em đối với đối tượng này”, ông Lê Minh Trí dẫn chứng.

Về vụ án nghi hiếp dâm ở Cà Mau, theo ông Lê Minh Trí, dù hết sức bức xúc nhưng chứng cứ cũng có phần buộc và cũng có phần gỡ. Tuy nhiên chứng cứ yếu và trực tiếp là không ai thấy, kết quả giám định không kết luận được rõ ràng. Tới giờ này cơ quan điều tra đã khởi tố điều tra, Viện kiểm sát đã phê chuẩn, nhưng ý kiến còn khác nhau.

Cơ quan công an điều tra và Viện kiểm sát thống nhất là tội dâm ô, nhưng tòa đề nghị xử tội hiếp dâm trẻ em. Ngày 9/11 này sẽ có cuộc họp liên ngành, có đại diện của Viện kiểm sát tối cao và Tòa án tối cao tham dự để xem xét và có chủ trương định hướng trong việc đánh giá các chứng cứ và định hướng xét xử. Các cơ quan chức năng cũng quyết liệt trong việc xử lý các loại tội phạm gây bức xúc trong xã hội, đối tượng chúng ta cần bảo vệ.

Còn vụ án ở Thủ Đức, ông Trí cho biết tới giờ này về mặt chứng cứ chưa có cơ sở kết luận. “Mặc dù chúng ta chia sẻ với người mẹ rất bức xúc đối với việc xảy ra với con mình, nhưng chứng cứ hiện nay đang có chưa chứng minh được điều đó…Tới giờ này chưa có chứng cứ trực tiếp để xác định có truy tố được không, tức là khởi tố điều tra tội danh đối tượng nghi vấn”, ông Trí nói và khẳng định, các cơ quan chức năng vẫn quan tâm và tập trung quyết liệt đối với loại tội phạm này.

Oan sai để lại hậu quả nặng nề

Đối với vấn đề oan sai, vấn đề án tạm đình chỉ, ông Lê Minh Trí khẳng định, ngành kiểm sát coi đây là vấn đề hết sức quan trọng bởi vì hậu quả xảy ra không thể khắc phục được. “Nó không phải lợi ích vật chất, không phải vấn đề chúng ta dễ khắc phục mà vấn đề uy tín, danh dự không chỉ của cá nhân con người đó mà còn vấn đề dòng họ, quê hương, nên chỗ này chúng ta phải quyết liệt”, ông Trí nói.

Theo Viện trưởng VKSND Tối cao, năm 2016 có 70 trường hợp oan sai, năm 2017 phấn đấu còn 32 trường hợp. Đây là một nỗ lực lớn nhưng so với yêu cầu và bức xúc này chúng ta phải tiếp tục làm nữa. “Nếu sợ oan sai là không dám làm, nhẹ tay thì điều tra không ra, không đáp ứng yêu cầu cũng bức xúc. Nhưng làm mạnh là phải áp dụng các biện pháp mạnh”, ông Lê Minh Trí nói. 

Cũng theo ông Lê Minh Trí, có những vụ án rất bức xúc vì có liên quan đến hiếp dâm, giết người nhưng điều tra mãi vẫn không kết luận được, nhưng hết hạn nên đành phải ra quyết định đình chỉ.

 “Trong lòng vẫn áy náy bởi vì chứng cứ trực tiếp trước đây mình thu giữ và bảo quản không tốt, bây giờ không có chứng cứ trực tiếp, không kết luận được, phải chấp nhận đình chỉ đó. Nhưng nếu nói rằng oan thì chưa chắc đã oan đâu, nhưng chứng cứ chưa chứng minh được thì theo suy đoán là vô tội chúng ta phải chấp nhận”, ông Trí bộc bạch.

Viện trưởng VKSND Tối cao cũng nói: “Có những vụ việc “nghi như thế”  nhưng chứng cứ không tới cũng không kết được, bởi vì suy đoán là vô tội, trọng chứng hơn trọng cung, án tại hồ sơ mà hồ sơ thì chỉ có như vậy mà muốn xử thì đó là tâm lý, bức xúc của trong cuộc”.

Cơ quan tư pháp có tham nhũng hay không (?)

Đề cập đến câu hỏi đại biểu Quốc hội hỏi rằng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, thanh tra, kiểm toán, cơ quan tư pháp có tiêu cực, tham nhũng hay không, ông Lê Minh Trí cho rằng, chính kết quả hoạt động của cơ quan này sẽ trả lời điều đó. “Phải nói rằng có nhưng chúng ta cố gắng làm hết sức để kiểm soát, hạn chế, dẫn tới đảm bảo được nền tư pháp chúng ta ngày càng minh bạch, đáp ứng yêu cầu lớn nhất là lòng tin của nhân dân đối với ngành tư pháp”, ông Lê Minh Trí nói.

Trích báo cáo đầy đủ của Viện kiểm sát có nói về chức năng, nhiệm vụ kết quả công tác của cơ quan điều tra Viện kiểm sát trong năm 2017, ông Lê Minh Trí cho biết, trong thời gian qua, bằng việc chủ động trong việc thu thập các thông tin theo nghiệp vụ (80 tin), cơ quan đã thụ lý điều tra 43 vụ/ 42 bị can. Trong đó có 27 vụ, 32 bị can về tham nhũng chức vụ trong hoạt động tư pháp chiếm 62,8%.

Về hành vi phạm tội, ông Lê Minh Trí cho biết, chủ yếu ra quyết định trái pháp luật chiếm 16,8%, nhận hối lộ chiếm 14,2%, làm sai lệch hồ sơ vụ án chiếm 12,2%, không truy cứu trách nhiệm hình sự chiếm 12,2%, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ chiếm 0,96%, tham ô tài sản của cán bộ tư pháp chiếm 2,9%. Từ đó, ông Lê Minh Trí khẳng định, đây chính là công cụ để chúng ta kiểm soát đảm bảo sự trong sạch của các cơ quan tư pháp.

MỚI - NÓNG