Vụ đại công trường “sét tặc” lớn nhất Quảng Ninh: Có dấu hiệu xóa dấu vết

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ngay sau khi Tiền Phong phản ánh đại công trường “sét tặc” hoạt động ngày đêm tại thôn Quán Vuông, xã Bình Khê, thị xã Đông Triều (Quảng Ninh), các đối tượng đã nhanh chóng san lấp các vỉa đất sét và khơi thông dòng chảy con suối khiến toàn bộ hiện trường ngập trong nước.

Thị xã hoàn nguyên sai quy trình?

Ngày 8/1/2021, Tiền Phong đăng tải bài viết “Thâm nhập đại công trường “sét tặc” lớn nhất Quảng Ninh: Lộng hành và ngang nhiên” phản ánh tình trạng khai thác đất sét trái phép quy mô lớn tại thị xã Đông Triều. Con suối chạy dọc cánh đồng thôn Quán Vuông bị chặn đứng dòng chảy để lấy sét. Lòng suối dày đặc các hố sâu, rộng và kéo dài gần 1km.

Cùng ngày, UBND tỉnh Quảng Ninh phát đi văn bản yêu cầu Sở TN&MT chủ trì, phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh ngay hiện tượng báo nêu; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, chỉ đạo của các cấp thẩm quyền; báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện trước ngày 15/1.

Vụ đại công trường “sét tặc” lớn nhất Quảng Ninh: Có dấu hiệu xóa dấu vết ảnh 1

Hiện trường “sét tặc” đang hoạt động được chụp ngày 6/1 tại suối thôn Quán Vuông. Ảnh: Hoàng Dương

Ngày 10/1, phóng viên (PV) Tiền Phong quay lại hiện trường, thấy đại công trường “sét tặc” đã biến thành những hố mênh mông nước. Chỉ trong 2 ngày, các đối tượng đã cho san gạt bằng phẳng các lối đi cũng như đê chắn nước để cho nước tràn vào che lấp hoàn toàn các hố sâu đã khai thác đất sét trước đó.

“Khi báo chí phản ánh, ngay trong tối 8/1, họ đã huy động toàn bộ máy móc để san lấp hiện trường. Đến chiều 9/1, hiện trường của đại công trường khai thác sét đã bị xóa dấu vết. Họ không đủ thời gian để chở đất san lấp hết lòng hố vì khối lượng sét đã bị khai thác quá lớn. Ngay sau khi khơi thông dòng suối, họ cũng rút hết quân cán, máy móc khỏi hiện trường”, anh T., một người dân thôn Quán Vuông, nói.

Ngày 10/1, PV có buổi làm việc với lãnh đạo UBND thị xã Đông Triều. Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Ngoãn, Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Đông Triều, nói rằng, trước khi báo Tiền Phong phản ánh, ngày 27/12/2021, lực lượng chức năng thị xã phát hiện việc người dân đào ao tích nước nên đã lập biên bản xử phạt, yêu cầu hoàn nguyên và khu vực đấy đã được hoàn nguyên ngay.

Ngày 12/1, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đỗ Văn Thông, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Khê, xác nhận, khu vực suối bị khai thác sét thuộc diện đất mặt bằng chưa sử dụng, không phải đất được giao cho hộ ông Chu Văn Minh, người bị phạt 4 triệu đồng về hành vi hủy hoại đất.

“Việc hoàn nguyên không thể nói là làm ngay được, khi có quyết định xử phạt phải ghi dấu lại hiện trạng, sau đó phải có đề án hoàn nguyên chứ không phải ra lấp vội lấp vàng. Nếu đúng nguyên tắc, các mỏ chính thống sau khi bị xử phạt hoặc đóng cửa phải có đề án hoàn nguyên. Đề án đó phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chứ không phải khai thác xong rồi lấp đất lại gọi là hoàn nguyên”, ông Trần Như Long, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh, nói.

Cơ quan chức năng gặp khó

Theo yêu cầu của UBND tỉnh Quảng Ninh, các sở, ngành vào cuộc kiểm tra, xác minh hiện tượng báo Tiền Phong nêu và báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15/1. Nhưng đến nay là ngày 20/1, vẫn chưa sở, ngành nào có báo cáo chính thức với UBND tỉnh về vấn đề này. Trao đổi với PV, đại diện UBND tỉnh Quảng Ninh xác nhận chưa nhận được báo cáo nào liên quan đến sự việc.

Liên hệ với phía Sở TN&MT (Sở được UBND tỉnh giao chủ trì và phối hợp các sở, ngành khác trong việc kiểm tra, xác minh sự việc trên), ông Trần Như Long, Giám đốc Sở, nói: “Chúng tôi đang rất khó khăn trong việc xác minh vì hiện trường đã bị thay đổi”. “Chúng tôi vẫn đang kiểm tra bởi vì sự việc bây giờ phức tạp quá. Nước đang mênh mông nên phải thuê đơn vị tát nước rồi thuê đơn vị giám định. Theo như anh em thanh tra của Sở báo cáo về, đã xác định có nhiều hố rất to và sâu. Anh em đã đo lại diện tích và thuê tát nước. Bước đầu sau khi tát được một ít nước, bằng mắt thường đã phát hiện ra có vỉa sét trên thành ao”, ông Long cho biết.

Vụ đại công trường “sét tặc” lớn nhất Quảng Ninh: Có dấu hiệu xóa dấu vết ảnh 2

Hiện trường mênh mông nước sau khi các đối tượng cố tình san gạt, xóa dấu vết. Ảnh chụp ngày 12/1, Ảnh: Hoàng Dương

Theo ông Long, Sở đang xác định toàn bộ những hố trên là sét hay là sét kẹp đất. Sau khi xác định được thì mới tính ra khối lượng và số tiền mà các đối tượng đã khai thác. Nếu con số vượt mức, Sở phải chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra.

Khi PV hỏi hành động san gạt và tháo nước vào các hố trên có phải là hành động xóa dấu vết hiện trường không, ông Long trả lời: “Nếu đúng như sự việc báo vừa nêu và UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành vào cuộc mà họ đã vội vàng san gạt tháo nước vào hiện trường thì quả tình là có chuyện đó”.

“Hiện trường mênh mông nước, thuê người tát hết chỗ đấy không biết phải mất bao nhiêu ngày. Nếu xác định toàn bộ hố là sét thì số lượng và giá trị sẽ rất lớn. Hiện chúng tôi đang kiểm tra theo diện quản lý nhà nước, còn phía công an họ điều tra vì có dấu hiệu hình sự”, ông Long nói.

Sự việc đại công trường “sét tặc” lộng hành tại Bình Khê, thị xã Đông Triều được PV Tiền Phong phát hiện từ những ngày đầu năm 2022, nhưng theo người dân xã Bình Khê, đại công trường này đã hoạt động cả tháng trước đó không kể ngày đêm.

MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.