Thâm nhập đại công trường “sét tặc” lớn nhất Quảng Ninh: Lộng hành và ngang nhiên

0:00 / 0:00
0:00
TP - Cánh đồng bị đào xới, lật tung bởi tiếng gầm rú của những chiếc máy đào công suất lớn. Gần 50 ô tô tải thay phiên nhau vận chuyển đất sét đi tiêu thụ. Đại công trường “sét tặc” đang ngang nhiên hoạt động ngày đêm tại xã Bình Khê, thị xã Đông Triều (Quảng Ninh).

Canh phòng cẩn mật

Trong vai một người đi chăn bò, tôi cùng anh T. (một người dân địa phương) cố tìm cách tiếp cận công trường khai thác đất sét trái phép được cho là “khủng” nhất từ trước tới nay. Mặc dù dùng đủ mọi lý do để được dắt bò vào phía bên trong nhưng một thanh niên xăm trổ chặn đường nhất quyết xua đuổi chúng tôi. Trước khi rời đi, hắn còn không quên buông lời hăm dọa: “Nói không nghe mà cứ cố vào là tao chặt chân”.

Theo quan sát của phóng viên, công trường khai thác đất sét này nằm giữa cánh đồng của thôn Quán Vuông, xã Bình Khê. Xung quanh cánh đồng là rừng keo và bạch đàn nên chỉ có con đường độc đạo để ra vào và rất khó để quan sát bên trong. Không chỉ ở vị trí ra vào mà tất cả các đường đi lối lại tại thôn Quán Vuông đều có những thanh niên xăm trổ ngồi canh đường. Thậm chí để tiện quan sát, các thanh niên này còn mắc võng nằm ngang đường đi.

Thâm nhập đại công trường “sét tặc” lớn nhất Quảng Ninh: Lộng hành và ngang nhiên ảnh 1

Đại công trường “sét tặc” lớn nhất Quảng Ninh. Ảnh: Hoàng Dương

“Chúng hung hãn lắm, dân chúng tôi muốn ra đồng cũng bị chặn. May là vụ mùa đã gặt xong chứ không là chết đói với bọn này. Không biết ở đâu tới, huy động xe cộ máy móc đào sét rầm rộ cả tuần nay nhưng không ai ngăn cản. Chúng còn thách thức đi báo chính quyền, chúng tôi cũng phản ánh rồi nhưng không ai quan tâm”, anh T. bức xúc nói.

Để cố tiếp cận công trường khai thác, chúng tôi lại đóng vai một nhóm 6 người đi chặt keo. Vừa đến gần đường chính, ngay lập tức những thanh niên xăm trổ kia phóng xe máy chặn đường. Vẫn giọng đầy thách thức: “Đường này đang thi công, cấm vào”.

Thời gian gần đây, Tiền Phong liên tục nhận được phản ánh của người dân Bình Khê về tình trạng khai thác đất sét trái phép đang diễn ra rầm rộ tại xã này. Hàng trăm nghìn tấn đất sét đã bị một nhóm người lạ mặt huy động xe cộ, máy móc đến đào bới, vận chuyển đi nơi khác.

Sau 3 ngày tìm đủ mọi cách để tiếp cận nhưng đều bị chắn đứng bởi đội quân canh đường hùng hậu. Chúng tôi quyết định mạo hiểm sử dụng flycam để ghi nhận hình ảnh bên trong công trường khai thác đất sét trái phép. Khi những hình ảnh đầu tiên gửi về, chúng tôi không khỏi bất ngờ về quy mô và khối lượng đất sét mà nhóm đối tượng này đã khai thác.

Thâm nhập đại công trường “sét tặc” lớn nhất Quảng Ninh: Lộng hành và ngang nhiên ảnh 2

Những hố sâu “sét tặc” để lại sau khi khai thác. Ảnh: Hoàng Dương

Chính quyền làm ngơ?

Qua hình ảnh flycam thu được, đại công trường khai thác đất sét trải dài gần 1 km theo suối Quán Vuông. Khối lượng đất đá khai thác lên đến hàng trăm nghìn mét khối. Con suối bị đào bới tạo thành những moong nước sâu hơn chục mét. Cánh đồng Quán Vuông nham nhở những hố bởi cách khai thác vô tội vạ.

Đại công trường được chia thành 2 phân khu, mỗi phân khu có 3 chiếc máy đào công suất lớn liên tục múc đất sét đổ lên đoàn xe tải khoảng 50 chiếc nối đuôi nhau chở đi tiêu thụ. Con suối Quán Vuông bị chặn đứng dòng chảy để tiện cho việc khai thác và vận chuyển đất sét ra bên ngoài.

Chiếc flycam vừa cất cánh chưa đầy 3 phút, đội quân canh đường đã phát hiện ra vật thể lạ và nháo nhác báo hiệu nhau truy lùng. Chỉ 5 phút sau, địa điểm ẩn nấp của chúng tôi bị lộ và nhóm thanh niên tập trung quây kín xe. Người gọi điện thông báo, người chụp ảnh biển số xe, người chặn xe máy đầu xe chúng tôi.

Nhanh trí, anh bạn đồng nghiệp rồ ga bỏ chạy; ngay lập tức 1 chiếc xe bán tải màu trắng đuổi theo. Ngay cả khi chúng tôi về đến cổng UBND xã Bình Khê, chiếc bán tải vẫn bám đuôi và một người đàn ông bước xuống tiến đến gõ cửa kính xe gằn giọng: “Vừa quay cái gì đấy? Các ông ở báo nào?”.

Không đôi co với người đàn ông kia, chúng tôi làm thủ tục test nhanh COVID-19 để vào đặt lịch làm việc với chính quyền xã Bình Khê. Với lý do không có mặt tại trụ sở, ông Nguyễn Quốc Hùng, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Bình Khê, ủy quyền cho ông Đỗ Văn Thông, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Khê.

Gần như biết trước sự việc, vừa rót trà, ông Thông vừa niềm nở cười và xin phép ra ngoài gọi điện cho ai đó. Khoảng 10 phút sau, một số máy lạ gọi đến cho phóng viên và tự xưng là chủ của công trường khai thác kia có ý muốn gặp để “thương lượng”. Cùng lúc, ông Thông quay lại phòng làm việc và nói: “Tí nữa có mấy anh em họ gọi cho em bây giờ”.

Sau khi chúng tôi đề nghị ông Thông làm việc nghiêm túc và cung cấp một số thông tin cần thiết về công trường khai thác đất sét đang diễn ra trên địa bàn, ông Thông nói: “Anh chỉ là phó giúp việc, không có quyền trong mấy việc này. Anh gửi số của em cho anh Hùng (Bí thư, Chủ tịch xã) rồi, tí nữa anh Hùng sẽ gọi cho em nhé”.

Khi thấy phóng viên kiên quyết đề nghị làm việc, ông Thông nói: “Mấy anh em họ nhặt nhạnh ít sỏi ở bờ suối chứ không có gì. Suối đấy là suối Quán Vuông có từ lâu đời rồi”. Ông Thông khẳng định khu vực này không có dự án nào cả; sự việc trên là do các đối tượng tự ý khai thác. “Đến tôi cũng chưa từng vào được trong đấy”, ông nói.

Với những câu trả lời cho qua chuyện, ông Thông liên tục nói rằng, mong phóng viên thông cảm cho sự việc. Trong lúc phóng viên đang làm việc với đại diện chính quyền UBND xã Bình Khê, đoàn xe tải chở đất sét từ công trường vẫn ùn ùn chạy qua trước cổng ủy ban xã về hướng nhà máy gạch.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.