Vụ “cướp” gạch tại Thái Bình: Có dấu hiệu hình sự

Gạch bị vận chuyển ra khỏi nhà máy sau vụ lộn xộn
Gạch bị vận chuyển ra khỏi nhà máy sau vụ lộn xộn
TPO - Vụ khiêng giám đốc ra khỏi nhà máy để "cướp" gạch xảy ra tại Thái Bình, luật sư Lê Hồng Hiển (Trưởng Văn phòng Luật sư Bắc Á, TP Hà Nội) cho rằng có dấu hiệu phạm pháp hình sự.

-Thưa luật sư, Cty CP tư vấn đầu tư phát triển nông thôn (Cty Nông thôn), với tư cách là chủ Dự án Nhà máy gạch tuynel Vũ Bình (Kiến Xương, Thái Bình), vừa có đơn đề nghị khởi tố vụ án “cướp tài sản” gửi cơ quan chức năng. Ông nhận định ra sao về việc này?

-Trước hết, việc này cần phải xác định tài sản được cho là “bị cướp” đang được ai sở hữu? Và ai, bằng cách nào chiếm đoạt tài sản này từ sự sở hữu của người kia?

Theo Kết luận thanh tra của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Bình, Cty Nông thôn là đơn vị duy nhất được UBND tỉnh Thái Bình cho phép đầu tư Dự án. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất Dự án cũng đứng tên Cty này. Đồng thời, tại thời điểm xảy ra sự việc, Cty Nông thôn đang trực tiếp khai thác, kinh doanh Dự án và kê khai, nộp thuế cho Nhà nước. Do vậy, Cty Nông thôn là chủ đầu tư và là chủ sở hữu Dự án Nhà máy gạch tuynel Vũ Bình.

Điều 133 Bộ luật Hình sự quy định về tội “Cướp tài sản” là: Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản.

Việc những người “lạ mặt” dùng vũ lực khống chế, đuổi người của Cty Nông thôn ra ngoài để kiểm soát toàn bộ nhà máy, sau đó tiến hành bán tháo gạch thành phẩm của Cty Nông thôn ra bên ngoài để thu lợi, đã thể hiện rõ mục đích chiếm đoạt tài sản, theo tôi, đủ yếu tố cấu thành tội “cướp tài sản”.

-Theo diễn biến vụ việc, những người với danh nghĩa Cty khác như Cty Tiền Phong, Cty Đất Nước cho rằng họ có tài sản nằm trong khối tài sản Dự án của Cty Nông thôn nên họ cũng có quyền quản lý khối tài sản chung. Quan điểm này có phù hợp với quy định của pháp luật hay không?

-Nếu tranh chấp về tài sản có trong Dự án đang được Tòa án thụ lý giải quyết thì việc một bên tự tiện hành xử mà không đợi phán quyết của Tòa đương nhiên là hành vi vi phạm pháp luật.

-Thưa ông, nếu xem đây là hành vi “cướp tài sản” thì thẩm quyền khởi tố vụ án thuộc cơ quan nào?

-Việc này tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có giá trị của tài sản bị chiếm đoạt. Việc khởi tố vụ án thuộc trách nhiệm của cơ quan điều tra.

-Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG