Bác sĩ đang hỏi thăm sức khỏe bệnh nhân bị bỏng. Ảnh: Thái Hà. |
Viện Bỏng Quốc gia (Hà Nội) hiện đang điều trị cho 23 bệnh nhân nặng và rất nặng trong vụ cháy tại xưởng may gia công giầy da tại thôn Đại Hoàng 2, xã Tân Dân, huyện An Lão, TP Hải Phòng. Các bác sĩ cho biết phải 3 tuần nữa mới có thể tiên lượng được khả năng sống của họ.
GS.TS Lê Năm, Giám đốc Viện Bỏng Quốc gia cho biết, trong số 23 bệnh nhân có 13 trường hợp rất nặng do bỏng rộng, bỏng sâu và bỏng hô hấp nên điều trị khó khăn hơn. Tình trạng bệnh của các bệnh nhân này đang có chiều hướng nặng hơn, vết thương phù nề, chèn ép đường thở gây khó thở, suy hô hấp.
Bác sĩ Nguyễn Như Lâm, Trưởng khoa Hồi sức tích cực cho biết hầu hết nạn nhân của vụ cháy bị kẹt trong nhà xưởng nên hít phải lượng lớn khí độc. Các bệnh nhân đã trải qua giai đoạn sốc bỏng, sốc tâm lý và đang bước vào giai đoạn nhiễm trùng, nhiễm độc.
Đến nay sau 4 ngày, cơ thể bệnh nhân bắt đầu thải chất độc qua đường hô hấp bằng cách ho. Trong vòng vài ngày tới tình trạng bệnh sẽ nặng lên. Bỏng hô hấp khó điều trị do chỉ có thể dùng thuốc qua đường khí rung để dẫn thuốc vào phổi giải phóng chất độc đường hô hấp.
Bác sĩ Lâm cho biết, do không biết bệnh nhân có hít phải khí CO và Xyanit hay không nên các bác sĩ còn dùng một số biện pháp nghiệp vụ khác như: dùng oxy liều cao và các thuốc giải độc đặc hiệu cho bệnh nhân nặng. Sau khi điều trị ổn định đường hô hấp sẽ đến giai đoạn phẫu thuật sớm, ghép da để chữa lành vết thương cho bệnh nhân. Thuốc điều trị cho bệnh nhân phần lớn do Viện Bỏng Quốc gia sản xuất, bao gồm da nuôi cấy từ da lợn và màng sinh học.
Theo GS.TS Lê Năm, khó khăn lớn nhất là trong những ngày tới, nguy cơ nhiều bệnh nhân cùng phải thở máy nên có khả năng Viện Bỏng cần chi viện máy thở từ Bệnh viện Quân y 103 (thuộc Học Viện Quân y).
Viện Bỏng đang sử dụng công nghệ tế bào kích thích làm liền vết thương, dự phòng nhiễm khuẩn. Đặc biệt, Viện đã huy động 4 giường đặc biệt dành cho bệnh nhân bỏng nặng, bỏng vùng tì đè, tiết nhiều dịch để tránh loét vết thương.
Những giường này có hệ thống sấy vết thương sử dụng bức xạ có thể kiểm soát được nhiệt độ môi trường nhằm hạn chế nhiễm khuẩn, kích thích làm lành vết thương. Mỗi chiếc giường đặc biệt có giá 1 tỷ đồng, vừa được Viện Bỏng nhập về.
Gánh nặng chi phí
GS.TS Lê Năm cho biết, sáng qua (1-8), lãnh đạo huyện Kiến An (Hải Phòng) đã đến thăm và tặng mỗi bệnh nhân 5 triệu đồng và trao 200 triệu đồng cho Viện Bỏng Quốc gia để cứu chữa cho các nạn nhân. GS Năm khẳng định, dù bệnh nhân và địa phương không đủ tiền thì đội ngũ bác sĩ Viện Bỏng Quốc gia vẫn toàn tâm toàn sức cứu chữa bệnh nhân. |
GS.TS Lê Năm cho biết, chi phí mỗi ngày cho một bệnh nhân hết khoảng 1-2 triệu đồng tiền thuốc; trường hợp nặng, bị nhiễm trùng huyết, chảy máu đường tiêu hóa tiêu tốn khoảng 10 triệu đồng/ngày để lọc máu. Chi phí điều trị cho bệnh nhân bỏng nặng trung bình 40-50 triệu đồng.
Nhưng có những bệnh nhân bỏng rất nặng, số tiền để cứu sống tính mạng có khi lên tới hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân nhập viện đều nghèo, không có thẻ Bảo hiểm Y tế nên không được thanh toán chi phí điều trị. Đây thực sự là gánh nặng với bệnh nhân.
Tại phòng Chống sốc (Khoa Hồi sức tích cực), bệnh nhân Đoàn Thu Sen (22 tuổi) bị bỏng 50% diện tích cơ thể, hai tay, hai chân và lưng băng trắng toát, trên mặt vẫn còn những vết bỏng lột da đỏ lửng. Sen mới sinh con được 6 tháng thì đi làm ở xưởng may.
Ngày tai họa ập tới, đứa con nhỏ mới tròn 9 tháng tuổi, phải gửi cho ông bà nội chăm bẵm. Sen kể lúc lửa bùng lên, cô lao qua đám lửa đang cháy dữ dội để thoát thân, ra đến ngoài mới biết chị chồng là Phạm Thị Nhật đã chết cháy. Hai bên gia đình Sen đều làm ruộng nên phải vay mượn khắp nơi để có tiền lên Hà Nội chữa bệnh cho Sen.
Giường bên cạnh, Hoàng Hải Quỳnh (18 tuổi) với gương mặt được phủ kín lớp màng sinh học nhưng vẫn có thể nói chuyện ngắt quãng với người khác. Cô vừa trải qua kỳ thi vào trường Đại học Hải Phòng và đang chờ điểm thi. Thấy gần nhà mở xưởng may nên Quỳnh xin vào làm thuê kiếm tiền giúp đỡ bố mẹ. Mới đi được vài ngày, chưa kịp nhận đồng lương nào, nỗi đau ập tới.